Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau Tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo

Trong giai đoạn 2014  – 2019, nguồn vốn huy động được 153,8 tỷ đồng; giải ngân, cho vay được 169.523 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số cho vay là 2.840 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tại 100/101 điểm giao dịch cấp xã, tổ chức thực hiện giao dịch theo lịch cố định hằng tháng tại xã, phường, thị trấn và phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tham mưu UBND cấp xã thành lập 2.728 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 949 ấp, khóm, nhằm phục vụ tốt hơn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nhân viên ngân hàng đến tại điểm giao dịch xã để giúp người dân tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, trực tiếp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.

Đòn bẩy giúp hộ nghèo 

Được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh, gia đình anh Nguyễn Hoàng Tuấn (ấp Bùng Binh 1, xã Hòa Tân, TP. Cà Mau) đã đầu tư cải tạo vuông tôm nuôi công nghiệp không hiệu quả, chuyển sang nuôi tôm sinh thái và nuôi cua thịt. Anh còn được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua, nên cua nuôi của anh phát triển tốt. Thông qua việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình có động lực để làm ăn, nhờ đó vươn lên thoát nghèo. Anh Tuấn chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách mà gia đình tôi vượt qua khó khăn, có cơ hội và điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi… cho hộ vay. Thông qua các chương trình cho vay, các hộ nghèo đã có được số vốn để đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các hộ còn tích cực tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng giúp nhau kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh để thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Di Linh. Năm 2018, được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm 40 triệu đồng, chị đầu tư nuôi heo và hơn 100 con vịt xiêm. Sau hơn một năm, số tiền lãi có được, gia đình chị thuê 2 công đất vuông đầu tư nuôi tôm, hiện nay đang phát triển tốt. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và được chính quyền địa phương đánh giá là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. 
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thanh: “Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học do gia đình khó khăn về tài chính. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn đã tạo động lực cho người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhiều mô hình, dự án làm ăn hay được nhân rộng, giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua các chương trình đã góp phần giúp 32.073 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ 7.892 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; tạo việc làm cho 12.090 lao động; có 40 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 91.491 công trình nước sạch vệ sinh môi trường và 1.008 căn nhà cho hộ nghèo”.

Với vốn vay giải quyết việc làm 40 triệu đồng, chị Nguyễn Di Linh đã đầu tư nuôi heo, nuôi vịt và thuê đất làm vuông, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo.

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng cung cấp; tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, xây dựng nông thôn mới… Để hoàn thành mục tiêu này, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động TDCS, đặc biệt đối với các đơn vị có chất lượng còn thấp hoặc chưa ổn định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của TDCS; tích cực phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương trong đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ tồn đọng lâu ngày. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn trong năm để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng; phối hợp các địa phương, các tổ chức nhận ủy thác hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch trong việc bình xét… Phối hợp các hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ cơ sở; phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai tập huấn, truyền thụ những kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ để người vay sử dụng vốn hiệu quả. 
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ là cầu nối trung gian giúp người dân, hộ gia đình, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn vay ưu đãi; đồng thời triển khai thêm các chương trình tín dụng chính sách mới, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *