“Ngân hàng đất” đóng băng từ sau khi ra đời đến nay

Sau gần 2 năm xây dựng và đưa vào vận hành, với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng trên diện tích hơn 11ha, tuy nhiên đến nay “ngân hàng đất” của tỉnh tại xã Trần Thới (huyện Cái Nước) vẫn chỉ là những đầm nước, cho 1 người dân thuê nuôi thủy sản.

“Ngân hàng đất” được tỉnh phê duyệt (bổ sung) vào tháng 8/2016 trong thực hiện dự án Cống Bào Trấu, với diện tích 11ha, kinh phí trên 20 tỷ đồng, với mục tiêu tiếp nhận đất bùn từ việc nạo vét các tuyến kênh cấp 1 và 2 thuộc tiểu vùng X – Nam Cà Mau (dự án WB6) và mở rộng phạm vi tiếp nhận bùn đất sau nạo vét của các tuyến kênh lân cận. 

Đến tháng 8/2018, “ngân hàng đất” hoàn thành các hạng mục công trình (tổng kinh phí lúc này là trên 26,6 tỷ đồng), nhưng thời điểm này thì các tuyến kênh trục cấp 1, cấp 2 thuộc tiểu vùng X – Nam Cà Mau cũng đã nạo vét xong, và thế là ngân hàng “đói” đất cho đến nay. 

Một số hạng mục công trình đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Hiện, “ngân hàng đất” này được giao cho Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi (đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý. 

Để khai thác hiệu quả “ngân hàng đất” tại xã Trần Thới, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. 

Theo đó, đơn vị đề xuất cần phải tiếp tục đầu tư một số trang thiết bị. Cụ thể: Xáng cạp gầu dây loại 45 tấn (từ 1 – 2 chiếc) với kinh phí 1,5 – 3 tỷ đồng; xáng cạp gầu dây loại 25 tấn, kinh phí 1,2 tỷ đồng; xà lan chở đất loại 40 – 80 tấn (từ 1 – 2 chiếc) có kinh phí 1,5 – 3 tỷ đồng… Ngoài ra, còn có máy đào bánh xích gàu, xe ben chở đất với giá trị hàng tỷ đồng.

Theo Đề án, nguồn đất dự kiến “nạp” về “ngân hàng” từ 50.000 – 70.000 m3/năm. 2 phương án mà Đề án đặt ra là đơn vị quản lý, vận hành khai thác và cho thuê quyền khai thác.

Tuy nhiên, Đề án cũng nêu rằng: Việc đánh giá hiệu quả của phương án cũng như dự kiến nguồn thu từ việc khai thác và các chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản, số nộp ngân sách nhà nước… là rất khó đánh giá được.
Trong khi “ngân hàng đất” đóng băng thì hiện nay xuất hiện nhiều bãi tập kết đất sau nạo vét các tuyến kênh, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn. Ảnh: Bãi tập kết đất sau nạo vét các tuyến kênh này cách “ngân hàng đất” không xa, nằm trên địa bàn huyện Cái Nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *