Ngọc Hiển: Phấn đấu đến năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%

Hộ nghèo có chí thú lao động sản xuất thì công tác giảm nghèo mới đạt hiệu quả bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Ngô Minh Toại cho biết, công tác giảm nghèo của huyện năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay được thực hiện khá tốt. Huyện đã tranh thủ nguồn Quỹ Vì người nghèo khoảng 2,8 tỷ đồng hỗ trợ cho 150 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn mượn vốn sản xuất. Huyện ủy còn phân công 47 phòng, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể huyện nhận hỗ trợ, giúp đỡ 31 ấp, khóm có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; tranh thủ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân 51 tỷ đồng cho 3.500 hộ nghèo, cận nghèo đầu tư các mô hình sản xuất, xây cất nhà ở ổn định.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế trong hộ nghèo được nhân rộng.

Để tăng cường hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện còn triển khai 4 mô hình sản xuất về nuôi tôm sú ghép với nuôi cá măng sữa, thí điểm nuôi tôm hai giai đoạn; tổ chức 26 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm – cua kết hợp, nuôi tôm siêu thâm canh năng suất cao…; tăng cường vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, năm 2018 toàn huyện có 429 hộ thoát nghèo, 127 hộ cận nghèo vươn lên. Riêng 6 tháng đầu năm nay, qua rà soát trên địa bàn huyện, hộ nghèo không biến động và đã có thêm 31 hộ được công nhận thoát nghèo, chủ yếu ở xã Đất Mũi. Đến nay, huyện còn 862 hộ nghèo, chiếm 4,62%; 947 hộ cận nghèo, chiếm 5,08%.

Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, nhiều hộ được tiếp cận nguồn vốn, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và vươn lên thoát nghèo.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông Quách Xuân Cận: “Để giảm nghèo bền vững, Huyện ủy ban hành nghị quyết giảm nghèo cho từng năm, phấn đấu mỗi năm có ít nhất 1,5% tỷ lệ hộ nghèo thoát nghèo (khoảng 400 hộ). Để đạt kế hoạch đề ra, huyện giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn đảm nhận và giúp đỡ hộ nghèo. Riêng các ban, ngành, đoàn thể huyện, mỗi đơn vị giúp 1 hộ. Đối với các đảng viên phải gương mẫu, tiên phong trong việc nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo”.

Có một thực tế đã qua, đa phần nguồn vốn đầu tư cho hộ nghèo mượn là để phát triển kinh tế, song một số hộ chưa có ý thức cao trong việc trả vốn để tiếp tục đầu tư cho hộ khác mượn. Thêm vào đó, nhiều hộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại  vào sự quan tâm, hỗ trợ… Theo ông Quách Xuân Cận, muốn giảm hộ nghèo nhanh và bền vững thì cần phải có sự phối hợp, kết hợp từ hai phía: Nhà nước và ý thức tự vươn lên của hộ nghèo. Nếu hộ nghèo thực sự chí thú làm ăn, có ý chí cầu tiến thì tin rằng công tác giảm nghèo của huyện sẽ đạt kế hoạch đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *