Nghề “đen mặt – sáng lòng”

Nhiều người thâm niên với nghề hầm than đước khẳng định: Không có than đước nơi đâu trên đất nước này lại có được chất lượng tốt như ở Cà Mau. Phải chăng cái mặn mòi của mạch đất phù sa lấn biển đã tạo nên những thân đước rắn rỏi, kiên cường để than thấm đẫm nỗi nhọc nhằn, trở thành tinh hoa của đất và con người phương Nam.

Đã có một thời than đước ở giai đoạn hoàng kim nhưng hiện tại gần như bị “lụi tàn”. Nguyên nhân là do đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng các loại khí đốt, điện, đang chiếm ưu thế, dần thay cho than đước truyền thống nên cuộc sống của những hộ dân làm nghề hầm than ngày càng bấp bênh hơn.

Hầu hết thời gian nhân công lao động làm trong lò than, từ việc chất củi đến ra than, phân loại than… tiền nhân công ổn định nhưng bệnh tật luôn chực chờ.

“Bén rễ” xứ rừng

Quê gốc Ninh Bình, vào Nam năm 1979, ông Lê Phước Thân khi đó là chàng trai mới ngoài 20 tuổi. Đến với nghề hầm than là chuyện tình cờ, cơ duyên đưa đẩy, ông Thân gọi là số phận đã gắn chặt đời ông với nghề “đen mặt” mà “sáng lòng” này. Ông Thân nhớ lại: “Ngày trước, chân ướt chân ráo vào đây, khổ lắm, không nghề nghiệp rõ ràng, ai thuê gì làm đó, rồi có người giới thiệu vào làm cho lâm trường (giờ là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển) ngót cũng được 16 năm. Lương ít ỏi không đủ sống, tôi xin nghỉ việc về mua ghe, mua củi chở lên Phụng Hiệp bán. Tại đây, tôi học được cách hầm than của người dân vùng này”.

Sau mỗi chuyến hàng, ông Thân tích góp kinh nghiệm, đến năm 2013, ông thành lập hợp tác xã (HTX) chế biến than Tân Phát với 12 thành viên, thấy HTX hoạt động có hiệu quả, đến cuối năm 2017 có thêm 4 xã viên xin tham gia.

Hơn 20 lò hầm than của HTX Tân Phát luôn đỏ lửa, hằng ngày có trên 30 nhân công làm việc. Bình quân mỗi tháng cho ra lò 50 – 60 tấn than, từ đó tăng thu nhập cho xã viên và phần nào giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Khác với HTX Tân Phát, HTX Đồng Tâm có 18 xã viên nhưng mỗi hộ tự xây lò, tổng số có trên 32 lò hầm than lớn, nhỏ. Người khởi xướng thành lập HTX là ông Nguyễn Thanh Tùng. Ông Tùng quê gốc ở huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), hơn 50 tuổi, ông Tùng có trên 40 năm gắn bó với vùng đất Ngọc Hiển này. Gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo nên ngoài làm thuê, ông cũng hầm than kiếm thêm thu nhập.

Trước đây, rừng đước còn bạt ngàn, người làm nghề chỉ cần vào rừng đốn đước về hầm than nhưng từ đó dẫn đến việc khai thác rừng không hợp lý, làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Năm 2006, UBND tỉnh cho phép thành lập HTX hầm than nhằm bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng chặt phá cây rừng trái phép.

Ông Tùng nhớ lại: Thời gian đó thật khó khăn, không vốn mua cây, còn không được hầm than trái phép. Không thể làm “chui” mãi được nên tôi bàn với anh em thành lập HTX, không vốn nhiều để làm cơ sở tập trung thì mỗi hộ tự xây lò, tự đốt than, ra than rồi cùng nhau phân phối, chủ yếu lấy công làm lời, những hộ nào đơn chiếc thì mới thuê nhân công.

Cách làm này đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, trong đó có gia đình ông Tùng. Hiện toàn xã Tân Ân Tây có 2 HTX và 2 doanh nghiệp hầm than. Nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ vào nghề hầm than, đốt củi… để kiếm sống. Những hộ như ông Thân, ông Tùng cố bám trụ với nghề, như những thân đước đang từng ngày vươn sâu, bám rễ nơi xứ rừng ngập mặn này.

Nhân công ở các HTX không tính ngày công lao động mà tính theo sản phẩm.

Nỗi niềm “than”

“Nghề làm than ở đây thoáng hơn đi làm ở Bình Dương nhiều, vì có điều kiện gần gia đình, lương cũng ổn định và không gò bó về thời gian”, anh Lưu Huỳnh Phấn, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đánh giá. Nhân công lao động ở các HTX không tính ngày công lao động mà tính theo sản phẩm. HTX giao “trọn gói” cho nhân công từ khâu đốn củi, cho củi vào hầm, đốt lửa, ra than… Sau khi thành phẩm, nhân công nhận 1.000 đồng/kg than. Nếu mẻ than trúng thì nhân công hưởng cao nên ai cũng ra sức lao động. Bình quân mỗi nhân công nhận từ 5 – 6 triệu đồng/tháng và tùy theo kinh nghiệm của từng người.

Trong các khâu thì đốt lửa là quan trọng nhất, nhưng khâu này người lớn hay trẻ em đều làm được, vì cứ đốt cho lửa cháy đến than chín hết là được. Việc đốt lửa kéo dài từ 1 đến 1 tháng rưỡi, tùy theo lò lớn hay nhỏ. Sau đó bịt miệng lò lại khoảng 1 tháng mới cho ra than. Ngoài thị trường Cà Mau, than đước còn xuất ra các tỉnh: Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long và cả xuất khẩu ra nước ngoài (dù chưa nhiều).

Anh Tùng cho biết đặc trưng của than đước là chắc, lâu tàn nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đây cũng chính là động lực để các HTX quyết tâm bám trụ với nghề. Tuy nhiên, gần hai năm trở lại đây, nghề hầm than bị lắng xuống do nhu cầu tiêu thụ giảm. Các HTX lao đao vì không tìm được đầu ra, hàng tồn kho nhiều, không tiền trả cho nhân công… Đó là thực trạng của HTX Tân Phát hiện nay. Ông Thân cho biết, trước đây có cung cấp nguồn hàng cho thị trường Ả Rập, nhưng do khó khăn về thủ tục nên người ta không nhập hàng nữa. Nguồn hàng tồn đọng nhiều, không có đủ kho để bảo quản nên đành bán tháo, gối đầu cho các vựa trên địa bàn tỉnh, nhưng một số chủ cũng không thu hồi được vốn.

Ông Thân trần tình: “Giờ nhiều chủ vựa thiếu HTX trên 1 tỷ đồng nhưng không thu hồi được, có người bỏ luôn số điện thoại, có người đã làm biên nhận hẳn hoi nhưng đòi hoài không trả. Tiền nhân công thì không thể thiếu vì họ nghèo mới đi làm thuê”.

Theo ông Thân, có rất nhiều hộ có khả năng nhưng không muốn trả, từ đó nguồn vốn bị “nhốt” không xoay chuyển được, xã viên đòi rút vốn, HTX đang đứng trước giai đoạn khó khăn, tuyên bố giải thể thì không đành, nhưng giữ lại thì gặp vô vàn khó khăn.

Mặt khác, nghề làm than không chỉ có nam giới mà phụ nữ và trẻ em cũng làm. Các loại khí độc, khói, bụi than là những mối nguy hại vô hình tác động đến sức khỏe người lao động nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Lý cho biết: “Nghề làm than là nghề nặng nhọc, từ khâu khai thác đến vào lò, ra than, phải đủ sức khỏe mới làm được”. Khi hỏi các chị có muốn tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn không? Chị nào cũng lắc đầu vì đa phần họ không có cơ sở, không có nghề nghiệp, vả lại ở vàm Ông Định (xã Tân Ân Tây) này, nếu không làm than thì không còn công việc gì khác để làm. Chị Lý cũng cho biết thêm: “Cũng bị bệnh thường xuyên do hít phải khói bụi của than, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến phổi nhưng cũng không dám kiểm tra thêm, sợ có bệnh lại khổ vì cái nghèo đeo bám rồi ráng thôi… Dù có trang bị khẩu trang nhưng khi vào lò, ngộp không thể thở thì cũng phải tháo ra”.

Xế chiều, mùa này mưa cứ hay đến bất chợt nhưng cũng không đủ làm dịu đi những làn khói nghi ngút tỏa ra từ dãy lò của các HTX. Lỡ nặng niềm với than nên cũng muốn gìn giữ làng nghề, gìn giữ “chén cơm” cho người lao động địa phương. Nhưng để làm được điều đó, thiết nghĩ ngoài nỗ lực của những người làm nghề, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành chức năng “mở lối” cho than đước có được thị trường ổn định hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *