Ngăn “giặc lửa” bằng trách nhiệm và nhiệt huyết của trái tim

Mùa khô qua từng năm càng trở nên khắc nghiệt, gay gắt hơn. Dù mấy ngày qua đã có mưa “vàng” xuất hiện, nhưng chưa đủ để hạ nhiệt rừng U Minh Hạ. Thời tiết giao mùa như hiện nay chính là thời điểm có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào, vì có nhiều đất sét và lớp phèn đóng trên lớp thực bì bị trôi nên lớp thực bì rất dễ bắt lửa, từ đó nguy cơ cháy là rất cao. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) càng căng thẳng hơn, các anh vẫn luôn dõi mắt hướng về những cánh rừng, quyết tâm để đại ngàn an toàn phủ màu xanh…

Chiến sĩ Sở Chỉ huy thống nhất – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, kiểm tra vận hành máy, luôn trong tư thế sẵn sàng.

Hiện toàn bộ diện tích rừng trên 43.500ha đều báo động cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm, mực nước tại các kênh trục vơi dần, nhiều vị trí khô cạn trên địa bàn các xã: Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); Khánh Lâm, Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Tiến, Khánh Hòa, Khánh Thuận (huyện U Minh) và các doanh nghiệp thuê đất rừng. Đến rừng mùa này, chúng tôi cảm nhận được sức nóng của đại ngàn, sự căng thẳng của lực lượng đang túc trực ngày đêm canh “giặc lửa”. Đã có hơn 3.000 người sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra, bao gồm lực lượng PCCCR, lực lượng cơ động, công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, dân quân tự vệ và người dân sống trên lâm phần. Công tác diễn tập, huấn luyện nghiệp vụ đã được thực hiện nghiêm túc. Phương tiện, thiết bị PCCCR được bảo đảm, với 124 máy bơm, hơn 70.000m vòi chữa cháy, 114 bộ vỏ máy, 12 xe ô tô bán tải… Các phương án, kế hoạch được điều chỉnh phù hợp với tình hình, trên tinh thần chủ động, kịp thời ngăn chặn lây lan khi có cháy.

Từ đầu mùa khô đến nay đã xảy ra 5 vụ cháy, làm thiệt hại hơn 13.000m2 rừng sản xuất và rừng tái sinh chồi, ở xã Khánh Bình Đông và xã Khánh An. Gần đây nhất là vụ cháy rừng tràm tái sinh sau khai thác tại Nông trường 402 (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), thiệt hại khoảng 20ha. Mỗi vụ cháy xảy ra là những người làm nhiệm vụ giữ rừng lại đứng ngồi không yên, phập phồng lo lắng, thôi thúc anh em tăng cường tuần tra, kiểm soát, trách nhiệm qua mỗi ca trực.

Mùa khô năm nay, toàn khu vực rừng tràm U Minh Hạ được bố trí 107 trạm, chốt canh, trong đó 71 trạm kiên cố, còn lại 36 chốt tạm, chỉ hoạt động vào mùa khô. Đó là những “ngôi nhà chỉ toàn đàn ông” nằm giữa mênh mông rừng tràm, có nhà tường, nhà thiếc, nhà lá đủ loại, mà mùa này đối với các chiến sĩ giữ rừng thì nhà kiểu nào cũng nóng, vì thời gian chủ yếu là luồn rừng và trên thang trông. Công việc của các anh bắt đầu từ 5 giờ đến 21 giờ, cứ cách nhau 2 tiếng và 1 tiếng (lúc cao điểm nắng nóng), họ thay nhau lên xuống đài quan sát cao 18m, người canh rừng, người ra ca đi kiếm cá, bẻ rau… Bữa ăn, giấc ngủ trở nên hối hả, tạm bợ, bởi bảo vệ rừng chính là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất trong cao điểm nắng hạn.

Khi cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19, giữa màu xanh của đại ngàn rừng tràm U Minh Hạ, tất cả đang dồn sức để chống thêm “giặc lửa”, để gìn giữ tài sản quý báu của quê hương, xứ sở. Và đã có bao thế hệ cống hiến cả đời mình giữ màu xanh, ngăn “giặc lửa” bằng trách nhiệm với quê hương và nhiệt huyết của trái tim… Đến rừng tràm U Minh Hạ thật không khó để tìm những tiền bối có thâm niên trên 20 năm làm công việc bảo vệ rừng. Ông Đặng Văn Xe, Chốt trưởng kênh Xáng Giữa, người có 24 năm gắn bó với rừng, chia sẻ: “Với tôi đây như là một nghề và cũng là duyên. Từ nhỏ tôi đã được gia đình, người thân truyền cho tình cảm đối với những cánh rừng quê hương, khi lớn lên tôi cảm thấy mình có trách nhiệm gìn giữ”. Rừng cũng đã mang lại kinh tế ổn định cho gia đình ông Xe, với 1,5ha, ông vừa trồng rừng, trồng lúa, nuôi cá kết hợp… để đủ lo cho 3 người con yên bề cuộc sống.

Lực lượng Đội cơ động quản lý bảo vệ rừng – Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tuần tra, khảo sát những khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy.

Ở những chốt trạm trong lõi sâu, từng người một đều coi rừng là sinh mạng. Là một trong những người canh rừng “nghiệp dư” – lực lượng hợp đồng, anh Phạm Văn Khắc ở xã Khánh Bình Tây Bắc vẫn lạc quan khi nhận nhiệm vụ đầy gian nan tại chốt 27. “Tôi vô đây trực chiến với anh em mấy tháng nay. Mọi người đều hòa đồng, vui vẻ cùng nhau chia sẻ, gánh vác công việc”. Cũng như mọi người, anh Khắc mười bữa, nửa tháng mới về thăm nhà một lần, vẫn không thấy buồn, có lẽ đã ngấm được cái nhiệt huyết thiêng liêng từ đồng đội.

Theo bước chân của lực lượng Đội Cơ động quản lý bảo vệ rừng – Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tôi suýt té mấy lần vì sụp hố, dây giăng theo gốc tràm được phủ lên lớp dớn và thực bì khô khốc. Vậy mà các anh ngày mấy bận băng rừng tuần tra, giám sát liên tục các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy, kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, không vào rừng ăn ong, đốt đồng gây lan lửa… U Minh Hạ vốn là rừng ngập. Bình thường, nước luôn ngấp nghé dưới chân rừng mà giờ các anh đào sâu gần nửa mét mà vẫn chưa thấy nước. Anh Nguyễn Công Vương cho biết: “Tuyến kênh đê bao chính còn giữ được chừng hơn 1m nước, chớ những kênh giữ nước nhỏ giờ đã cạn hết rồi, chỉ một tàn thuốc lá hay một tia sét xẹt qua thì lớp thực bì này sẽ bốc lửa ngay”.

Rừng U Minh Hạ không chỉ có lòng người quyết tâm giữ rừng, vươn lên từ làm kinh tế dưới tán rừng mà còn lắm chuyện kỳ bí… Trong kháng chiến, rừng tràm nơi đây đã chở che cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. Những cơ sở sản xuất vũ khí, những lán trại quân y nằm rải rác dưới tán rừng hùng vĩ này. Giặc Mỹ đã nhiều phen “nhổ cỏ” rừng U Minh, nhưng chính những vạt rừng đã chở che qua bom đạn. Sau chiến tranh, rừng lại hồi sinh, xanh tươi trở lại… Song những câu chuyện trong thời chiến, thời bình vẫn đậm sâu nghĩa tình xứ sở.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *