Người “mát tay” giúp dân thoát nghèo!

Một lần tác nghiệp tại Hội nghị Tuyên dương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức vào ngày 6/9 vừa qua, tôi nhận ra cô Nguyễn Hồng Hạnh – người đã nhiều lần giới thiệu với tôi những mô hình hay, cách làm hiệu quả của hội viên phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Lần này cô xuất hiện trong vai trò cá nhân được tuyên dương và trao đổi tọa đàm. Giữa hàng chục điển hình, cô nổi trội và gây chú ý với thành tích giúp đỡ 9 hộ dân thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá, giàu. Nhẹ nhàng và khiêm tốn, cô chia sẻ: “Mình không giàu hơn ai, nhưng giúp được ai thì cứ giúp bằng tấm lòng và khả năng của bản thân”.

Cô Nguyễn Hồng Hạnh (thứ 4 từ phải sang) được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên dương có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05.

Như người mẹ thứ hai

Giữa khuya, mưa giông vần vũ, ba đứa nhỏ loi ngoi vừa gõ cửa vừa la thất thanh: “Bà thím ơi, mẹ con treo cổ tự tử”. Cô Nguyễn Hồng Hạnh tung cửa, lội băng qua con kênh trước nhà, đến nơi kịp lúc chị Nguyễn Thị Hóa đưa cổ vào vòng dây treo lòng thòng trên cây đước. Được cô Hạnh khuyên ngăn, chị Hóa thức tỉnh, ôm chầm lấy các con khóc nghẹn. Cô Hạnh cũng không cầm được nước mắt.

Câu chuyện xảy ra cách nay ngót 20 năm, nhưng tình huống sống – chết chỉ trong gang tấc ấy khiến cô Hạnh khó thể quên. Sau này hễ thấy ai khốn khó là cô kịp thời giúp đỡ bằng hết khả năng và tấm lòng.

Nghe xong câu chuyện cũ đau lòng ấy, tôi theo cô Hạnh đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Hóa. Căn nhà tường mới toanh, chị Hóa đang lui cui quét dọn sân nhà, tỉa cây cảnh; chồng chị – anh Nguyễn Văn Nhanh đang cho rắn ri tượng ăn. Thấy cô Hạnh đến, anh chị ra chào đón, cúi đầu vâng dạ. Tôi ngồi trò chuyện, cô Hạnh đi giáp nhà xem cách bài trí, cách làm ăn, như thể người thân trong gia đình. Câu chuyện đời chị Hóa được kể trong nước mắt. Vợ chồng chị làm ăn xa xứ thất bại, về quê thuê mặt nước Đầm Thị Tường đặt lú, giăng lưới sống qua ngày. Chồng chị đâm ra rượu chè bê tha, bỏ mặc vợ con. Chị đi làm, mấy đứa nhỏ nheo nhóc trong căn chòi giữa đầm. Có hôm mưa giông, tụi nhỏ bè thau, can vào bờ, chị tưởng không còn đứa nào sống. Cảnh túng quẫn khiến chị Hóa muốn buông xuôi tất cả… Thấy cảnh khổ, cô Hạnh bàn với gia đình, cho vợ chồng chị Hóa mượn đất cất nhà. Từ nguồn cá tạp kiếm được hàng ngày, cô Hạnh hướng dẫn chị Hóa nuôi rắn ri tượng, nuôi cá sấu, ba ba… Rồi năm, bảy lượt khuyên bảo anh Nhanh bớt nhậu, gắng làm ăn lo cho vợ con. Anh Nhanh thấy cô Hạnh là người dưng mà lo cho gia đình mình như ruột thịt, nên quyết tâm cai rượu, gầy dựng lại cuộc sống. 

Cuộc sống gia đình chị Hóa dần ổn định, nhưng chưa có căn nhà riêng cho mình. Cô Hạnh lại tiếp tục lui tới vận động người thân của chị Hóa cho chị phần đất, để Nhà nước hỗ trợ cất Nhà 167. Năm 2018, căn nhà hỗ trợ năm nào được gia đình sửa sang lại khang trang, rộng rãi. Gọi cô Hạnh với cái tên thân thương “thím Út”, chị Hóa tâm tình: “Tôi không nghĩ mình có được ngày hôm nay. Nếu không có thím Út, tôi đã chết lâu rồi, chứ đâu được vậy. Tôi coi thím Út đây như mẹ thứ hai của mình”. Gia đình chị Hóa giờ là điển hình trong thực hiện các phong trào ở địa phương. Anh Nhanh nhiều năm nay làm tốt vai trò Tổ trưởng Tổ tự quản. Chị Hóa hàng năm đều phát quà, tặng gạo cho hộ nghèo. Các con chị Hóa giờ đã lập gia đình, có cuộc sống tốt đẹp, mỗi lần về thăm nhà đều đến thăm người bà thím nghĩa tình.

Hướng mắt về phía đầm, cô Hạnh vừa cười vừa nói: “Cái số mình sao mà toàn gặp những hoàn cảnh khổ sở, thấy họ cùng đường mình không thể làm ngơ”.

Bị chồng phụ bạc, chị Nguyễn Thị Bé một mình làm thuê nuôi 4 đứa con, đứa nhỏ nhất chỉ mới lên 3, lại thêm bị người thân hắt hủi, mẹ con chị rơi vào bế tắc. Thấy cảnh tụi nhỏ nheo nhóc, đói khổ, cô Hạnh cưu mang về ở trên đất nhà mình, cho chị Bé mượn vốn trang trải khó khăn, đồng thời tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho chị vay vốn mở rộng chăn nuôi heo và buôn bán nhỏ thoát nghèo. Con gái lớn của chị Bé được cô Hạnh bảo ban đi học nghề may, rồi xin được việc làm ổn định. Chị Bé vui mừng: “Mới đây, tụi nhỏ gửi tiền về, tui sang được cái nền nhà giá rẻ, do chị Út (cô Nguyễn Hồng Hạnh – nv) nhượng lại phần đất của gia đình mình. Ước mơ thoát khỏi nghèo khó đã thành hiện thực. Tôi thật không có lời lẽ nào để diễn tả hết ơn nghĩa của chị Út”. 

Hơn chục năm qua, cô Hạnh đã giúp 9 hộ thoát nghèo, trong đó cho 5 hộ mượn đất cất nhà ở xung quanh mình, những hộ khác thì cô Hạnh động viên, hướng dẫn cách thức làm ăn, vận động nhà hảo tâm cất nhà, giúp vốn phát triển kinh tế.

Cô Nguyễn Hồng Hạnh thăm hỏi đời sống kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Hóa (thứ 2 từ phải sang).

Giỏi việc Hội, đảm việc nhà…

Theo chồng về xứ Đầm những năm 1980, ra riêng với 10 công đất, gia cảnh cô Hạnh cũng không mấy khá giả, vừa làm nông, chăn nuôi, vừa giăng bắt cá, tôm dưới đầm tăng thu nhập. Nhờ chí thú làm ăn, biết tính toán, vợ chồng cô Hạnh lo hai người con học hành thành đạt, có việc làm ổn định. Cô Nguyễn Hồng Hạnh là cháu ngoại của Nghệ nhân dân gian Ba Phi, có lẽ cô được thừa hưởng tố chất hiền hòa, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác từ ông.

Gần 30 năm làm nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, cô đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Ấp Chà Là là nơi đầu tiên có ca đình sản nữ của huyện Cái Nước ngày trước, ấp đầu tiên có 100% phụ nữ tham gia hội viên từ năm 2002 và từ thời gian này, ấp không có hội viên sinh con thứ 3. Thành tích đó chắc hẳn không tự nhiên có được. Cô Hạnh phải lặn lội đến từng nhà, vận động từng người. Thời ấy còn bị chửi bới, mắng nhiếc đủ điều, nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn này quyết không bỏ cuộc. Mọi người đặt lòng tin ở cô cũng vì lẽ đó.

“Năm 2005, ấp có hơn 50 hộ nghèo, nay chỉ còn 4 hộ nghèo. Những hộ cô Hạnh giúp thoát nghèo đều không đất đai, không nghề nghiệp lại đông con, vậy mà cô Hạnh có cách làm sáng tạo riêng. Tôi nghĩ khó có ai làm được như thế      .”

Chị Nguyễn Thị Thắm, Bí thư Chi bộ ấp Chà Là.

Trong các buổi sinh hoạt, cô Hạnh luôn nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ ngày nay, phải tích cực làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; sẵn sàng chia sẻ khó khăn, sống có nghĩa có tình với xóm giềng. Ấp Chà Là có gần 200 hội viên phụ nữ, được chia làm 7 tổ, mỗi tổ đều hình thành một mô hình hiệu quả: Vần công làm đất trồng màu, góp ngày công giúp hội viên khó khăn cất nhà ở; hùn vốn mua Bảo hiểm y tế; góp vốn xây nhà vệ sinh tự hoại, mua vật dụng gia đình… Đặc biệt việc hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đã tạo được ý thức, thực hành thói quen tiết kiệm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hội viên, phụ nữ ấp, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

Nhờ nhiều năm nay tham gia hùn vốn tiết kiệm mà gia đình chị Hồ Thị Quyên sắm sửa được vật dụng trong gia đình. Chị Quyên bộc bạch: “Bộ bàn ghế gần chục triệu đồng, cái tủ lạnh hơn 5 triệu đồng này cũng từ tiết kiệm hùn vốn mà có được. Mỗi tháng dành dụm từ 200 – 500 ngàn đồng, chị em trong tổ hùn lại, ai cần mua gì cấp thiết thì giải quyết trước, rồi lần lượt tới chị khác”. Nhờ vậy mà nay đi từ đầu đến cuối xóm, nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi, nâng cao mức sống. Gánh đàn ông thấy vợ giỏi giang, làm nhiều việc ích lợi, cũng đốc thúc các chị tham gia nhiều phong trào ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thắm, Bí thư Chi bộ ấp, nhận xét: “Tiền trợ cấp không đáng là bao nhưng cô Hạnh luôn xông xáo mọi việc. Chi bộ không ngần ngại giao nhiệm vụ cho cô Hạnh, bởi khi cô lên tiếng, y như rằng bà con tin tưởng làm theo. Điều đó đã góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo và vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới”.

Có lẽ cái vui lớn nhất của người làm công tác vận động quần chúng có tâm, giàu lòng nhân ái như cô Hạnh, không gì khác là thấy bà con có ý thức vượt qua đói nghèo, chí thú làm ăn, nên dù có mất công tốn sức, cô Hạnh cũng quyết lòng giúp họ vươn lên.

Tôi tạm biệt cô Hạnh, vừa lúc học sinh của Trường Tiểu học 2 Phú Thuận tan về. Hỏi về cô Hạnh, mấy anh chị phụ huynh chờ rước con, liền chỉ tay về phía nhà cô cho biết đất của ngôi trường này do gia đình cô Hạnh hiến từ năm 2001, nghe đâu tới 3.000m2. Tôi thầm nghĩ, giữa cuộc sống bộn bề, cho đi điều tốt đẹp sẽ nhân lên bao điều tốt đẹp khác – và biết bao học sinh ở Đầm Thị Tường đã thành danh, nên người tử tế từ nền tảng ngôi trường này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *