Người chăn nuôi lao đao vì dịch tả heo châu Phi

Chốt kiểm soát dịch bệnh đảm bảo 24/24, tránh dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Xót xa khi heo bị tiêu hủy

Trước diễn biến khó lường của DTHCP, nhiều chủ trang trại và hộ chăn nuôi như ngồi trên đống lửa, xót xa khi phải tiêu hủy đàn heo sắp đến lúc xuất chuồng hoặc phải bỏ đi những con heo nái, heo đực, vốn là nguồn thu nhập chính cho gia đình nhiều năm nay.

Quê tận Đà Nẵng vào lập nghiệp tại ấp Đường Dây, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển), anh Trịnh Xuân Bảy thuê đất làm vuông, vợ ở nhà chăn nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Năm nay có được ít vốn, gia đình anh đầu tư xây mới chuồng trại, tái thêm đàn heo, hy vọng có tiền lo cho con ăn học và đón thành viên mới sắp chào đời. Nào ngờ bệnh DTHCP ập đến, cả tháng nay vợ chồng anh mất ăn, mất ngủ. Anh Bảy bùi ngùi: “Gia đình tôi đang nuôi 49 con heo (4 heo nái, 4 heo lứa, 41 heo con) nuôi phân theo ô. Heo bệnh và dương tính với DTHCP, đến nay đã tiêu hủy 13 con. Vài ngày gần đây, số heo còn lại tiếp tục bỏ ăn, đợt này chắc phải tiêu hủy hết. Bao nhiêu vốn liếng, hy vọng cũng chôn theo. Heo chết kiểu này lấy tiền đâu cho con đi học, thằng nhỏ chuẩn bị vào lớp 5”.

Những hộ chăn nuôi có heo bị mắc DTHCP phải bóp bụng nhìn đàn heo bị tiêu hủy; còn những hộ may mắn hơn khi đàn heo chưa bị lây dịch, cũng lâm vào tình trạng bất an không kém vì lợn đến ngày xuất chuồng mà không bán được.

Ông Phạm Triều Thẳng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Xã có tổng đàn heo trên 1.000 con, trong đó có gần 100 con đến lứa bán, 80 con heo nái. Theo chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi không cho thương lái vào thu mua, còn heo nái thì vận động người dân không cho phối giống, tái đàn. Tuy nhiên, trong lúc chờ chủ trương của tỉnh, bà con bày tỏ hoang mang, lo lắng, bởi vừa tốn kém chi phí thức ăn, vừa sợ dịch lan nhanh tới đàn heo của mình”.

Công sức bao nhiêu năm gây nái, bao nhiêu tháng nuôi đàn, canh ăn, canh ngủ cho heo, giờ bệnh DTHCP đến, làm thiệt hại bao nhiêu tiền của, công sức. Ai nấy đều mong dịch qua nhanh để yên tâm gây lại đàn, tiếp tục chăn nuôi. Là hộ vừa thoát nghèo của xã Hòa Mỹ (huyện Cái Nước), chị Trương Kim Hiền đang nuôi 1 heo nái và 3 heo con, đây là tài sản giá trị của gia đình. Khi dịch đến xã Trần Thới, chị Hiền càng lo lắng: “Tôi luôn vệ sinh chuồng trại nuôi heo sạch sẽ, thường xuyên rắc vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng, đặc biệt theo dõi chặt chẽ đàn heo… Tôi mong dịch qua nhanh để bán được lứa heo này, có vốn sửa sang nhà cửa và tiếp tục đầu tư chăn nuôi để ổn định cuộc sống”.

Các địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền đến tận nhà dân, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Hỗ trợ đảm bảo công bằng

Theo ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thời gian qua ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết cách phòng ngừa. Bên cạnh đó, vấn đề cấp bách hiện nay là kinh phí hỗ trợ, hỗ trợ thế nào để đảm bảo công bằng, hợp lý và giảm thiểu khó khăn cho người dân.

Toàn tỉnh đã có gần 100 hộ có heo bị tiêu hủy do DTHCP. Trao đổi với chúng tôi về chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, nhiều người dân cho biết, họ đang rất mong chờ nhận được nguồn kinh phí này để có thể trang trải nợ nần cũng như giảm thiểu những khó khăn do DTHCP gây ra.

Hộ ông Nguyễn Hoàng Trung (ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) có số heo bị tiêu hủy nhiều nhất xã, với 19 con (4 heo nái, 3 heo thịt và 12 heo con). Ông Trung tiếc nuối: “Heo nái chọn giống rất khó, được gây nuôi từ mấy năm mới ưng ý được. Bao năm gây đàn, chăm chút, dồn hết vốn liếng, kỳ vọng, giờ gặp sự cố này, hỏi ai không thắt ruột nhìn heo bị chôn vùi”. Ông Trung cho biết, sau khi heo bị dịch, cán bộ thú y và địa phương có đến thống kê mức thiệt hại và tiến hành tiêu hủy. Ông cũng nắm được thông tin về hỗ trợ, nên cũng thấy an tâm phần nào. Hiện gia đình mong sớm nhận được nguồn tiền này để trang trải cuộc sống, đồng thời có nguồn vốn để tái sản xuất về sau.   

Đối với người chăn nuôi, bao nhiêu vốn liếng, hy vọng cũng chôn theo đàn heo bệnh.

Ngày 27/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 793/QĐ-TTg, về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống DTHCP. Theo đó, thống nhất mức hỗ trợ cho cơ sở chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do DTHCP với giá 25.000 đồng/kg cho heo con, heo thịt các loại; 30.000 đồng/kg với heo nái, heo đực đang khai thác. Đối với doanh nghiệp, hỗ trợ 8.000 đồng/kg cho heo con, heo thịt; 10.000 đồng/kg với heo nái, heo đực đang khai thác. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi heo của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương… Bên cạnh đó, hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ heo giống mức 500.000 đồng/con; điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch tùy điều kiện thực tế địa phương…

Quyết định nêu rõ, các địa phương huy động tối đa 70% quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại DTHCP. Trường hợp địa phương có mức thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương vượt quá nguồn lực (50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương gồm 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực địa phương, để các tỉnh, thành có đủ nguồn để thực hiện.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, tiến hành hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *