Người chắp cánh cho học trò vùng rừng

Quê gốc tỉnh Bình Định, tốt nghiệp Khoa Sử – Chính trị (Đại học Sư phạm Quy Nhơn), năm 2001, hoài bão tuổi trẻ muốn được đi đây đó cống hiến, cùng với nhiều cơ duyên, thầy Lê Thanh Giang về công tác tại Trường THPT U Minh. Từ 2005 – 2008, thầy học cao học tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Năm 2016, thầy được điều động về công tác tại Trường THPT Khánh An, tiếp nhận nhân sự mới, cơ sở vật chất, cảnh quan trường còn ngổn ngang; với đội ngũ giáo viên, thầy phải tiếp cận dần dần. Đầu năm 2019, khi trường vừa đi vào ổn định đã phải đảm nhận nhiệm vụ mới, có thêm cấp THCS. Vượt lên tất cả, tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, mà với vai trò “đầu tàu”, người đứng đầu nhà trường – thầy Lê Thanh Giang trên nền tảng nền nếp đã được duy trì, tiếp tục sắp xếp để mọi hoạt động của trường đi vào ổn định.

Buổi họp hàng tuần của cán bộ chủ chốt với hiệu trưởng.

Nêu gương và duy trì rèn luyện

Nắm rõ tình hình thực tế, xác định không thể cạnh tranh về thành tích học tập với các trường trong tỉnh, nên trước mắt, mục tiêu phấn đấu chung của nhà trường là tạo ra môi trường học tập thuận lợi, cơ sở vật chất xanh – sạch – đẹp, gọn gàng, để phụ huynh và học sinh tin tưởng lựa chọn gửi con theo học, cho học trò vùng rừng có nơi vừa học vừa chơi, rèn luyện kỹ năng sống. Từ tư tưởng chủ đạo đó, nhà trường luôn rèn cho các em nền nếp, ý thức giữ gìn vệ sinh chung; chào hỏi lễ phép; môi trường học tập dân chủ, hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, an toàn.

Nhờ sự kỳ quyết của nhà trường trong việc đề xuất với UBND xã, huyện…, thầy, trò nay đã có con đường sạch sẽ nối từ đường chính vào trường, thay cho con đường sình lầy trước đây. Trong khuôn viên, cây xanh cũng được quy hoạch, trồng mới; có tiểu cảnh, hồ cá… hình thành từ công sức của giáo viên, học sinh. Trường cũng vận động xã hội hóa làm nhiều dãy ghế ngồi để các em có chỗ ôn bài, có vòi nước để học sinh rửa tay chân; có câu lạc bộ sách (sách bỏ vào tủ, rèn cho học sinh tính tự giác, đọc xong tự cất, có sách hay, các em cũng có thể mang góp vào).

Công tác chuyên môn, kế hoạch năm, tháng, tuần đều được Hiệu trưởng Lê Thanh Giang đưa ra tại cuộc họp hàng tuần với các bộ phận bằng các chỉ đạo chung và chỉ đạo trực tiếp, cụ thể, không để dồn cuối tháng. Việc họp hành cũng được sắp xếp tiết kiệm thời gian chung, nội dung được gửi trước để giáo viên tham khảo, nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Thời gian họp ngắn gọn, chủ yếu để thảo luận, nêu ý kiến, đề ra giải pháp tháo gỡ.

Về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với vai trò người đứng đầu chi bộ, thầy Giang quan niệm không cần quá chú trọng hình thức, bài bản, không đặt nặng giấy tờ mà thường xuyên nhắc nhở giáo viên rằng cố gắng làm tốt công việc chính là học Bác. Đảng viên nên gương mẫu hướng dẫn, hỗ trợ quần chúng làm theo. Việc học Bác được đánh giá thông qua quần chúng và học sinh trong trường, thông qua việc hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Học Bác thể hiện ở những gì gần gũi nhất, thiết thực nhất, giáo viên và học sinh toàn trường đều có thể thực hiện được hàng ngày như: Sử dụng tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm bằng cách trao đổi công việc qua email, Zalo… Rèn cho học sinh ý thức giữ gìn, bảo quản cơ sở vật chất, ở trường cũng như ở nhà, không viết vẽ bậy, giữ gìn cho các lớp sau… Đầu mỗi năm học đều có biên bản kiểm tra tài sản, cuối năm rà soát lại chặt chẽ. Mỗi lớp học đều có phân công cụ thể một học sinh phụ trách tắt điện khi ra khỏi phòng…”, thầy Giang chia sẻ.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, ông Đoàn Việt Khoa nhận xét: “Với vai trò là Bí thư Chi bộ, hiệu trưởng một đơn vị trường học còn nhiều khó khăn về điều kiện dạy và học, mặc dù thời gian công tác tại trường chưa nhiều, nhưng đồng chí Lê Thanh Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nói chung, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với nhiệm vụ được giao, đồng chí đã cùng với tập thể chi bộ, cán bộ, giáo viên nhà trường có những hoạt động, việc làm thiết thực, cụ thể, mang lại hiệu quả cao… Qua đó đã góp phần quan trọng xây dựng chi bộ và tập thể nhà trường từng bước vươn lên, đạt nhiều thành tích cao trong công tác dạy và học, đưa nhà trường trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục huyện thời gian qua”.

Quả ngọt từ tình yêu thương

Nhờ sự nỗ lực không ngừng, trường đã gặt hái được thành tích tốt hơn qua từng năm (vòng tỉnh: Giải Ba cuộc thi chọn học sinh giỏi lớp 12 môn Hóa học (năm 2018); giải Nhất cuộc thi giải bài tập bằng máy tính cầm tay môn Hóa học (năm 2019)… Ngoài ra, nhà trường cũng có sự thảo luận với giáo viên, không chỉ hoạt động học tập, mà còn ở các hoạt động khác: Cuộc thi Nữ sinh thanh lịch; rèn luyện kỹ năng sống, Tri ân cha mẹ, thầy cô; giao lưu thể thao, văn nghệ, dựng video – giới thiệu ảnh đẹp về trường, thi Tên lửa nước, Đấu trường 30…; tham gia các hoạt động trải nghiệm (trồng rau sạch; thử làm thợ sửa chữa điện gia dụng…). Thông qua đó, thầy trò cũng gắn kết hơn, phục vụ tốt hơn công tác truyền đạt kiến thức và thông qua đó giáo dục về thẩm mỹ, quan niệm về cuộc sống cho các em.

Chú trọng đến việc lấy hạnh phúc của người học làm trung tâm, ở tất cả các hoạt động vui chơi, Hiệu trưởng nhà trường tỏ rõ đường hướng: “Không ràng buộc, học sinh thích vui chơi như thế nào, chơi gì, sau khi cho đăng ký, nếu đảm bảo số lượng, trường sẽ tổ chức”. Với quan niệm rất thoáng, trường luôn tôn trọng sự khác biệt của học sinh (nữ sinh nào vì điều kiện cơ thể không phù hợp, trường sẽ giải quyết miễn mặc áo dài). Năm học này, trường quy định đồng phục học sinh rất linh hoạt, để các em thoải mái nhất do điều kiện đi lại của học sinh vùng rừng còn nhiều khó khăn: Nam sơ mi trắng quần tây tối màu. Với học sinh nữ, thứ 2, 4, 6 mặc áo dài; thứ 3 mặc sơ mi quần tây, thứ 5 đoàn viên mặc áo đoàn; thứ 7 mặc tự do, phù hợp với môi trường giáo dục. Vào những ngày mưa lớn kéo dài, trường thường lùi giờ học khoảng 15 phút để các em nhà xa kịp giờ học. Với những trường hợp học sinh bệnh, xin về, trường luôn liên hệ gia đình đến đón; hoặc cử lực lượng trực của Đoàn trường đưa về an toàn, không để các em tự đi khi sức khỏe không đảm bảo. 

Đảng viên chi bộ nhà trường, thầy Huỳnh Thanh Chấn (Tổ trưởng Tổ Công nghệ – Nghệ thuật, Phó Chủ tịch Công đoàn trường): “Thầy Giang luôn nghiêm túc về thời gian, đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Mọi công tác đều được đề ra và thực hiện nghiêm túc; thẳng thắn trong công tác thi đua, mạnh dạn chấp nhận thiếu sót; đồng thời luôn tự đổi mới, áp dụng các công nghệ mới vào nhà trường để giáo viên, học sinh trải nghiệm. Với giáo viên, thầy luôn tạo điều kiện, định hướng để giáo viên phát huy tối đa theo năng lực”.

Từ nhà ở thị trấn U Minh đến trường gần 20km, cũng phải vun vén cho gia đình nhỏ, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ “hậu phương”, Hiệu trưởng Lê Thanh Giang luôn có mặt tại trường từ khoảng 5 giờ, để xử lý nhanh những việc tồn của tối hôm trước và chuẩn bị cho ngày mới. Thầy quan niệm: “Cơ quan hành chính khác, trường học khác. Làm việc ở trường học cần đi sớm để quan sát, kiểm tra chung, thỉnh thoảng sẽ đứng trực cổng cùng cờ đỏ để tạo nền nếp. Vì muốn đánh nhau, hút thuốc lá…, học sinh thường chọn thời điểm lúc đầu giờ, ra chơi và lúc tan trường. Những lúc này, có hiệu trưởng tới lui quan sát, các em sẽ có phần ngán ngại, không dám vi phạm. Trong giáo dục ý thức thì phòng ngừa là chính, chứ không nên để xảy ra sự việc mới đi khắc phục hậu quả. Kỷ luật, hạ hạnh kiểm học sinh là giải pháp cuối cùng”.

Đoàn trường thường xuyên kiểm tra, đồng thời xây dựng tổ cộng tác viên (không công khai) ở mỗi lớp, để thông báo qua Zalo với Ban Giám hiệu các trường hợp mâu thuẫn trong học sinh. Khi có tin báo, Ban Giám hiệu sẽ cử người đến ngay, để kịp thời can thiệp, thường là hiềm khích ngoài đời và do nói xấu nhau qua mạng.

Đầu năm học này, nhà trường phát động giáo viên gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa, trường cũng có hố 3 ngăn để phân loại rác. Khi được tạo thói quen tốt, học sinh sẽ giữ vệ sinh tốt. Trong khuôn viên, trường bố trí nhiều giỏ rác để các em có nơi bỏ rác gọn gàng, khi vệ sinh chung được giữ gìn, một vài cá nhân thiếu ý thức cũng sẽ không dám vứt rác bừa bãi. Nhà vệ sinh của trường được đầu tư máy xịt rửa sạch sẽ, đèn cảm biến; kêu gọi xã hội hóa để trang bị giấy, thậm chí cả băng vệ sinh cho nữ, nhằm đảm bảo sức khỏe các em, tránh tình trạng xin về đột xuất, ảnh hưởng việc học.

Về an toàn giao thông, học sinh của trường đều được kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành trong sử dụng phương tiện, đội mũ bảo hiểm đúng quy định… Tất cả được quản lý, kiểm soát ngay khi các em vào cổng. Với số học sinh đi học bằng xe bus hoặc phải qua phà ở kênh Nam Dương, nhà trường cũng đề xuất can thiệp để có sự ưu tiên, hạn chế tình trạng phà không rước, xe bus bỏ học sinh. Khi tất cả các hoạt động duy trì nền nếp đã ổn định, trường sẽ đầu tư vào nâng cao chất lượng. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức giao lưu truyền thống giữa 3 trường THPT trong huyện, những việc làm tốt cũng được học hỏi, áp dụng tại trường.

Nói về công việc, thầy Giang khiêm tốn: “Còn rất nhiều việc phải làm, phải duy trì thường xuyên, chỉ vài năm chưa thể làm hết…”. Trường THCS và THPT Khánh An là “mảnh đất” để thầy Lê Thanh Giang “dụng võ”, dốc sức đầu tư tâm huyết thực hiện những mong muốn ấp ủ bấy lâu cho ngành Giáo dục.

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ, giáo viên, học sinh. Học Bác ở việc không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trong các việc làm nhỏ hàng ngày, trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập; rất gần gũi, ai cũng có thể học được; chứ không phải là cái gì đó quá cao siêu, to tát”, thầy Lê Thanh Giang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *