Người nuôi cá sấu “khóc” vì đầu ra

Cá đúng lứa bán, nhưng các hộ nuôi phải chờ vì thương lái từ chối thu mua.

CÁ SẤU… HẾT THỜI

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi cá sấu để phát triển kinh tế được nhiều người chọn, từ vài hộ ban đầu đến nay có trên vài ngàn hộ nuôi. Thới Bình được xem là địa phương tiên phong phát triển nghề nuôi cá sấu, đã có nhiều hộ giàu lên từ mô hình này. Nhưng, thời điểm hiện nay giá cá sấu giảm “không phanh” khiến cho nhiều hộ nuôi đứng trước nguy cơ bị thua lỗ nặng.

Gia đình ông Từ Văn An (Ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) có hầm cá hơn 20 con, tới ngày xuất chuồng nhưng thương lái từ chối thu mua. Ông An buồn rầu: “Hơn năm trước, thấy người ta nuôi cá sấu có giá, tôi cũng bắt chước nuôi, nhưng nay tới thu hoạch thì giá cá lại sụt giảm, bán thì lỗ mà không bán cũng lỗ”.

Ông Nguyễn Văn Sáng (Ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) “tập tành” nuôi cá sấu cách đây 7 năm và là người đầu tiên trong xã thành công với mô hình này. Những năm đó, cá sấu được giá, giúp ông có tiền đóng được ghe lớn đi câu mực, xây được nhà ở khang trang. Nhiều hộ thấy ông Sáng làm ăn hiệu quả, đến học cách nuôi và nuôi theo. Giờ số hộ nuôi cá sấu trên địa bàn lên đến vài trăm. Với hơn 50 con cá sấu đã quá lứa để xuất chuồng, anh Đỗ Quốc Kháng, Ấp 5, than: “Bây giờ mà có bán được cá thì cũng cầm chắc lỗ, vì giá cá giống mua lúc trước là 550 ngàn đồng/con, thêm tiền đầu tư thức ăn hơn một năm nay, nhưng giờ cá loại khoảng 15kg bán chỉ hơn một triệu đồng, hỏi sao không lỗ”.

Nhiều hộ nuôi cho biết, với giá thức ăn dao động từ 10 – 12 ngàn đồng/kg thì giá cá sấu thương phẩm phải từ 100 – 150 ngàn đồng/kg, người nuôi mới có lời. Cùng thời điểm này năm trước, giá cá khoảng 250 ngàn đồng/kg nhưng giờ chỉ còn 70 ngàn đồng/kg. Có những nơi giá chỉ 60 ngàn đồng/kg và hiện nay thương lái không mua. Nếu tình trạng này kéo dài, hộ nào có vốn đầu tư thức ăn thì còn cầm cự được, hộ nào không vốn thì phải bán tháo với hy vọng gỡ gạc.

Đa phần các hộ nuôi đều không đăng ký với kiểm lâm, không được cấp giấy phép cho nuôi.

CHƯA RÚT KINH NGHIỆM TỪ BÀI HỌC ĐẦU RA

Xã Tân Phú được xem là địa phương khởi điểm mô hình nuôi cá sấu ở huyện Thới Bình, hiện có hàng trăm hộ nuôi. Điều đáng mừng đã qua là người dân ý thức phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Thế nhưng, cũng như việc nuôi cá bống tượng hay trồng thanh long, đa phần các hộ dân tự phát, chưa có sự liên kết nên thường xảy ra tình trạng được mùa, mất giá. Còn nhớ năm 2014, nhiều hộ nuôi cá bống tượng lao đao vì giá cá giảm mạnh, có người bỏ luôn nghề nuôi cá vì thua lỗ; hay vào khoảng giữa năm trước đó là tình trạng thương lái ép giá trong thu mua thanh long ruột đỏ… Cái khó của bài toán đầu ra nay lại vận vào con cá sấu.

Là hộ đầu tiên khởi xướng mô hình nuôi cá sấu và là người thành công với mô hình lai cá sấu giống thế hệ F2, anh Bùi Văn Út ở Kênh 5, giờ cũng ngao ngán: “Giá cá thương phẩm hiện nay sụt giảm mạnh. Cá giống cũng bị dồn ứ vì người dân sợ, không dám đầu tư cho mô hình này nữa”. Theo anh Út, giá cả giảm như hiện nay là do bà con chưa thành lập được tổ hợp tác, còn tình trạng “mua đứt, bán đoạn” theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc nên bị thương lái ép giá là điều dễ hiểu.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nghề nuôi cá sấu đã qua là tự phát, nhiều người đua nhau làm chuồng trại để nuôi cá sấu khi giá cá tăng, dẫn đến hiện tượng cung tăng vọt, trong khi đầu ra phụ thuộc vào thương lái.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *