Nghị lực “bông hoa khuyết”

Chị Nguyễn Thị Yến Ly là tấm gương sáng về nghị lực, ý chí vượt qua số phận để vươn lên.

Hành trình trở thành bà chủ

Đến đường Phạm Hồng Thám (Phường 4, TP. Cà Mau), nhiều người biết đến chị Ly. Trong căn nhà bề bộn các sản phẩm may mặc đồng phục học sinh, chị Ly kể về hành trình trở thành bà chủ của mình. Câu cửa miệng của chị khi nói về chồng là: “Nếu không có anh Dũng thì không có Ly ngày hôm nay”. Anh giống như đôi chân của vợ, cáng đáng giúp chị nhiều việc trong gia đình. Nhờ vậy, từ chỗ may thuê theo đơn đặt hàng, chị Ly đã phát triển thành cơ sở may mặc, cung cấp các sản phẩm quần áo; đồng phục học sinh theo mẫu của các trường; đồng phục công sở, cơ quan, doanh nghiệp, in logo, phù hiệu cho các trường học.

Chị Ly có tuổi thơ đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình như bao đứa trẻ khác. Bất hạnh xảy đến khi lên ba tuổi, một trận sốt cao đã khiến đôi chân chị teo nhỏ và gần như mất khả năng vận động. Dù vậy, chị Ly vẫn cố gắng học hết THCS, sau đó bén duyên với nghề may. Những năm tháng miệt mài chống nạng đến trường, nhiều lần bị bạn bè bình phẩm, trêu ghẹo không khiến chị nản lòng. Tuy vậy, nhờ tình yêu quá lớn của ba mẹ và anh chị em dành cho khiến chị càng quyết tâm tự lập.

Hạnh phúc đến khi chị gặp anh Dương Tiến Dũng – chồng chị bây giờ. Anh hiền lành, vốn là người công tác trong ngành công an. Một lần tình cờ ghé tiệm may của chị, anh đã phải lòng cô chủ xinh đẹp. Vượt qua nhiều mặc cảm, biết bao đêm đấu tranh nội tâm, cuối cùng, chị Ly cũng “bị” tình cảm chân thành của anh thuyết phục. Họ làm đám cưới trong sự ủng hộ của hai bên gia đình.

Cưới xong, anh phụ chị trông coi tiệm may. Nhưng việc may mặc ngày càng khó khăn, lại có kế hoạch sinh con nên chị Ly quyết nghĩ cách làm giàu. Chị tìm hiểu nhu cầu thị trường của các trường học về đồng phục học sinh, đồng phục cơ quan, đồ thể dục, in logo, phù hiệu…, rồi cũng nhờ mối quan hệ của các khách hàng trước đó, hai vợ chồng chở nhau đi khắp các trường từ tỉnh cho đến huyện để ký gửi sản phẩm. “Ngày mưa cũng như ngày nắng, hai vợ chồng lặn lội trên chiếc xe cà tàng đi khắp các trường. Anh không ngại dìu tôi đến từng trường, đợi tôi thuyết phục… Phải mất một thời gian dài, sản phẩm của chúng tôi mới bán được. Rồi từ chỗ chủ động đi bỏ mối, các trường, cơ quan và khách đã gọi điện đặt hàng. Làm một mình không xuể, tôi bắt đầu truyền nghề và giao cho thợ gia công những khâu cơ bản”, chị Ly chia sẻ về con đường làm giàu đầy gian nan.

Nhưng làm giàu đối với chị Ly không khó bằng việc mang thai và sinh con. Như bao phụ nữ khác, chị khao khát được làm mẹ. Với người bình thường đã khó, người khuyết tật như chị càng khó hơn. Chị kể: Khi mang thai đứa con, mỗi bước đi với chị như nặng nề, khó nhọc hơn nhưng trong lòng tôi luôn nghĩ mình phải mạnh mẽ, phải vượt qua, ai cũng có quyền được hạnh phúc nên dù là người tật nguyền hay người bình thường, bạn cũng nên mở lòng đón nhận tình yêu, dù trước đó bạn có bị tổn thương. Không tìm, hạnh phúc làm sao tự đến. Tôi tự hào, cho đến thời điểm này, mình đã làm được điều đó”.

Tinh thần lạc quan, vượt khó của chị Ly cùng tình cảm khăng khít của anh chị là tấm gương, động lực vươn lên cho nhiều người lao động tại cơ sở này.

Cùng vượt khó

Khi cuộc sống đã dần ổn định, đơn đặt hàng ngày một nhiều, chị Ly đã mở cơ sở may in của riêng mình. Cũng từ đó, chị nhận thêm nhiều lao động, trực tiếp đứng ra dạy nghề mà không đòi hỏi một điều kiện gì và giao hàng cho họ làm. Từ 5 lao động, dần dần những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cũng đến xin học nghề và nhận hàng về làm gia công. Có thời điểm, chị Ly tạo công ăn việc làm cho hơn 20 phụ nữ. Vợ chồng chị tự tay sửa từng sản phẩm cho mỗi học viên, tính toán để mọi người có thu nhập ổn định. Tinh thần lạc quan, vượt khó của chị Ly cùng tình cảm khăng khít của anh chị là tấm gương, động lực thúc đẩy ước mơ cho nhiều lao động tại cơ sở này. Hàng tháng, những người làm ở đây được trả lương từ  4 – 5 triệu đồng.

Chị Tăng Thị Mỹ Châu, may gia công tại cơ sở của chị Ly, chia sẻ: “Cơ sở may in của cô Ly đã giúp tôi có việc làm và thu nhập ổn định, giúp kinh tế gia đình phát triển, có điều kiện lo cho con được học hành, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cơ sở may in Nguyễn Ly như ngôi nhà thứ hai để chúng tôi giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong cuộc sống; cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa, thấy vui vẻ hơn, tự tin hơn”.

5 năm qua, cơ sở may in Nguyễn Ly do chị Nguyễn Thị Yến Ly làm chủ đã trở thành ngôi nhà của tình thương yêu, nơi những người phụ nữ khó khăn được chia sẻ, tự tin thể hiện khả năng.

5 năm qua, cơ sở may in Nguyễn Ly đã trở thành ngôi nhà của tình thương yêu, nơi những người phụ nữ khó khăn được chia sẻ, được tự tin thể hiện khả năng. Đó cũng là điều mà chị Ly luôn mong muốn: “Mong muốn làm được cái gì đấy cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vì phải vượt qua chính mình, phải cởi bỏ được mặc cảm, tự tin hòa nhập vào cộng đồng, xã hội thì mình mới có cuộc sống tốt hơn, để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Bằng nỗ lực, ý chí mạnh mẽ, chị Ly đã vượt lên số phận để thực hiện ước mơ, hoài bão và truyền cảm hứng, nghị lực cho những người phụ nữ không may mắn, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống. Các sản phẩm may mặc thủ công của chị được phân phối khắp các huyện trong tỉnh.

Tuy nhiên, gần đây, chị Ly gặp khó khăn vì thị trường có nhiều sản phẩm may mặc với mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ, cộng với sự xuất hiện tràn ngập của các cửa hàng, cơ sở may in. Hỏi chị, nếu một ngày không còn ai đặt hàng nữa, chị sẽ làm gì để sống. Chị Ly cười hồn hậu: “Rồi cũng có cách thôi em. Khi xưa, cuộc sống của tôi ngặt nghèo hơn nhiều. Có đôi tay, có sức khỏe có ý chí là sống được. Tôi không thích ai đó nhìn mình như một người tàn tật. Tôi sợ nhất ý chị bị khuyết tật chứ không sợ sự khuyết tật trên cơ thể”. Như con tằm nhả tơ, chị Ly vẫn ngày ngày tiếp tục gieo niềm vui sống cho bao số phận chị em lao động tại cơ sở của mình. Ngoài những Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, của UBND Phường 4, phần thưởng lớn nhất đối với chị Ly là tạo được việc làm cho những người phụ nữ gặp khó khăn trong cuộc sống, giúp họ không còn mặc cảm vượt lên số phận.

Tiễn tôi về với những bước đi khó nhọc, chị Ly còn dặn với theo: “Em đi xe cẩn thận”. Tôi chợt nao lòng… Cơ sở may in Nguyễn Ly lùi dần phía sau, nhưng vẫn còn đó hình ảnh người phụ nữ đã vượt lên nỗi đau số phận, tìm được hạnh phúc cho bản thân, mang lại niềm vui cho nhiều người và ngày ngày vẫn tiếp tục trăn trở, khát khao được sưởi ấm, được thương, được yêu những mảnh đời không lành lặn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *