Ngôi trường có hơn 45% học sinh nghèo

Điểm trường chính không đủ diện tích để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, những điểm lẻ thì thiếu sân chơi cho các em. Các em học sinh nơi đây không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, mà còn thiệt thòi về các buổi học ngoại khóa.

Năm học 2016 – 2017, trường có 375 học sinh, trong đó có 110 em thuộc hộ nghèo, 30 em thuộc hộ cận nghèo và 35 em là con em hộ đồng bào dân tộc (chiếm trên 40%). Trong năm học mới này, trường có 17 lớp với hơn 370 học sinh, trong đó có đến 47% là con em hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài điểm chính, trường còn có 3 điểm lẻ (điểm trường Đất Mới, Ấp 6; điểm trường Nhà Thiết, Ấp 9; điểm trường Bãi Nhật, Ấp 8) với 15 phòng học, tiếp nhận học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Các điểm trường nằm cách xa nhau, khó khăn về điều kiện đi lại và cơ sở vật chất vẫn còn tạm bợ, đều chưa có phòng chức năng, phòng sinh hoạt chuyên môn, không có thư viện. Nhà trường hiện có 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó chỉ có 21 giáo viên đứng lớp, trong khi các điểm trường lại xa.

Trên 70% các em học sinh nơi đây đi học bằng đò.

Bên cạnh đó, ở những điểm lẻ, ngoài thiếu về cơ sở vật chất còn thiếu đồ dùng dạy học, thiếu sân chơi, thiếu những tiết học ngoài giờ… Thầy Lý Hoàng Thống, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: “Ở đây học sinh và giáo viên đến lớp rất ít khi đúng giờ, vì giờ giấc đi lại phụ thuộc vào đò dọc. Có hôm đến trường, thầy và trò đều ướt quần áo, cặp sách vì mắc mưa”. Thật vậy, các giáo viên ở đây phải thay phiên nhau “chạy sô” đến các điểm lẻ, có điểm đi xe máy được, có điểm phải đi bằng đò. Điều kiện dạy và học hết sức khó khăn. Do đi lại không thuận tiện nên nhiều thầy cô mang gạo, vật dụng vào trường để nấu ăn, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để kịp giờ lên lớp buổi chiều.

Thêm vào đó, mỗi khi bắt đầu vào năm học mới, các thầy cô còn phải vất vả đến từng nhà vận động gia đình để các em theo học, bởi phụ huynh ở đây vì cuộc sống mưu sinh chật vật mà ít quan tâm đến việc học của con em. Thầy Lý Hoàng Thống cho biết, bình quân mỗi năm trường đều có học sinh bỏ học theo gia đình đi làm ăn xa hoặc vì hoàn cảnh phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Như trong năm học vừa qua, dù các giáo viên chủ nhiệm lớp luôn theo sát từng em, em nào có hoàn cảnh khó khăn thì kịp thời thông báo với Ban Giám hiệu, nhưng vẫn có 5 em bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn xa. Trước thềm năm học mới, nhằm giảm gánh nặng cho gia đình, Ban Giám hiệu nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh đã vận động hỗ trợ tập vở; nhưng còn tiền mua sách, cặp, đồng phục cho năm học mới thì cũng hết sức khó khăn”, thầy Thống tâm trạng.

Ông Huỳnh Hoàng Tương, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết: “Trường Tiểu học Lê Văn Tám nằm trên tuyến Kênh 92 thuộc Ấp 6. Trường tiếp nhận học sinh ở các ấp 6, 8, 9 và các xã của huyện Trần Văn Thời; các ấp này đều là ấp nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là Ấp 9 có đến 56% hộ nghèo. Vì thế, đầu năm học mới này, chính quyền địa phương chủ động vận động tập vở hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, cùng với đó là hỗ trợ gạo cho các em, em nào nhà xa thì hỗ trợ 15 kg gạo/ tháng”.

Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên nhà trường dù có cố gắng, nhưng những khó khăn trên con đường đến trường của học sinh nghèo vẫn chưa vơi bớt là bao. Bởi vấn đề căn cơ là nếu muốn trẻ em vùng sâu được cắp sách đến trường thì chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần có giải pháp để giúp những hộ gia đình nghèo trong các ấp có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, từ đó mới ngăn được việc bỏ học của trẻ em nơi đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *