Ngành hàng chủ lực vẫn còn gặp khó

Thị trường xuất khẩu chuối già Nam Mỹ của các hộ sản xuất nhỏ lẻ còn gặp khó; những doanh nghiệp xuất khẩu theo đường chính ngạch thì thuận lợi hơn.

“Giá” vẫn là nỗi lo

Cây keo lai là một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đang là nguồn xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế tỉnh, đứng sau con tôm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu cây gỗ keo lai đang bị gián đoạn, đời sống người dân dưới tán rừng vốn đã khó lại càng thêm khó khăn. Hiện nay, những thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ quan trọng của Việt Nam: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ngay cả khối EU, đều bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 bùng phát, khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tới các thị trường này sụt giảm.

Theo ông Trần Văn Thức – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng dịch COVID-19, các nước bạn ngưng nhập khẩu lâm sản, cây gỗ nguyên liệu đang gặp khó khăn đầu ra. Đặc biệt, trong hơn 19.000ha rừng trồng thâm canh, có một nửa diện tích là cây keo lai đang bế tắc đầu ra, giá cả giảm mạnh. Diện tích còn lại trồng tràm bản địa… và tràm Úc, chỉ dùng trong xây dựng, tiêu thụ nội địa.

Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: “Dịch bệnh, hạn hán làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người dân. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên đời sống của người dân dần ổn định”.

Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm; dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Nền kinh tế trong nước, cũng như tỉnh Cà Mau tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Trần Văn Thức khuyến cáo, bà con không nên nóng vội khai thác rừng vào thời điểm này, bởi giá lâm sản thấp, khó tiêu thụ, để lâu cây gỗ mất phẩm chất, giảm giá trị. Ngược lại, chậm khai thác, kéo dài thời gian sinh trưởng, cây rừng sẽ mang lại sinh khối cao, giá trị kinh tế càng tăng.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người trồng rừng không nên nóng vội khai thác rừng vào thời điểm này giá vì thấp, khó tiêu thụ, để lâu cây gỗ mất phẩm chất, giảm giá trị.

Khó do dịch bệnh và thời tiết

Huyện Trần Văn Thời có gần 32.000ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ và ngọt. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, lợ hơn 17.140ha với các loại: Tôm, cua, cá; còn lại nuôi các loài cá nước ngọt với gần 15.000ha. Ngoài mô hình nuôi tôm, những năm qua, nhiều hộ dân ở các xã vùng chuyển đổi sản xuất còn thực hiện khá thành công với mô hình kết hợp nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nuôi cá chình, cá bống tượng trong vuông nuôi tôm.

Huyện còn có thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển. Hiện toàn huyện có hơn 2.600 phương tiện khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cầu nghề cá. Trong đó, tàu có công suất trên 90CV gần 1.400 chiếc, có khả năng khai thác dài ngày trên biển; còn lại công suất từ 20CV đến dưới 90CV là 454 chiếc. Với sự quan tâm của các ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 17 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67, đã giúp ngư dân có điều kiện duy trì, phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 67, đến nay, huyện Trần Văn Thời đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 24 tàu cá; nâng cấp 2 tàu; hỗ trợ chi phí vận chuyển cho 39 tàu, với 443 chuyến; hỗ trợ bảo hiểm cho hơn 23.000 thuyền viên; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, ngư cụ cho 524 tàu; tổng nguồn vốn hơn 128,5 tỷ đồng. Từ đó, nhiều ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển, duy trì các hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên biển.

Dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản, nhưng từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản của huyện Trần Văn Thời hơn 72.000 tấn, đạt gần 50% so với kế hoạch.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành kinh tế mũi nhọn phát triển xứng với tiềm năng, huyện Trần Văn Thời tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Cần thay đổi con đường xuất khẩu

 Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng trái cây tươi như dưa hấu, thanh long… xuất khẩu qua đường tiểu ngạch giảm giá thê thảm. Chuối già Nam Mỹ xuất khẩu theo đường chính ngạch, tuy giá bán và số lượng xuất đi không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng vẫn bị tác động nhất định. Chuối già Nam Mỹ của nhiều chủ vườn ở Cà Mau xuất tiểu ngạch thông qua các cửa khẩu phía Bắc giáp ranh biên giới Việt – Trung bị ùn ứ nặng; giá giảm mức kỷ lục từ 10.000 đồng/kg xuống chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán, khiến người trồng chuối gặp khó.

Nói về giải pháp ngành xuất khẩu, ngành Công thương Cà Mau khuyến cáo: Việc tuân thủ quy chuẩn của đối tác nước ngoài trong sản xuất và xuất khẩu chuối chính ngạch là cần thiết đối với nhà vườn. Điều này giúp sản phẩm đầu ra của nông dân được bao tiêu tốt, ít bị rủi ro hay biến động giá. Đồng thời, chỉ có xuất khẩu bằng con đường chính ngạch thì chúng ta mới có hy vọng đưa các mặt hàng vào thị trường này ổn định, bền vững. Ngược lại, nếu cứ xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở thì vẫn tiếp tục bị ách tắc, ùn ứ; khó khăn của ngành chuối theo đó cũng tăng lên.

Ngành chức năng đã có giải pháp gỡ khó. Hơn ai hết, mỗi người dân, các chủ vườn cần năng động, nắm bắt tình hình; chủ động trong hoạt động sản xuất cũng như nắm bắt thị trường để không thụ động trong sản xuất, vực dậy kinh tế từ những ngành hàng chủ lực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *