Nghề muối ba khía Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Món ba khía muối trộn với chanh, tỏi, ớt… sẽ khiến du khách nhớ mãi khi một lần được thưởng thức.

Hiện nay, nhiều hộ dân sinh sống ở vùng đất ngập mặn huyện Ngọc Hiển có cuộc sống ấm no nhờ nghề muối ba khía. Thật vinh dự và tự hào khi nghề muối ba khía được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây cũng là động lực để những nghệ nhân muối ba khía có thêm điều kiện giữ gìn nghề truyền thống của quê hương và phát triển vươn xa ra thế giới.

Gắn bó nhiều năm với nghề muối ba khía, với anh Châu Ngọc Sang (cơ sở Châu Sang, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc), nghề này không chỉ giúp anh phát triển kinh tế gia đình còn mang lại giá trị tinh thần to lớn, khi món ba khía muối được nhiều người yêu thích. Ba khía không khó muối, nhưng để có được những con ba khía muối ngon, thịt chắc lại vừa ăn, đòi hỏi người thợ phải khéo léo trong từng khâu. Đặc biệt là công đoạn chọn ba khía tươi và công đoạn pha muối. Anh Sang cho biết: “Nghề muối ba khía được công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia, đó là niềm vinh dự lớn nhất đối với những hộ dân đã góp công sức gìn giữ nghề trong mấy chục năm qua. Có gia đình đã truyền nghề qua nhiều thế hệ. Ngày xưa ba khía tươi nhiều lắm nên bà con mới nghĩ đến việc muối dự trữ ăn dần”.

Ở vùng đất Ngọc Hiển, phù sa, dinh dưỡng trong đất dồi dào, tạo điều kiện cho cây mắm, cây đước phát triển, đến mùa trái mắm, mùa lá đước rụng, con ba khía ăn vào sẽ cho gạch vàng ươm. Đây là điều mà chỉ con ba khía ở vùng đất Ngọc Hiển mới có. Chất lượng ba khía muối nơi này cũng khó nơi nào sánh kịp. Những nghệ nhân vùng đất cực Nam luôn cẩn thận trong việc lựa từng con ba khía tươi, thịt chắc, rửa sạch rồi đem cho uống nước muối, để ráo, rồi cho vào khạp, lu, quậy nước muối trắng đổ vào. Tùy vào kỹ thuật của từng gia đình làm nghề mà cho ra con ba khía muối ngon, chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trong cả nước.

Ba khía tươi được rửa sạch, để cho ba khía uống nước muối, rồi cho vào lu, khạp, sau 5 ngày là có thể xuất bán.

Ba khía sinh sôi và phát triển trong tự nhiên nên sản lượng dồi dào và dễ khai thác. Mặt khác, do giá trị kinh tế của con ba khía mang lại khá cao nên một số người dân đã khai thác tận diệt, khiến sản lượng ba khía ngày càng giảm dần.

Chị Nguyễn Hồng Đạm (Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc) cho rằng: “Ba khía tươi dần cạn kiệt do nhiều người bắt, mình phải bảo tồn, gìn giữ con ba khía nhỏ, không được bắt kiểu tận diệt. Cơ sở thu mua của gia đình luôn tuyên truyền cho người bắt không được bắt ba khía nhỏ. Khi nghề ba khía muối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gia đình mừng lắm. Dù nghề làm ba khía muối rất cơ cực nhưng gia đình quyết tâm gìn giữ, phát triển nghề này, để xứng danh với danh hiệu đạt được”.

Toàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 20 cơ sở sản xuất ba khía muối và hàng trăm hộ dân sản xuất nhỏ lẻ. Với giá bán từ 70 – 90 ngàn đồng/kg, ba khía muối đã góp phần tăng thu nhập cho người dân và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Về lâu dài, các cơ sở sản xuất ba khía muối cần đăng ký quyền bảo hộ sản phẩm mang nhãn hiệu ba khía muối Rạch Gốc, góp phần xây dựng thương hiệu với sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để thực khách có thể lựa chọn những cơ sở uy tín, có địa chỉ cụ thể, tránh mau nhầm ba khía muối không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Nghề muối ba khía được lưu truyền qua nhiều thế hệ và là nghề thủ công ra đời sớm ở huyện Ngọc Hiển. Với sự hấp dẫn của con ba khía muối, nghề muối ba khía luôn được người dân gìn giữ và phát huy, mong rằng nghề muối ba khía sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát triển bền vững, nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân vùng cực Nam Tổ quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *