Người đi xây mô hình

Ở tuổi 65, cô Năm Vân vẫn miệt mài với công tác Hội, vì cái tình đối với chị em trên địa bàn ấp.

Từ đưa “cần câu” cho chị em nghèo…

“Toàn ấp có 214 hộ, với 146 hội viên sinh hoạt ở 3 tổ, song chỉ có 109 hội viên sinh hoạt thường xuyên, bởi có nhiều hội viên cao tuổi, đi lại, sinh hoạt khó khăn”, cô Năm Vân nằm lòng mỗi khi nói về tình hình tổ chức Chi hội ấp, và không quên tự hào: “Hiện Chi hội không còn hộ hội viên nghèo”.

Từ năm 2014 đến nay, ấp Tân Phú đã không còn hội viên phụ nữ nghèo. Thành quả đó không thể thiếu sự đóng góp to lớn của cô Năm Vân. Cô nhớ lại: “Từ năm 2000, tôi đã tham gia công tác Hội, thời điểm đó số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn ấp là 28 hộ. Đó là những hộ nghèo “lâu năm”, muốn họ thoát nghèo không phải là chuyện dễ dàng”.

Bằng cái tâm của người “đầu tàu”, cô Năm Vân trăn trở, phải làm thế nào để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Nhưng thời đó, cách đây 20 năm, hộ nào có điều kiện lắm cũng chỉ đủ ăn, muốn giúp chỉ giúp gạo, tập vở cho các cháu hộ nghèo được đến trường. Dần về sau, thấy giúp như thế cũng chưa phải cách, vì đó chỉ là tạm thời, các chị vẫn chưa thể tự vươn lên trong cuộc sống, cô Năm bàn với các chị em trong Chi hội hỗ trợ hội viên nghèo bằng cách dạy các chị nấu rượu, nuôi heo, hỗ trợ vốn tăng gia sản xuất (nuôi tôm, trồng hoa màu, nuôi cá…) để chị em phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt, cô còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội bảo lãnh cho chị em hội viên nghèo vay vốn (khoảng 10 triệu đồng/hộ). Khi đồng vốn đến tay chị em nghèo, đích thân cô Năm Vân trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn các chị chăn nuôi heo. “Thời điểm đó nuôi heo “thịnh” lắm, nhà nào cũng nuôi, hộ nào có điều kiện thì nuôi 5 tháng bán; còn hộ nào nghèo, không có gạo cho heo ăn thì cho ăn rau, nước cá nấu muối thì 7 – 8 tháng bán. Sau khi heo xuất chuồng, tôi yêu cầu các hộ vay trả lại nợ gốc cho ngân hàng 3 triệu đồng, mua thêm 2 con heo giống khoảng 2 triệu đồng, còn lại 5 triệu đồng làm vốn. Cứ thế nhân rộng mô hình và nâng cao đồng vốn”, cô Năm Vân kể. Nhờ cách làm này mà có nhiều hộ nghèo tích góp, có dư, chuộc lại đất đã cầm cố bấy lâu. Có đất, các hộ sản xuất phát triển kinh tế cũng bền vững hơn.

Điểm sáng ở Chi hội Phụ nữ ấp Tân Phú còn là mô hình “nuôi heo đất”. Cô Vân cho biết: “Xây dựng mô hình này rất đơn giản, các chị em trong hội chỉ cần tiết kiệm 2.000 đồng/ngày bỏ vào ống heo. Cứ 3 tháng các chị sẽ đập ống một lần”. Mô hình này xuất phát từ phong trào học theo gương Bác, thực hành tiết kiệm từ việc làm nhỏ. Qua 4 năm thực hiện, đến nay, các chị có trên 310 triệu đồng để giúp đỡ chị em trong Hội khi cần vốn phát triển kinh tế. Cô cười tươi: “Chỉ 2.000 đồng/ngày, nhưng khi các chị em đồng lòng thì đồng vốn sẽ được “nở nồi”, tích tiểu thành đại, cứ góp vào đấy, chị em nào cần là có tiền hỗ trợ ngay”.

Bằng cách làm thực tế, cô Năm Vân đã giúp rất nhiều hộ nghèo trên địa bàn thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Không chỉ riêng hội viên Chi hội, mà cô còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ cất nhà cho hộ nghèo, chỉ dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo. Đến cuối năm 2018, Tân Phú là ấp đầu tiên của xã Tân Hưng Đông xóa trắng được hộ nghèo.

Dù hiện tại, mức hỗ trợ cho cán bộ đoàn thể ấp không có, những người hoạt động ở Hội như cô Năm Vân chỉ là “làm việc không công”, nhưng cô luôn khẳng định: “Chị em cần, Năm luôn có mặt, cho đến khi nào không còn đi lại được nữa thì thôi!”.

… đến xây dựng thành công “địa chỉ tin cậy”

Cùng là phụ nữ nên cô Năm Vân luôn hiểu vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, luôn hy sinh, cam chịu; nên mỗi khi nghe tin đâu đó có phụ nữ bị bạo hành, cô đều “ra tay” tương trợ. Sự vụ xảy ra đã nhiều năm nhưng mỗi lần nhắc lại, cô vẫn nhớ như in: “Vào ngày 15/12/2016, điện thoại của Năm reo liên tục, Năm nói trong bụng chắc có người cần nên điện hoài. Năm bắt máy, thì đầu dây bên kia là giọng của một phụ nữ nói rất gấp “bà Năm ơi bà lại nhà ông Dũng liền đi, ông Dũng đánh vợ bể đầu máu văng tung tóe nè”. Không kịp suy nghĩ, Năm đến ngay nhà ông Dũng. Đến nơi, hình ảnh đầu tiên Năm nhìn thấy là máu loang lổ chảy ướt cả mặt vợ ông Dũng – bà Nguyễn Thị Ngoan. Bên cạnh là rất nhiều bông gòn đã dính đầy máu. Chưa kịp hỏi nguồn cơn sự việc, bà Ngoan chỉ kịp kêu “Năm ơi cứu con” rồi bất tỉnh”.

Theo mạch câu chuyện kể, cô Năm cùng với chị em trong ấp bao xe đưa bà Ngoan đi bệnh viện cấp cứu. Đồng thời, cô cũng gọi báo với chính quyền địa phương về hành vi bạo lực gia đình của ông Dũng, để cán bộ chính quyền lập biên bản. Tuy nhiên, ông Dũng thoái thác trách nhiệm và cho rằng bà Ngoan tự té. Không chấp nhận chuyện đó, cô Năm đi tìm hiểu từ người có mặt hôm xảy ra việc, hỏi trực tiếp bà Ngoan, rồi làm tờ tường thuật, trình báo một lần nữa với Công an xã; quyết bằng mọi cách phải cho ông Dũng dừng ngay hành động bạo lực gia đình. Ông Dũng bị mời lên Công an xã làm việc, tại đây ông cúi đầu nhận mọi hành vi sai trái của mình và chấp nhận nộp phạt, cam kết không tái phạm.

Giờ nhắc lại chuyện xưa, bà Ngoan bùi ngùi: “Nếu không có cô Năm, chắc con chết lâu rồi, con mang ơn cô Năm nhiều lắm”.

Bà Cao Kim Hồi cũng bị chồng bạo hành. Sự việc xảy ra vào ngày 21/6/2016. Bà Hồi đi mua 2 heo con về nuôi nhưng do trời mưa, đường xa, một trong 2 con heo bị chết. Khi bà vừa về đến nhà, không hỏi nguồn cơn, chồng bà Hồi – ông Đỗ Văn Hải đánh bà văng xuống vuông tôm bất tỉnh. Chính quyền địa phương đến can thiệp, nhưng do bản tính hung hãn nên ông Hải bất chấp, cầm ghế rượt mọi người chạy tán loạn.

Một lần nữa, không ngại đường khó đi, cô Năm Vân xuống tận nhà ông Hải. Trên đường đi, cô mời thêm Tổ trưởng Tổ Tự quản ấp, người này cảnh báo với cô rằng: “Ông Hải ngang lắm, hôm qua ổng rượt tụi con chạy thục mạng”. Cô Năm động viên: “Thì con cứ đi theo Năm đi, không sao đâu”. Đến nhà ông Hải hỏi sự tình, ông Hải vẫn cố chấp và giữ im lặng, cô lý giải thiệt hơn rằng hành động của ông Hải đã vi phạm Nghị định 63 của Chính phủ, vi phạm pháp luật vì đã chống người thi hành công vụ, đề nghị phải đưa đi cải tạo… Lúc này, ông Hải mới nhận ra cái sai của mình và mong muốn được làm lại từ đầu.

Thời gian nhàn rỗi, cô Năm chọn việc chăm sóc cây kiểng để làm thú vui cho riêng mình.

Trong 20 năm làm công tác Hội, cô Năm Vân từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh bị bạo hành. Từ việc cảm thông, chia sẻ, cô Năm Vân đến tận nhà gặp gỡ trực tiếp, phân tích thiệt hơn, về trách nhiệm của từng người trong gia đình để từ đó tìm tiếng nói chung cho họ. Cô đã hòa giải thành công 11 vụ bạo lực gia đình và giành được quyền bình đẳng về cho phụ nữ.

Chị Ngô Yến Ngọc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, phấn khởi: “Từ khi “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” của xã được xây dựng, đến nay chưa đón nhận trường hợp nào bị bạo hành phải đến đây tạm lánh. Từ đó mới thấy được công tác Hội ở cơ sở hoạt động quá tốt, điển hình như Chi hội ấp Tân Phú”.

65 tuổi đời, 20 năm tham gia công tác Hội, nhiều khó khăn, áp lực, lắm lúc tưởng không “trụ” được. Thế nhưng khi nói về vai trò, trách nhiệm của người “đầu tàu” tổ chức Hội Phụ nữ ở cơ sở, cô Năm luôn hào sảng, nhiệt huyết. Cái hào sảng ấy đã có từ thời cô làm giao liên với tên Lê Thị Buổi, khi đó cô Năm Vân mới 14 tuổi. Từng một thời tham gia cách mạng, đấu tranh trực diện với kẻ thù, nên khi tham gia công tác Hội, cô Buổi ngày nào nay là cô Năm Vân vẫn kiên cường, mạnh mẽ, dám đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho phụ nữ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *