Nghề “đánh cược” với biển

Nghề “cha truyền con nối”

Dân miệt biển thường ví von đây là nghề cá cược mạng sống với biển, vì để làm được nghề này, những người làm và giữ đáy phải dựng chòi cheo leo trên biển, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy…

Đáy hàng khơi là nghề giăng những miệng lưới ở những chỗ lòng khơi bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, tạo thành những con nước xiết, người làm đáy gọi đó là lạch biển. Người ta đóng lưới để thu hoạch tôm cá dưới độ sâu tầm 25m, cách đất liền trên 10 hải lý. Miệng đáy rộng, được làm bằng loại lưới dày, cột cố định vào những thân cây to, có chiều dài trên 30m, cắm sâu xuống đáy biển. Chòi cho những người giữ đáy (bạn chòi) ở được dựng với chiều dài 2m, ngang 1,8m, bên trong có đầy đủ các vận dụng cần thiết để bạn chòi sử dụng trong một ngày. Phương tiện duy nhất để di chuyển qua lại giữa các chòi là sợi dây thừng đấu nối với các cột đáy. Công việc này đòi hỏi bạn chòi phải là những người khỏe mạnh.

Căn chòi như “tổ chim” giữa biển khơi mênh mông.

Ở cửa biển Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, có vài chục hộ làm nghề đóng đáy. Có người mới làm vài năm, cũng có người không biết nghề này có từ bao giờ, cứ đời này tiếp nối đời khác. Con trai miệt này lớn lên không đi học thì nối nghiệp cha đi biển. Cứ “cha truyền con nối” vươn khơi bám biển.

Anh Dương Tuấn Anh, một chủ đáy ở xã Đất Mũi, hơn 40 tuổi nhưng đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề, gia đình anh có trên 60 miệng đáy. Anh không nhớ chính xác mình biết làm nghề này khi nào, cứ theo ghe ra biển rồi thuần thục lúc nào cũng chẳng hay. Anh Tuấn Anh cười hiền: “Cái nghề biển đã vướng vô thì khó dứt ra lắm, người xưa có câu “sinh nghề tử nghiệp” vậy mà đúng”.

Mùa biển năm nay khác hơn so với mọi năm, gió nhiều, biển động, có những chủ đáy cho bạn vào đất liền, tạm ngưng thả đáy vài ngày. Thuyết phục mãi, tôi mới được tham gia chuyến biển. Anh Lê Văn Nở, một bạn chòi, cho biết: “Biển động thì trúng lắm nhưng nguy hiểm, dù bạn chòi có mạo hiểm ở lại biển để thả đáy thì chủ ghe cũng khó mà chở hàng vào đất liền. Có khi hàng nhiều chở không hết, bỏ thì uổng nhưng cố chở thì có khả năng chìm ghe vì sóng mạnh”. Anh Tuấn Anh tiếp lời: “Hôm qua ghe chúng tôi vào rất nguy hiểm, sóng lớn lắm, tôi ngồi trong cabin mà còn ướt hết cả quần áo”.

“Đi trên dây hay đi trên đất liền tôi thấy như nhau, cứ vào đất liền vài ngày là tôi lại nhớ biển. Năm rồi tôi bị cụp xương sống trong một lần kéo lưới, tụi nhỏ khuyên tôi nghỉ ngơi, đừng ra biển nữa, nhưng ở nhà tù túng quá không chịu được, thấy tôi buồn các con cũng ép bụng cho tôi ra biển tiếp.”
Ông Lê Văn Nam.

Diễn viên xiếc trên dây

23 giờ, tôi sẵn sàng tháp tùng chuyến ra khơi giữa đêm. Anh Tuấn Anh cho biết vì biển động, bạn chòi phải cùng ra và cùng vào lại đất liền với chủ đáy, nên ra biển giờ này mới kịp thả đáy. Giữa biển rộng mênh mông, gió càng lúc càng mạnh, ghe càng lắc lư hơn. Anh Tuấn Anh kể cho chúng tôi nghe về cách làm đáy, từ khâu cắm cột, dựng chòi, đến ráp lưới. Chi phí cho mỗi miệng lưới mất vài chục triệu đồng. Ngoài biển rộng, không phải muốn đặt đáy ở đâu là đặt, mà phải theo “lạch”, theo kinh nghiệm của mỗi người. Có khi kinh nghiệm cũng “trật lất”, đóng đáy xuống, thả vài con nước, không thu hoạch được thì nhổ lên, đóng chỗ khác.

Đôi tay chai sần, ông Lê Văn Nam (59 tuổi), kể về nghiệp bạn chòi của mình. Ngót nghét ông đã có trên 40 năm sống lênh đênh trên biển, làm bạn với con sóng. Ông Nam ví bạn chòi như một diễn viên xiếc chuyên nghiệp và chia sẻ: “Đi trên dây hay đi trên đất liền tôi thấy như nhau, cứ vào đất liền vài ngày là tôi lại nhớ biển. Năm rồi tôi bị cụp xương sống trong một lần kéo lưới, tụi nhỏ khuyên tôi nghỉ ngơi, đừng ra biển nữa, nhưng ở nhà tù túng quá không chịu được, thấy tôi buồn các con cũng ép bụng cho tôi ra biển tiếp”. Những người giữ đáy lâu năm như ông Nam đôi bàn tay chai sạn hầu như không còn cảm giác đau, đôi bàn chân cong lại vì lâu ngày đi trên dây. Ông Nam nhìn bàn chân, giải thích: “Ở ngoài biển cả tháng, lúc vào đất liền không mang dép được ngay”.

Nếu bạn chòi ngoài việc giữ đáy còn có quyền quyết định buông hay kéo lưới thì bạn ghe có nhiệm vụ hỗ trợ bạn chòi kéo lưới, mang hàng lên ghe, công việc của bạn ghe cũng nặng nề không kém bạn chòi. Nhưng bạn chòi và bạn ghe không được trả lương như những nghề khác, mà họ hưởng theo cách ăn chia. Nếu chủ ghe có 6 miệng đáy thì bạn chòi hưởng một miệng, bạn ghe hưởng một miệng, 4 miệng còn lại là của chủ đáy. Theo kiểu “giàu út ăn, nghèo út chịu”, có con nước bạn chòi, bạn ghe thu nhập cao, nhưng cũng có con nước thất trắng. Con nước của nghề đáy khác với con nước của nghề câu mực. Con nước của đáy hàng khơi có khi 10 ngày, có khi nửa tháng tùy theo dòng nước. Có khi cả tháng chỉ nghỉ được một hai ngày. Nghề đóng đáy hàng khơi tùy thuộc rất nhiều vào mùa. Như mùa này tới hết tháng 3 (âm lịch) là trúng.

Anh Nở cho biết: “Theo con nước, 6 tháng bạn chòi ở lại chòi, 6 tháng ra vô cùng chủ đáy”. Theo lý giải của những bạn chòi thì từ tháng 1 đến tháng 6 (âm lịch), bạn chòi sẽ cùng vô, cùng ra với chủ ghe, vì thả đáy lúc gần sáng và chiều thu hoạch xong cùng vào bờ. Còn từ tháng 7 trở đi, phải buông lưới vào ban đêm, nếu ra vào như thế thì bạn chòi không có thời gian nghỉ ngơi.

Chị Phan Thị Hiền, vợ anh Nở cho biết: “Ở nhà mà thấy gió mạnh là sợ lắm, liên hệ khi nào biết ổng bình an thì mới yên tâm đi ngủ”. Chị Hiền lo lắng không phải là vô cớ, bởi nghề đóng đáy hàng khơi nguy hiểm như chính cái tên của nó. Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ sập đáy hàng khơi cách đây khoảng chục năm, có người mãi mãi nằm lại trong lòng đại dương sâu thẳm. Biển là vậy, có khi thật hiền hòa, bao dung, nhưng có khi giận dữ, sẵn sàng cướp đi mạng sống của những người dân theo nghiệp biển. Thế mới thấy được nguy hiểm của nghề giữ đáy hàng khơi. Nước biển càng chảy xiết, cá tôm càng nhiều thì những bạn chòi cũng càng gặp nhiều nguy hiểm.

Anh Tuấn Anh vừa nói lớn vừa chỉ tay về phía các căn chòi cheo leo, chông chênh giữa biển, như biết được thắc mắc của tôi, anh giải thích: Chòi được làm bằng cây đước, trên lợp lá, xung quanh bao bọc bởi cao su, để khi có sự cố giữa đêm khuya, anh em bạn chòi còn tung ra được để thoát thân, các bạn chòi bao giờ cũng thủ sẵn con dao nhỏ bên mình, nếu lỡ rơi xuống biển, trôi vào đáy thì có dao mà rọc lưới.

Ngoài đối mặt với thiên nhiên, bạn chòi còn đối mặt với nạn các tàu hàng lạc lái lao vào đáy. Anh Tuấn Anh cho biết dàn đáy của anh bị xảy ra trường hợp tương tự nhưng may là lúc đó bạn chòi chưa ngủ, nên kịp ôm can nhựa, bật tín hiệu đèn pin cho ghe cứu. Đúng là không ai biết trước được điều gì xảy ra khi những bạn chòi chưa vào tới đất liền.

Thượng tá Huỳnh Hữu Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi, cho biết: “Năm 2017 đã xảy ra 2 vụ va chạm vào đáy, dù không thiệt hại về người nhưng tài sản bị thiệt hại nặng. Nghề đóng đáy hàng khơi hiện cho thu nhập cao. Bên cạnh đó cũng không ít rủi ro, nhất là các anh em bạn chòi. Đa phần bà con nơi đây sống bằng nghề đóng đáy. Một chủ đáy có thể giải quyết việc làm cho trên chục lao động nhàn rỗi. Toàn xã có trên 20 hộ làm nghề đóng đáy với hàng trăm miệng đáy. Thời gian qua đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các chủ ghe đảm bảo an toàn, trang bị vật dụng cứu hộ đầy đủ khi ra khơi…”.

Kết thúc chuyến biển sau 12 giờ vật vã, gió từng cơn rít mạnh, thuyền tròng trành nặng khoang cá mực và chở cả niềm vui cho các chị em vào đất liền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *