“Ngàn kế hay” trong dân vận khéo Bài cuối: Gieo niềm tin, nối dài thành công

“Khéo” vận động xây dựng NTM

Phú Tân là huyện thực hiện Chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; ban đầu, một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ thực tế đó, Huyện ủy Phú Tân xác định thực hiện tốt công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng NTM. Từ đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã hội chú trọng thực hiện có hiệu quả. Trước tiên, Huyện ủy Phú Tân đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về giao trách nhiệm đảng viên, cán bộ, hội viên hoàn thành tiêu chí NTM gắn với văn minh đô thị, làm trọng tâm thực hiện. Trong đó, gắn liền việc phân giao trách nhiệm và phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy để tiên phong cho đảng viên, quần chúng. Lấy hiệu quả việc thực hiện nghị quyết làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức đảng, đảng viên. Đồng thời, mỗi đảng viên phải có một mô hình cụ thể để tăng thu nhập và kèm cặp, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo làm theo. Thành quả đầu tiên từ xã NTM Tân Hải là minh chứng, bởi Tân Hải từng là xã “5 không”. Bằng nỗ lực của chính quyền địa phương và hơn hết là phát huy tốt nội lực, đến năm 2015, xã được công nhận xã NTM.

Ông Huỳnh Công, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Tân: “Phương châm của huyện Phú Tân trong xây dựng NTM: Đảng là chủ đạo, Nhà nước chủ lực, MTTQ và các đoàn thể chủ trì, nhân dân là chủ thể thực hiện và hưởng thụ. Đã qua, cán bộ mỗi địa phương không đơn thuần là chỉ đạo cấp dưới thực hiện mà mỗi tuần xuống ấp 1 – 2 ngày, xắn tay và cùng dân làm NTM. Từ chỗ gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng bà con, thắt nút chỗ nào xở gỡ ngay chỗ ấy, mà công tác dân vận xây dựng NTM đã thực sự phát huy hiệu quả”.

Ông Nguyễn Văn Chiến, cựu chiến binh ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo: “Từ khi có phong trào xây dựng NTM, hầu như mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân như máu thịt; cán bộ không chỉ ngồi phòng lạnh chỉ việc mà phải rong ruổi trên các tuyến đường, đến nhà dân khảo sát, hỏi ý kiến. Nhận thức được mục đích cuối cùng là làm thế nào để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhân dân rất phấn khởi khi mình được tôn trọng, từ đó đồng lòng cùng chính quyền địa phương làm NTM”.

Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân có gần 300 mô hình “Dân vận khéo”: Phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng – an ninh, hệ thống chính trị… Việc huy động nguồn vốn, vận động nhân dân thực hiện xây dựng NTM, văn minh đô thị được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp có sự phối hợp đồng bộ, tích cực vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khá, giàu trong và ngoài huyện có điều kiện tích cực ủng hộ. 3 năm gần đây, huyện đã vận động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM (Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Thắng và Phú Mỹ). So trước khi có Kế hoạch số 09 của Ban Dân vận Tỉnh ủy, tăng hơn 1 xã đạt chuẩn NTM.

Ông Trương Hoàng Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân: “Đã qua, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện được phương châm 4 đồng: Đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến trong phong trào xây dựng NTM. Trên cơ sở phân công cán bộ giúp các xã xây dựng NTM, sát dân, sát với cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Chứng kiến quê hương thay đổi, đời sống người dân nâng lên, họ càng tin và chung tay cùng địa phương hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí”.

Ông Lê Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho lãnh đạo và nhân dân xã Tân Hưng Tây (huyện Phú Tân) hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới.

Từ mô hình điểm đến nhân rộng trong cộng đồng

Đầu năm 2020, tiếp tục có 626 mô hình Dân vận khéo được các tổ chức, đoàn thể đăng ký thực hiện, đã góp phần nhân lên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

Những ngày này, xã Hòa Tân (TP. Cà Mau) đang nô nức chờ ngày làm lễ công nhận xã đạt chuẩn NTM, thành quả ấy từ sự đóng góp rất lớn của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân. Như tiêu chí môi trường, nghe có vẻ dễ, nhưng để đạt từng nội dung tiêu chí nhỏ và giữ vững là hết sức khó khăn. Từ đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã triển khai thí điểm mô hình lò đốt rác, dành đốt rác thải nhựa, nilon không phân hủy trong môi trường. Đầu tiên chọn ấp Gành Hào 1 thực hiện thí điểm, sau đó tiếp tục nhân rộng trong toàn xã. Đầu năm 2020, mô hình này được Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá cao và tặng bằng khen.

Còn ở xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi), ngoài việc phát động bà con trồng hàng rào cây xanh làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường với việc nhân rộng các tuyến dân cư kiểu mẫu, chính quyền địa phương còn tích cực vận động bà con tăng gia sản xuất, phối hợp cùng địa phương thực hiện các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế. Tiêu biểu là việc vận động nhân dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp… Anh Trịnh Hoàng Cung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân: “Bà con trên địa bàn xã vốn tính cần cù, chịu khó nên hễ phát động phong trào lao động sản xuất, nhất là hướng đến quyền lợi và nâng cao năng suất thì bà con đồng thuận rất cao. Tính đến nay, trên địa bàn đã thành lập được 1 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 4 hội nghề nghiệp, trong nhiệm kỳ 2015 – 2016, Hội Nông dân xã đã giải ngân gần 1 tỷ đồng, một phần nào hỗ trợ vốn để tổ viên đầu tư sản xuất”.

Không chỉ ở xây dựng NTM, sản xuất, mô hình dân vận khéo ở Cà Mau đã hình thành, rải đều ở mọi lĩnh vực. Những năm qua, Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh) đã tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến ở địa bàn cơ sở. Mô hình Dân vận khéo Công an tỉnh đăng ký về Ban Dân vận Tỉnh ủy: “Khu dân cư an toàn; đường thông, hè thoáng” thực hiện trên tuyến Quốc lộ 1A Phường 6, TP. Cà Mau và “Khu dân cư không tội phạm, tệ nạn xã hội” thực hiện ở khu vực ngã ba Cái Tàu, xã Khánh An, huyện U Minh. Tiếp tục tham mưu duy trì 2 mô hình Công an tỉnh đăng ký về Ban Dân vận Tỉnh ủy những năm trước đây: “Khu dân cư tự quản đảm bảo trật tự an toàn xã hội” ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và mô hình “Giữ vững an ninh, trật tự xã hội góp phần xây dựng NTM” ở xã Tân Phú (huyện Thới Bình)…

Ông Lê Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: “Công tác dân vận trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận, nhiều mô hình từ thí điểm, rồi dân đi vào thực tiễn đời sống và phát huy hiệu quả, được đông đảo bà con đồng tình đón nhận và làm theo. Đó là thước do thành công trong công tác dân vận. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, ở một số địa phương công tác dân vận vẫn chưa phát huy hiệu quả, nhất là khi chưa sát dân, gần dân, đùn đẩy trách nhiệm; một số nơi còn có sự thỏa mãn, trông chờ; Mặt trận, đoàn thể cơ sở, chưa chủ động đề xuất thực hiện các nhiệm vụ – đấy là hạn chế, khuyết điểm, mà các địa phương cần nhận diện, khắc phục kịp thời. Bởi Bác đã từng dạy “Dân vận khéo, việc gì cũng thành công”, mà trước hết bản thân mỗi cán bộ hãy tiên phong, gương mẫu gieo niềm tin chắc chắn và lâu dài, sẽ nhận về thành công như mong muốn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *