Người dân còn chủ quan với bệnh dại

Một bộ phận người dân đã chủ động đi tiêm ngừa khi bị chó cắn.

Người dân còn chủ quan

Bệnh dại hiện đang bùng phát mạnh, nhất là các vùng nông thôn. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 người chết do bệnh dại (huyện Đầm Dơi 2 người, huyện Cái Nước 1 người, huyện Trần Văn Thời 2 người). Tiêm phòng vắc-xin dại trên chó, mèo là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng chống bệnh dại, nhằm hạn chế tối đa bệnh dại ở người. Tuy nhiên, qua rà soát tổng đàn với trên 161.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt trên 10%. Trong khi đó, hầu hết các hộ nuôi chó theo hình thức thả rông. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác phòng ngừa và dễ dàng lây bệnh khi có 1 con bị nhiễm.

Điển hình như ở U Minh, chỉ có 1 con chó bị nhiễm bệnh dại nhưng đã lây lan qua cho gần 10 con chó khác. Và đã tấn công 2 người dân trên địa bàn, sau đó hai người dân được đưa đi tiêm phòng vắc-xin kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

5 người tử vong do bệnh dại là do chủ quan khi bị chó dại cắn. Đa phần các nạn nhân và gia đình cho rằng những con chó là vật nuôi trong gia đình, không bị bệnh nên khi bị chó cắn, nạn nhân rất chủ quan.

“Như trường hợp của nạn nhân ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), bị chó cắn vào mặt. Dù có tiêm ngừa nhưng vẫn tử vong. Nguyên nhân là do chó cắn ngay mặt gần mạch máu chủ nên phải đưa nạn nhân đến trung tâm y tế tiêm huyết thanh ngay để ngừa virus tấn công. Do tiêm trễ nên nạn nhân đã tử vong”, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết.

 Chính vì ý thức chủ quan nên mới xảy ra những trường hợp thương tâm đáng tiếc như trên. Ông Huy cho biết thêm: “Khi bị chó dại cắn, thì người bị cắn phải lập tức đi tiêm phòng. Thế nhưng trong thời gian qua người dân còn chủ quan, nhất là ở những vùng nông thôn, khi bị chó dại cắn lại dùng thuốc nam để điều trị hoặc đi lấy nọc”. Ông Huy cũng cho biết thêm hiện chưa có loại thuốc nam nào được công nhận là đặc trị khi bị chó dại cắn. Hy hữu có nhiều người dùng thuốc nam khi bị chó cắn mà không ảnh hưởng đến tính mạng là do những con chó đó không phải là chó dại.

Theo ngành chuyên môn, khi bị chó dại cắn, nên đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng, tùy theo vết thương sâu cạn để tiêm bình thường 3 mũi hay tiêm huyết thanh, để đảm bảo tính mạng.

Hiện nay, mới chỉ có những hộ nuôi thú cưng chủ động đưa chó nuôi đi tiêm phòng.

Đừng để mất tiền “vô cớ”

Dù Quyết định số 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 – 2021 đã được ban hành, nhưng hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thực sự thực hiện nghiêm quyết định này. Quyết định nêu rõ nhiệm vụ của người nuôi phải cung cấp thông tin, số lượng nuôi với trưởng ban nhân ấp, UBND xã, phường. Đồng thời cam kết nuôi nhốt, giữ chó trong khuôn viên gia đình, không được thả rông gây nguy hại cho người khác.

Quy định đã rõ nhưng theo ghi nhận tại một số địa phương, đa phần các hộ còn thờ ơ, còn nuôi tự phát, không theo một quy trình tiêm phòng nào, có hộ nuôi cả chục con nhưng khi hỏi có tiêm phòng hay chưa thì ai cũng lắc đầu bảo tiêm ngừa làm gì, chó nuôi nhà không bị bệnh.

Hộ ông Trương Văn Tiết (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh) có 6 con chó lớn và nheo nhóc chó nhỏ chạy nhảy khắp nhà, không được xích lại, khiến những vị khách đến thăm nhà thực sự ái ngại với dàn “hộ vệ” bốn chân này. Khi hỏi về lịch tiêm phòng, ông cười sảng khoái: “Đó giờ tôi nuôi chơi cho nó sủa vui nhà vui cửa chứ đâu có bán chát gì mà phải tiêm ngừa”.

Thực tế, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại trên tổng đàn chó hiện còn rất thấp, trong khi tại các địa phương thì chưa quản lý được đàn chó trên địa bàn.

Chị Thái Thị Phượng, cán bộ Thú y xã Khánh An (huyện U Minh), cho biết: “Bà con mình còn “ngại” khi tiêm vắc-xin cho chó vì phải tốn phí, có nhiều hộ khi đến vận động để tiêm cho chó thì nhất quyết từ chối vì cho rằng chó nhà nuôi không mắc bệnh nên không cần phải tiêm phòng”.

Đây là tình trạng chung của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Như ở Khóm 10, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, ban đầu khi chưa xảy ra chết người, cán bộ thú y xuống xác minh chỉ có 110 con chó tại các hộ nuôi, nhưng khi xảy ra chết người, cán bộ thú y xuống tiêm phòng bao vây thì có đến hơn 1.100 con được tiêm. Như thế con số chênh lệch là do người dân cố tình giấu đi để không bị mất tiền.

Ông Huy cho biết: “Hiện vi trùng dại đang lan truyền rộng, để khống chế bệnh dại, ngành chức năng cũng chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở vận động người dân chủ động mang chó đi tiêm phòng. Mặt khác vận động người nuôi nuôi ít – nuôi có trách nhiệm, phải tuân thủ lịch tiêm phòng và phải đăng ký vật nuôi với đơn vị quản lý”.

Như vậy, chủ sở hữu cần hết sức lưu ý trong việc chăm sóc, quản lý chó để tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Đăc biệt, để chủ động phòng chống bệnh dại trên động vật thì cần tiêm phòng vắc-xin dại mỗi năm 1 mũi cho chó, mèo để tạo miễn dịch chủ động. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại lây truyền từ động vật sang người. Bên cạnh đó, khi bị chó dại cắn, người dân cần chủ động đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại.

Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu rõ, người vi phạm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 – 300 ngàn đồng. Đặc biệt, trường hợp chủ vật nuôi không tiêm phòng vắc-xin dại cho chó thì sẽ bị xử phạt từ 2 – 3 triệu đồng. Nếu chó cắn chết người, chủ sở hữu có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội “vô ý làm chết người”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *