“Nghĩa đồng bào trong cơn đại dịch”

Kỳ 1: Kỳ quyết chủ trương “Chống dịch như chống giặc”

Từ sự kỳ quyết của lãnh đạo tỉnh với sự chủ động của toàn hệ thống chính trị, phong trào phòng chống dịch bệnh đã lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân với nhiều việc làm thiết thực và hiệu quả; đoàn thể các cấp đã chung sức trong công tác phòng dịch, hàng chục ngàn khẩu trang y tế, đồ ăn thức uống đã tăng cường cho công tác phòng chống dịch. Doanh nghiệp trong tỉnh dù việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa dịch nhưng đã có nhiều đóng góp thiết thực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Quạt máy, mì gói, nón tai bèo, Vitamin C, gel rửa tay, khẩu trang… là quà ý nghĩa và thiết thực mà lực lượng doanh nhân Cà Mau chung tay chống dịch. Hơn cả là sự nhất quán chủ trương của lãnh đạo tỉnh, khẩn trương, chủ động, không lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (thứ hai, từ phải sang) kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh ở cơ sở.

“Chống dịch như chống giặc”

Nhờ triển khai và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà đến nay, Cà Mau tạm “an toàn” trước dịch COVID-19.

Nhìn lại công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hơn hai tháng qua ở Cà Mau, có thể thấy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã liên tục cập nhật, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ trong công tác ứng phó với COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn cầu. Nhờ đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh có những chỉ đạo mạnh mẽ, triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp thực hiện.

Không nhớ bao nhiêu lần và bao nhiêu cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cũng như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, ông Trần Hồng Quân nhất quán và nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, đồng thời chỉ rõ những sơ suất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của một số xã, khiến tỉnh phải “mạnh tay” với cán bộ.

Riêng Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cán bộ tiến hành khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ được giao, không kể ngày nghỉ. Đặc biệt, UBND tỉnh cho chủ trương sẽ đình chỉ công tác đối với những cán bộ làm việc trì trệ, thiếu trách nhiệm trong khi tình hình dịch bệnh đang cấp bách và diễn biến hết sức phức tạp.

Còn nhớ, khi dịch bệnh bùng phát, trước khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cách ly toàn xã hội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp đến quá tối để triển khai công tác phòng dịch đến từng cơ sở… Ngay sau đó, văn bản được ban hành ngay xuống ấp, khóm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, ông Trần Hồng Quân (giữa) kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh.

Đi sát từng ấp, khóm

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai với nhiều hình thức thiết thực, nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh hiểu đầy đủ và nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống dịch. Đặc biệt là tổ chức tuyên truyền phát thanh cổ động trên các tuyến đường trung tâm thành phố, các khu vực đông dân cư, các ấp giao thông đi lại khó khăn, các chợ…

Ngoài tuyên truyền các quy định, khuyến cáo phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của các cấp, các đơn vị còn tập trung tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng bệnh: Sử dụng khẩu trang đúng cách, rửa tay bằng xà phòng; hướng dẫn người dân cách khai báo y tế… Đồng thời kêu gọi mọi người dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Hay như dịp nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai phương án hỗ trợ cho người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh cũng như gói hỗ trợ của Chính phủ. Kết quả, Cà Mau có 3.150 người bán vé số lẻ được hỗ trợ với mức 60.000 đồng/ngày/người, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, những ngày qua, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã trao quà gồm nhu yếu phẩm cho những người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh, giúp bà con vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19.

Có chủ trương là triển khai ngay, do có văn bản chỉ đạo hỗ trợ rơi vào dịp cuối tuần, sáng hôm sau nhiều xã, phường đã chi khi nhận được kinh phí, những đơn vị “kẹt” tiền tại kho bạc thì ứng ngân sách đơn vị để chi kịp thời. Chủ tịch UBND phường 7, TP. Cà Mau  Trần Bảo Toàn thì cho mượn tiền cá nhân để chi ngay cho người bán vé số lẻ được nhận hỗ trợ

Hay như không biết bao nhiêu chuyến thị sát của lãnh đạo tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản, cũng như các địa phương trong tỉnh về công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo xếp từng ghế ngồi cho công nhân ở nhà ăn các công ty thủy sản, sao cho đảm bảo giãn cách 2m như quy định. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia ra nhiều đoàn công tác đi đến tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh để kiểm tra, giám sát và truyền lửa cho các địa phương; các chốt, trạm và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Cao điểm dịch bệnh là vào những ngày tháng 3, đang đợt hạn nặng, dưới cái nắng như đổ lửa, không khí oi bức rất dễ gây khó chịu cho chúng ta, do cơ thể không thích nghi kịp với sự thay đổi bất thường của thời tiết. Ấy vậy mà, ngày ngày nhân viên y tế và các lực lượng vũ trang vẫn túc trực để kiểm tra, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh khi các phương tiện giao thông nhập tỉnh.

Tại ranh giới của các tuyến giao thông đường bộ vào địa bàn tỉnh, Cà Mau có 4 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tạm thời được thành lập, gồm: Chốt số 1 (Quốc lộ 1) tại xã Định Bình (TP. Cà Mau); chốt số 2 (Quản lộ Phụng Hiệp) tại xã Tân Thành (TP. Cà Mau); chốt số 3 (đường Xuyên Á) tại xã Biển Bạch (huyện Thới Bình); chốt số 4 (Quốc lộ 63) tại xã Trí Phải (huyện Thới Bình). Mỗi chốt được chia làm 3 ca trực, mỗi ca trực bao gồm các lực lượng Công an tỉnh, huyện, nhân viên y tế và Quân sự tỉnh. Bốn chốt hoạt động 24/24 giờ các ngày trong tuần (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ).

Tất cả hoạt động của các chốt theo quy định cụ thể: Lực lượng Cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng phương tiện, phối hợp lực lượng Kiểm soát quân sự bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Nhân viên y tế tiến hành thu thập, tổng hợp thông tin khai báo y tế đối với tất cả người trên phương tiện đến địa phương từ vùng có dịch; đo thân nhiệt đối với các trường hợp có hiện tượng nghi ngờ nhiễm bệnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện các trường hợp nghi nhiễm COVID-19, Tổ trưởng báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh); lực lượng Cảnh sát giao thông, Kiểm soát quân sự điều phương tiện và tất cả người trên phương tiện về Trường Quân sự địa phương để cách ly theo quy định. Riêng lực lượng Cảnh sát giao thông, trong quá trình kiểm soát cũng phải kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Đến từng chốt, trao từng món quà, bà Nguyễn Mỹ Diệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh, rưng rưng xúc động và gửi lời động viên tinh thần anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng chặn chốt ngăn chặn dịch bệnh từ các địa phương khác; phần hậu cần sẽ kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay chống dịch.

Hối hả tiễn đoàn công tác ra về, các anh lại khẩn trương bắt tay ngay vào công việc; tiếng các anh vẫn ồn ồn xa xa: “Mời anh vào khai báo thông tin y tế”, “Hôm nay anh có bị sốt không” hay “Anh vui lòng đeo khẩu trang y tế”… Đó là những câu nói rất quen thuộc mà hiệu quả trong thời gian ấy.

Sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác phòng chống dịch bệnh; thành quả đó là kết quả của sự kỳ quyết, sự quan tâm sâu sát cơ sở và hơn cả là sự hợp tác của người dân trong một ý nghĩa lớn “Nghĩa đồng bào”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *