Ngành Nông nghiệp Cà Mau trước biến đổi khí hậu

Bức tranh đa sắc

Toàn tỉnh có hơn 302.800ha đất nuôi trồng thủy sản và 118.600ha đất sản xuất nông nghiệp, được quy hoạch thành 23 tiểu vùng, chia làm 2 vùng: Vùng Bắc Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái ngọt; vùng Nam Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái mặn, lợ. Hiện nay, có 17 tiểu vùng đã được lập và phê duyệt dự án đầu tư. Tỉnh đã chuyển khoảng 40.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh một vụ lúa, một vụ tôm mang lại hiệu quả cao; tích cực bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho các hộ dân; cơ cấu lại đội tàu khai thác biển có 4.772 chiếc, với tổng công suất 761.300CV… Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã chọn 5 ngành hàng chủ lực để tập trung tái cơ cấu gồm: Tôm, cua biển, lúa chất lượng cao, chuối và gỗ. Tuy vậy, đến nay đề án này triển khai còn chậm, chưa sát với thực tế nên hiệu quả chưa cao.

Ngày 30/5/2017, tỉnh Cà Mau đã ký kết biên bản ghi nhớ với 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang để thực hiện liên kết vùng bán đảo Cà Mau. Ngoài ra, 4 tỉnh còn tập trung liên kết thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và Âu thuyền Tắc Thủ; liên kết trong quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Tây Nam; liên kết trong nghiên cứu tìm giải pháp hữu hiệu để phòng, chống sạt lở bờ biển của các tỉnh trong vùng; liên kết quản lý và xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (bìa trái) trong chuyến kiểm tra tuyến đê biển Tây.

Nhiều thách thức

BĐKH và nước biển dâng là mối đe dọa và thách thức lớn lao, trong khu vực, Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn vì là nơi có địa hình thấp so với mặt nước biển và là tỉnh duy nhất chịu tác động của cả hai chế độ thủy triều; đường bờ biển dài và bên trong bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kênh mương chằng chịt, với tổng chiều dài trên 10.000km; có nhiều cửa sông thông ra biển; đặc biệt có rất nhiều “giáp nước” gây bồi lắng và hạn chế khả năng trao đổi nguồn nước.

Mùa khô thì nắng hạn kéo dài, không có nguồn nước ngọt bổ sung, mực nước phía đồng hạ thấp gây hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa và sự nhiễm mặn của nước ngầm, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Vào mùa mưa, tình trạng mưa bão, nước dâng cao với cường độ ngày càng tăng thiệt hại lớn đến sản xuất, tài sản, tính mạng của người dân, làm cho rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề.

Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là tình trạng xói lở bờ biển và bồi lắng trên các tuyến kênh rạch đang diễn ra ngày càng phức tạp. Trước đây, vùng biển phía Tây phù sa bồi lắng lấn biển, nhưng từ sau năm 2008 trở lại đây thì thường xuyên bị sạt lở và lấn sâu vào đất liền. Tình hình sạt lở bờ biển bình quân 15m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm; cũng theo thống kê, có khoảng 3.810ha rừng phòng hộ biển Tây đã bị mất…

Ngoài những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, tình trạng triều cường, nước biển dâng do BĐKH cũng diễn ra hết sức phức tạp, tràn ngập và phá vỡ hàng trăm kilomet bờ bao, phá hủy hàng ngàn mét đê bao, hư hại cống và thiệt hại hàng ngàn hecta tôm nuôi của người dân các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và Trần Văn Thời. Nhiều công trình giao thông nông thôn, nhà cửa, trường học ngập chìm trong nước, đặc biệt là đe dọa cả tuyến đường Hồ Chí Minh ở huyện Ngọc Hiển. Tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, đây là con số báo động đỏ và rất đáng để ngành chức năng suy ngẫm, cùng bàn giải pháp để giảm thiểu rủi ro trong thời gian tới.

Tỉnh Cà Mau chịu tác động của cả hai chế độ thủy triều; đường bờ biển dài và bên trong bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kênh mương chằng chịt, với tổng chiều dài trên 10.000km.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai những giải pháp ứng phó BĐKH; trong đó, khẩn trương lập kế hoạch chống hạn, xâm nhập mặn cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng và đối tượng khác nhau; tăng cường kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra, tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng; giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn, lấy nước trong điều kiện cho phép; chủ động đắp toàn bộ các đập trong lâm phần để trữ nước phòng, chống cháy rừng mùa khô hàng năm; đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án kè chống sạt lở đê biển Tây; nâng cấp đê biển Tây và xây dựng hệ thống đê biển Đông…

Tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với BĐKH. Cụ thể, để khắc phục hậu quả do nắng hạn kéo dài như năm trước, Cà Mau đã đề ra giải pháp chống hạn: Chú trọng công tác nạo vét, củng cố bờ bao ngăn mặn, giữ ngọt, chống hạn cục bộ và điều tiết nước tại các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP. Cà Mau, theo thứ tự ưu tiên các công trình bức xúc. Đài khí tượng thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật diễn biến của thời tiết, nguồn nước, nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thông báo đến ngành chức năng và người dân ứng phó kịp thời. Tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất; chủ động dự trữ nước mưa, huy động máy bơm nước ngọt trữ ở các kênh nội đồng để tưới bổ sung cho lúa khi cần thiết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị chuyên môn trực thuộc tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân sản xuất đúng lịch thời vụ; bố trí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước hiện có.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến làm việc của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn với tỉnh Cà Mau, đồng thời kiến nghị: Trung ương cần điều chỉnh để kết nối hệ thống đường bộ của Đồng bằng sông Cửu Long với các trục giao thông bộ của quốc gia; cần khai thác hệ thống giao thông đường thủy kết nối với các bến, bãi bốc xếp hàng hóa cho vùng; khi phân bổ nguồn lực đầu tư tái định cư cần tính đến việc đảm bảo sinh kế cho người dân; cần có cơ chế và chính sách đặc thù để thu hút nhà đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *