“Người hùng” đằng sau những vụ án

Trung tá Hà Quốc Lệnh không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Tinh thần thép bắt tử thi… “lên tiếng”

Sáng, gặp Trung tá Hà Quốc Lệnh – Đội trưởng Đội Giám định hóa kỹ thuật pháp lý và pháp y sinh vật (Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh) tại phòng làm việc khi anh đang kiểm tra, lau chùi các thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ chuyến công tác khuya hôm trước. Khi hỏi: “Anh có cảm thấy mệt sau một đêm áp lực bên tử thi?”, anh cười nói: “Do đặc thù công việc em à, nên cơ thể cũng dần thích nghi, mình đâu biết trước lịch công tác, có khi đang ngồi nói chuyện với em, có án, anh phải lập tức đi ngay không chừng”.

Vừa thực hiện công việc, Trung tá Hà Quốc Lệnh vừa chậm rãi kể lại cơ duyên với… nghề rùng rợn này. Như bao sinh viên trẻ khác, anh Lệnh đeo đuổi tâm nguyện hành nghề y cứu người. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y, anh được tuyển chọn vào ngành và đã có 6 năm làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ tại Công an huyện Ngọc Hiển. Năm 2005, anh hoàn thành khóa chuyên tu Đại học Y, nghĩ sẽ phục vụ tốt hơn nhiệm vụ tại đơn vị, nhưng số phận lại đưa đẩy anh đến với cái nghề mà anh chưa từng nghĩ tới: Làm bạn với tử thi, dao kéo, và những điều mà người bình thường hễ nhìn là muốn bỏ chạy!

“Kết luận của bác sĩ pháp y sẽ là cơ sở giúp cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân, thời gian tử vong, số lượng vết thương, vật gây ra vết thương… Do vậy, mỗi lần đặt bút viết báo cáo kết luận vụ việc, tôi phải hao tâm tổn trí rất nhiều. Chỉ cần một phán đoán sai thôi, quá trình điều tra sẽ rẽ sang hướng khác, vụ án có thể rơi vào bế tắc”, Trung tá Hà Quốc Lệnh chia sẻ. Quả thật, anh không thể khiến người chết sống lại; nhưng bằng sự tận tâm, trách nhiệm, anh đã cứu nhiều người đang sống khỏi sự oan khuất qua những nguồn chứng cứ khách quan, chính xác.

Nhớ vụ án xảy ra tại huyện Thới Bình cách nay 4 năm. Một phụ nữ treo cổ tử vong tại nhà. Người được cho là gây ra cái chết không bình thường này lại chính là chồng của nạn nhân, đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố. Gia đình 2 bên mâu thuẫn, xâu xé lẫn nhau. Bác sĩ pháp y, Trung tá Hà Quốc Lệnh vào cuộc, khai quật xác chết đang phân hủy hơn 10 ngày, đánh giá tổn thương, làm sáng tỏ nguyên nhân. Sự thật nạn nhân chết là do thắt cổ. Tuy nhiên, để giải đáp thắc mắc của mẹ ruột nạn nhân là sau khi chết quần áo con bà lại ướt, anh Lệnh đã nhạy bén tìm hiểu thêm thông tin từ người thân, hàng xóm, mới biết nạn nhân bị trầm cảm, đã nhiều lần tự tử không thành. Thêm nữa, mỗi khi thấy bức bối, chị thường xối nước lên người, có hôm chồng đang nhậu với khách, chị xối nước, rồi chạy vòng vòng bàn nhậu. Từ những thương tích trên người nạn nhân và manh mối thu được, bác sĩ pháp y Hà Quốc Lệnh kết luận nạn nhân chết là do tự vẫn. Nỗi oan giết vợ của người chồng được làm sáng tỏ.

Qua buổi trò chuyện xoay quanh những xác chết, thấy rằng gần như không còn kiểu chết gì mà Trung tá Hà Quốc Lệnh chưa từng chứng kiến, từ nhẹ nhàng như chết bệnh trên giường, cho tới kinh khủng như tai nạn giao thông, xác chết bị phân hủy… Hầu hết các vụ giám định tử thi phải làm tại hiện trường, nghĩa là bất kỳ bờ sông, cánh đồng, bờ biển hay rừng rậm… anh đều phải linh hoạt khi thì xe máy, ca nô, vỏ lãi và cả đi bộ để đến tận nơi. Trung tá Hà Quốc Lệnh nhớ lại có lần khám tử thi trong rừng đước ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển vào đêm khuya, anh em phải đi bộ băng rừng mấy kilomet mới tới nơi. Căng mình thực hiện nhiệm vụ giữa thời tiết oi bức, muỗi cắn khắp người, xong việc thì đã 3 giờ sáng, anh em đuối sức không ai về nổi, phải ngủ lại nhà dân.

Trung tá Hà Quốc Lệnh hướng dẫn anh em trong Đội sử dụng thiết bị, công cụ hỗ trợ.

Kiên định vì chân lý và pháp lý

“Phòng Kỹ thuật hình sự chỉ có 2 bác sĩ pháp y, mỗi lần đi khám nghiệm chỉ có 1 bác sĩ cùng 2 trợ lý; việc cưa, mổ, khám nghiệm rồi khâu hoàn chỉnh lại thi thể mất khoảng 2 giờ. Bất kể mưa nắng hay đêm tối, thậm chí cả ngày lễ, tết cũng phải có mặt kịp thời. Áp lực công việc, áp lực thời gian rất lớn là thế, nhưng anh em luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, khi mà thực tế tội phạm ngày càng tinh vi che giấu tội lỗi”, Thượng tá Nguyễn Minh Dụng, Quyền Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, cho biết.

Nếu như những bác sĩ khác làm việc trong môi trường chăm sóc bệnh nhân với máy móc, thiết bị hỗ trợ, ê-kíp “hùng hậu” thì những bác sĩ pháp y phải đối diện với những xác chết lâu ngày trương phình, xoay chuyển vô cùng khó khăn, đôi khi phải tiếp xúc với tử thi nhiễm HIV, nghiện ma túy… nếu không yêu nghề, không vượt qua nỗi sợ hãi thì có thể bỏ việc bất cứ lúc nào. Kiên định vì chân lý và pháp lý đòi hỏi Trung tá Hà Quốc Lệnh luôn nghiêm túc, thận trọng, tỉ mỉ từ việc xác định mô tổn thương, vị trí mổ trên tử thi, lấy mẫu xét nghiệm đến các công đoạn khác trong phòng xét nghiệm. Giám định viên Hà Quốc Lệnh không chỉ làm được mà còn nói được, tức là phải trau dồi năng lực chuyên môn và kiến thức pháp luật vững vàng để bảo vệ kết quả giám định trước tòa, nếu không sẽ đuối lý trước luật sư.

Những khó khăn, nhọc nhằn không bao giờ hết đối với những người làm nghề mổ… xác. Trung tá Hà Quốc Lệnh chia sẻ, khi tai nạn xảy ra, gia đình nào cũng yêu cầu cơ quan pháp luật làm rõ nguyên nhân chết của thân nhân họ, nhưng việc đồng ý cho mổ tử thi thì dứt khoát không; bởi quan niệm người đã chết rồi, mổ xẻ làm gì cho thêm đau lòng, nên có những phản ứng tiêu cực, nhiều khi ngăn cản bác sĩ pháp y thực hiện nhiệm vụ. Gặp trường hợp này, anh và đồng đội đều giải thích cho thân nhân người quá cố hiểu về mục đích pháp luật của việc mổ tử thi, làm cơ sở xét xử đúng người, đúng tội…

Trong quá trình làm nghề có đầy rẫy mua chuộc, bởi khi giám định một tử thi, luôn có hai thái cực: Bên bị hại luôn muốn là tăng thương, giả bệnh; còn bên bị can thì luôn muốn tỷ lệ giảm đi để giảm thiểu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, Trung tá Hà Quốc Lệnh luôn phải kiên định, tinh tường trước những cám dỗ. Anh bộc bạch: “Làm pháp y còn có nhiều thứ đáng phải quan tâm hơn là xác chết hay mùi thối nhiều lắm. Một trong những thứ đó, chính là trách nhiệm nặng nề và sự thương cảm cho những số phận người gặp nạn”. Câu chuyện về người mẹ vì thiếu suy nghĩ đã giết chết 2 đứa con, xảy ra ở Phường 4 – TP.Cà Mau cách đây vài năm, nhắc đến làm vị bác sĩ có “thần kinh thép” không khỏi chạnh lòng. Gia cảnh thiếu thốn, người mẹ về bên chồng mượn tiền, không ai giúp, bà về nhà nhốt 2 con (8 tuổi và 5 tuổi) trong phòng, không cho ăn uống; khi con đuối sức, bà lấy dao cắt mạch máu 2 con, rồi đâm vào ngực 2 con; con chết, bà đặt nằm cạnh nhau, rồi thắt cổ tự vẫn, nhưng được người nhà phát hiện kịp thời. Đến hiện trường, chứng kiến hình ảnh máu đầm đìa trên sàn, gương mặt thơ ngây của 2 đứa trẻ vô tội, thật chua xót.

Khi nói về nghề khám nghiệm tử thi, có lẽ ai cũng khiếp sợ và ngán ngẩm với công việc này, bởi đặc thù rùng rợn và sự kỳ thị. Có lẽ vì thế mà ngành Giám định pháp y đến nay vẫn là nghề ít được sinh viên chọn học. Thế nhưng, Trung tá Hà Quốc Lệnh đã có “truyền nhân” cho mình. Anh vui mừng kể, hiện có 2 đứa cháu gái, là con của bạn anh, đang học ngành Y, nguyện vọng học chuyên ngành Giám định pháp y, xin theo làm “đệ tử” của Trung tá Hà Quốc Lệnh, noi theo tấm gương thầm lặng cống hiến, bảo vệ công lý, góp phần vào sự bình yên của xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *