Người dân Khánh Hội nâng cao ý thức phòng chống thiên tai

Trên địa bàn xã Khánh Hội còn nhiều hộ dân sống ven đê, nguy hiểm luôn rình rập vào mùa mưa bão.

Xã Khánh Hội (huyện U Minh) có hơn 500 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có 114 phương tiện công suất dưới 20CV. Đáng quan tâm là có hơn 400 phương tiện vỏ lãi đánh bắt tự phát gần bờ, tuy đánh bắt gần bờ và trong thời gian ngắn nhưng các phương tiện này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi có sóng to gió lớn bất ngờ xảy ra.

Với phương châm “4 tại chỗ”, thông qua các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri đều có cán bộ cấp ủy phụ trách ấp cũng như các ngành, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho bà con.

Ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã: “Về trên biển, xã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng trong công tác kiểm soát các phương tiện ra, vào cửa biển”.

Gia đình ông Trần Văn Triều (Ấp 3) có hơn 30 năm theo nghiệp biển. Nghề vươn khơi đã trở thành nghề cha truyền con nối của gia đình ông. Khởi nghiệp từ việc đánh bắt cho đến chuyển sang thu mua thủy hải sản, gia đình ông Triều đã từng bị thiệt hại do cơn bão số 5 năm 1997, nên luôn ý thức cao trong việc phòng chống thiên tai. Ông Triều chia sẻ: “Khi có sóng gió, nhận được thông báo của Tổng đài Duyên hải, tôi cho tàu vô bờ hoặc tìm đảo gần trú ẩn. Trên phương tiện có trang bị đầy đủ phao nổi, phao cứu sinh. Từ hồi cơn bão số 5 tới giờ, người dân chúng tôi đều có ý thức trang bị đầy đủ, đảm bảo an toàn cho chuyến biển”.

Địa bàn xã Khánh Hội có 3 cửa chính thông ra biển là cửa Kinh Hội (nơi có Trạm Biên phòng Kinh Hội đóng), cửa T29 và cửa Lung Ranh. Bằng việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng đã hạn chế tối đa tình trạng các tàu cá ra khơi đánh bắt mà không trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Xã có 2 đội tàu an toàn, với 20 tàu thành viên. Định kỳ ngày 14 (âm lịch), Đồn Biên phòng Khánh Hội phối hợp với UBND xã sinh hoạt các nội dung tuyên truyền về phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho 2 đội tàu an toàn. Các đội tàu này sẽ hỗ trợ nhau trên biển khi có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, xã có 1 đội tàu cứu hộ, với 10 tàu luôn sẵn sàng cơ động trên biển để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra hoặc do Bộ đội Biên phòng điều động. Trên địa bàn xã còn có 1 khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá với sức chứa 700 tàu cá có công suất 90CV trở lên.

Ông Châu Minh Đảm lo lắng: “Hiện đang vào mùa mưa. Mặc dù làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân ngày càng ý thức hơn trong phòng ngừa thiên tai và từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã không bị ảnh hưởng của tình hình mưa bão, nhưng hiện còn 51 hộ dân còn sống phía ngoài triền đê, nguy hiểm chực chờ. Xã cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động nhưng vì mưu sinh, người dân vẫn chưa chịu di dời”.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, đã có 12 người chết (1 người bị sét đánh; 2 người do sóng to, gió lớn trên biển; 9 người do tai nạn trên biển), 15 thuyền viên mất tích; 27 phương tiện bị chìm, hư hỏng; 5 tàu cá bị cháy; trôi 1 lồng và hư hỏng 2 lồng bè nuôi cá bớp; giông, lốc xoáy làm sập 21 căn nhà, tốc mái 93 căn nhà; mưa lớn kèm theo giông làm ngập và sập 2.250,72ha lúa; ngập úng 200,99ha hoa màu; 52 vụ sạt lở với tổng chiều dài 1.692m, thiệt hại 28 căn nhà; triều cường làm vỡ 164m bờ bao, ngập 4.001m đường và bờ bao. Tổng thiệt hại ước tính hơn 11 tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *