Ngày hội của đam mê sáng tạo nghệ thuật

Nhiều tiết mục được đầu tư công phu, hiện đại, làm hài lòng khán giả.Nhiều tiết mục được đầu tư công phu, hiện đại, làm hài lòng khán giả.

Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc” năm 2020, do tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức (từ ngày 25/11 đến ngày 4/12), thực sự là Ngày hội nghề để các nghệ sĩ, diễn viên trẻ được sống trong một không khí của sáng tạo nghệ thuật với nhiều loại hình, nhiều trích đoạn phong phú, đa dạng. Qua gần 10 ngày thi diễn, so tài, anh chị em nghệ sĩ có thời gian giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Với các đơn vị phía Bắc, cuộc thi lần này, vấn đề di chuyển gặp khó khăn hơn vì quãng đường xa, phải đi máy bay rồi lại chuyển sang ô tô mới đến nơi. Song, sự hưng phấn mong sớm đến với cuộc thi và đến với vùng đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc đã làm cho các nghệ sĩ quên hết mệt nhọc.

Nghệ sĩ Đỗ Thị Yến, giảng viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, chia sẻ chị từng vào top 5 “Chuông vàng vọng cổ” năm 2015, Huy chương Bạc giải Trần Hữu Trang năm 2020. Dẫu vậy, đến với cuộc thi này, chị cũng tâm trạng như bao thí sinh khác, lo lắng và hồi hộp khi thử sức với vai diễn hoàn toàn mới – vai phu nhân trong trích đoạn “Tùy hứng Macbeth Phu nhân”, nhân vật thể hiện sự mưu mô, tham lam, đầy tham vọng, rồi đến đau đớn, hối hận chọn cái chết… Nghệ sĩ Đỗ Thị Yến trải lòng: “Tôi theo dõi cuộc thi qua livestream của Cục Nghệ thuật biểu diễn, rút ra nhiều bài học hay cho nghề, nhất là kịch bản và cách diễn xuất của các nghệ sĩ phía Nam. Nhờ cuộc thi mà tôi được đến tận mũi Cà Mau, càng thêm yêu mến con người và vùng đất Cà Mau bình dị, dễ gần”.

Nghệ sĩ Huỳnh Tiểu Nhi và Vis Phương (Đoàn Cải lương Hương Tràm) tham gia trích đoạn “Nỗi niềm sau cuộc chiến”.Nghệ sĩ Huỳnh Tiểu Nhi và Vis Phương (Đoàn Cải lương Hương Tràm) tham gia trích đoạn “Nỗi niềm sau cuộc chiến”.

Cũng như các cuộc thi khác, đây là ngày hội nghề, các diễn viên trẻ có dịp cọ xát, trao đổi học hỏi và được khẳng định mình. Tinh hoa nghệ thuật dân tộc được thăng hoa khi cải lương miền Bắc, miền Nam cùng hội tụ, hòa thành một.

Nghệ sĩ Băng Châu, đến từ Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai, tham gia cuộc thi với vai diễn Thị Nở trong trích đoạn “Chí Phèo – Thị Nở”. Đây là vai diễn hài hước, đòi hỏi diễn viên phải tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh, xuất thân của nhân vật để có những tìm tòi, sáng tạo trong lối diễn, tránh lặp lại những mô típ cũ, đặc biệt là việc thể hiện ngoại hình của nhân vật phải lẳng lơ, mỗi lời nói, hành động phải thật “vô duyên” để có thể tạo ra tiếng cười. Chị chia sẻ: “Để kéo người xem trở lại với sân khấu cải lương, nghệ sĩ phải không ngừng đổi mới. Qua sân chơi này, tôi thấy được mặt bằng chung của cải lương, khả năng của anh chị em nghệ sĩ, biết mình nằm ở đâu để phấn đấu và hoàn thiện hơn. Tôi thấy phấn khởi vì đội ngũ nghệ sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, nhiều tiềm năng và tài năng”.

Nghệ sĩ Băng Châu (Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai) với vai diễn Thị Nở trong trích đoạn “Chí Phèo - Thị Nở”.Nghệ sĩ Băng Châu (Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai) với vai diễn Thị Nở trong trích đoạn “Chí Phèo – Thị Nở”.

Lần đầu tiên Cà Mau được đăng cai Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc”, giới chuyên môn và những người mộ điệu lấy làm vui mừng, cũng như kỳ vọng sân khấu cải lương sẽ phát triển, trường tồn. Những lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật thì thể hiện quyết tâm trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy cho loại hình sân khấu cải lương, qua từng kịch bản, đầu tư tiết mục.
Ông Nguyễn Quốc Tín, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, chia sẻ: “Đa phần những nghệ sĩ của Đoàn đã hết tuổi dự thi, còn 2 thí sinh nằm trong khung tuổi. Trong đó có một thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi lần này và cũng đã rất cố gắng để vươn lên trong hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Những anh em khác mặc dù không dự thi nhưng luôn tranh thủ đến xem các đơn vị bạn biểu diễn, để học hỏi và rút kinh nghiệm cho nghề. Đó cũng là điều vô cùng ý nghĩa mà cuộc thi mang lại”.

Tiết mục dự thi của nghệ sĩ Đỗ Thị Yến, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tiết mục dự thi của nghệ sĩ Đỗ Thị Yến, giảng viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc” năm 2020 đã khép lại. Khán giả được thưởng thức bữa tiệc tinh thần giàu màu sắc, với những trích đoạn tuồng cổ hùng hồn, những vở tâm lý xã hội lấy nước mắt người xem… Đi ra từ cuộc thi, những nghệ sĩ cải lương trên cả nước sẽ tiếp tục phát triển tài năng, góp sức làm đẹp giàu văn hóa dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *