Ngăn chặn tình trạng khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài: Cần giải pháp “mạnh tay”!

Vẫn còn một bộ phận chủ tàu chưa quan tâm đến việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Có thể thấy, từ khi triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, tình trạng tàu cá trên vùng biển Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể. Tính đến ngày 30/6, tỉnh Cà Mau có 1.250/1.690 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình từ hệ thống vệ tinh (VMS), đạt tỷ lệ 73,95%. Trong đó, số tàu cá đã lắp đặt có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 49 chiếc, số tàu cá đã lắp đặt có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m là 1.201 chiếc. Ngoài ra, còn có 4 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m, chủ tàu tự nguyện lắp đặt thiết bị VMS do nhận thấy được những lợi ích.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân quyền, tạo tài khoản cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện chức năng giám sát, phối hợp xử lý dữ liệu qua hệ thống giám sát tàu cá theo các quy chế, quy định đã ban hành. Bên cạnh đó, đã dự thảo trình Sở Tư pháp xem xét thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phí duy trì dịch vụ vệ tinh (dự kiến trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm nay).

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh), ông Châu Minh Đảm cho biết: “Ban đầu thì chủ ghe phản đối dữ lắm vì vừa tốn phí hàng năm, vừa bị quản lý nên nhiều chủ ghe không đồng tình, nhưng qua công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí là dùng biện pháp mạnh là nếu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì Trạm Kiểm soát Biên phòng không cho ra khơi đánh bắt, Chi cục Thủy sản không cho đăng ký đăng kiểm lại, thì ngư dân mới đồng tình thực hiện”.

Không chỉ riêng ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội, mà hầu hết những ngư dân có phương tiện đánh bắt xa bờ hiện tại đã ý thức được việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Hộ anh Nguyễn Văn Nghĩa (Khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) hành nghề ghe cào, gia đình anh có tới 6 phương tiện và anh đều cho lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. “Dù chi phí cao, nhưng giờ tôi yên tâm hơn mỗi khi phương tiện ra khơi đánh bắt”, anh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương thì vẫn còn một bộ phận chủ tàu chưa quan tâm đến việc lắp đặt thiết bị VMS, chủ quan, trông chờ vào sự hỗ trợ, chính sách của Nhà nước. Tình trạng tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS nhưng mất kết nối chưa rõ nguyên nhân (lỗi kỹ thuật, hệ thống, khách quan, chủ quan) còn diễn ra, đôi khi chiếm số lượng lớn (thường xuyên từ 10 – 15%/tổng số đã lắp đặt). Cơ sở pháp lý xử phạt vi phạm hành chính chưa được hướng dẫn rõ ràng; chưa phân vai, trách nhiệm cụ thể cơ quan chủ trì việc xử lý, xử phạt các hành vi liên quan đến giám sát hành trình tàu cá.

Mặc dù đơn vị cung cấp thiết bị đã có nhiều giải pháp, hình thức thu phí dịch vụ vệ tinh (điện thoại, nhắn tin nhắc nhở, cảnh báo trước, chuyển khoản/tiền mặt, thu tận nhà, thu cước qua bưu điện…) tuy nhiên tình trạng chây ì, viện lý do không biết, thiếu trách nhiệm, không chủ động kiểm tra tình trạng của thiết bị trước khi đưa tàu ra biển hoạt động của chủ tàu vẫn còn xảy ra nhiều.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Công tác xử lý đối với tàu cá của tỉnh bị mất tín hiệu kết nối được thực hiện theo Điều 5, Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 7/5/2020 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phối hợp của các đơn vị có liên quan còn chậm, chưa quyết liệt và kịp thời, chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Cụ thể, từ khi triển khai Quyết định 07/2020/QĐ-UBND đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 7 thông báo đề nghị các đơn vị phối hợp xử lý các tàu mất kết nối trên 10 ngày, thì chỉ nhận được phản hồi từ Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, nhưng thời gian phản hồi còn chậm và thiếu thông tin. Bên cạnh đó, còn một số nhà mạng chưa thực sự quyết liệt, theo dõi, quan tâm đúng mức, phối hợp đôi khi chưa chặt chẽ với cơ quan chức năng trong xử lý các tình huống đột xuất, thường xuyên”.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp bà con ngư dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành, không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngư dân cần nêu cao ý thức chấp hành

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Thủy sản Cà Mau (từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2020), công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức: Mở lớp tuyên truyền tại các xã, thị trấn, Đồn Biên phòng; phát thanh trên hệ thống truyền thông của cấp xã; phát thanh ngoài biển trên tần số của các đài trực canh dân sự duyên hải; nhắn tin qua điện thoại; in ấn tờ rơi, tờ gấp, pa nô, sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực, vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự chuyên đề… để tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Đã tổ chức 175 lớp tập huấn/8.748 lượt người tham dự; 882 bản tin, 7 phóng sự tuyên truyền; 13.000 sổ tay hướng dẫn; 5.000 áp phích; 75.200 tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai thi hành Luật Thủy sản. Bên cạnh đó, Trạm Kiểm soát Biên phòng tại các cửa biển thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thế nhưng, tình trạng khai thác vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Đã có 38 tàu/219 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ (trong đó, Philippines 1 tàu/4 thuyền viên; Thái Lan 33 tàu/195 thuyền viên; Malaysia 4 tàu/20 thuyền viên).

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ông Nguyễn Việt Triều cho biết, nguyên nhân là do trình độ người dân khác nhau, mặc dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng nhận thức của ngư dân vẫn còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa thật sự quan tâm, xem việc tham dự các lớp tuyên truyền là nghĩa vụ thực hiện khi địa phương, lực lượng chức năng yêu cầu, mà không để tâm đến nội dung được triển khai trong buổi tập huấn. Bên cạnh đó, một số chủ tàu do điều kiện công việc không trực tiếp tham dự các lớp tập huấn mà cử đại diện là người nhà, không trực tiếp sản xuất và không am hiểu về nghề cá tham dự, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyên truyền và thực thi pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *