Người “thổi lửa” cho phong trào đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế

Trước khi bắt tay vào kinh doanh sò huyết, anh Hướng đã khởi nghiệp từ việc nuôi sò và đã thành công.

Lập nghiệp khi mới vừa tròn 20 tuổi, khi ấy, anh Hướng cùng gia đình tập trung nuôi tôm, cua, nhưng thu nhập không đáng là bao, do chỉ phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ để tạo việc làm và có thêm nguồn thu nhập phục vụ chi tiêu, đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Nhờ năng động, tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Đoàn Thanh niên, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ việc tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, sản xuất ở xã phù hợp với điều kiện của địa phương, đã tạo động lực và quyết tâm cao giúp anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn. Được gia đình ủng hộ, năm 2010, anh Hướng quyết định huy động mọi nguồn lực chuyển đổi mô hình sang hướng nuôi tôm, cua kết hợp nuôi sò huyết. Anh đã xây dựng mô hình nuôi sò huyếtvới diện tích 10.000m2. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, anh Hướng bước đầu có thu nhập từ mô hình. Sau gần 10 năm, đến nay diện tích nuôi đã tăng lên 20.000m2, mô hình của anh Hướng đã trở thành mô hình điểm của thanh niên trong xã. Với mức thu nhập mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng, mô hình chăn nuôi sò của anh đã đem lại nguồn thu khá và vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương mình.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, hơn 3 năm trước, nhận thấy địa phương còn nhiều đoàn viên thanh niên cũng có khát vọng làm giàu ngay chính nơi “chôn nhau cắt rốn” như mình ngày trước, anh Hướng đã mạnh dạn bàn bạc với Ban Chấp hành Đoàn xã Trần Thới và đứng ra thành lập Câu lạc bộ nuôi sò huyết với 10 thành viên và anh đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Hiện nay, Câu lạc bộ nuôi sò huyết ấp Đông Mỹ đã giúp cho các thành viên vươn lên làm giàu, có thu nhập ổn định, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn, giảm được tình trạng thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa. “Tôi và các thành viên trong Câu lạc bộ luôn quan tâm, giúp đỡ, động viên nhau về cách thức làm ăn, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi sò, nơi thu mua sò giống… vì thế mà đời sống anh em nơi đây ngày càng khấm khá”, anh Hướng bộc bạch. Mô hình nuôi sò của đoàn viên trong ấp Đông Mỹ là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế điển hình của thanh niên xã, được nhiều người đến tham quan và học hỏi.

Các cấp Hội Liên hiệp Thanh niên trong tỉnh tham quan tìm hiểu mô hình nuôi và kinh doanh sò huyết của anh Lê Văn Hướng.

Không bằng lòng với hiện tại, với sự năng động, nhạy bén, quyết đoán và quyết tâm cao, nhận thấy lượng sò thịt sau khi bà con trong ấp thu hoạch là khá lớn, anh Hướng đã đứng ra thu mua và bán lại cho các thương lái trong tỉnh. Với đức tính thật thà, tốt bụng lại vui vẻ, chịu thương chịu khó nên được bà con thương, có bao nhiêu sò đều để dành bán cho anh hết. “Mua bán kinh doanh tôi lấy chữ tín làm đầu, thuận mua vừa bán nên 8 năm qua được bà con thương, việc kinh doanh sò huyết rất hiệu quả, mỗi tháng tôi bán được từ 4 – 4,5 tấn”, anh chia sẻ.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bản thân là Bí thư Chi đoàn kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp, anh Hướng còn là người đầu tàu tuyên truyền, vận động bà con và bản thân luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào thanh niên chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình. Anh Hướng cho biết thêm: “Để có được mô hình nuôi sò và kinh doanh sò huyết như hôm nay cũng xuất phát từ việc anh tích cực tham gia các hoạt động đoàn, được tuyên truyền, vận động của tổ chức Đoàn Thanh niên xã, nhất là sự lan tỏa của phong trào “5 xung kích” phát triển kinh tế, đã giúp anh có hướng đi đúng và học được cách vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế cho gia đình”.

Với việc kinh doanh sò huyết bán cho các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, đã giúp anh Lê Văn Hướng có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương sáng đoàn viên thanh niên tại địa phương.

Nuôi sò huyết và kinh doanh sò thịt của anh Lê Văn Hướng là một trong những mô hình hiệu quả tiêu biểu trên địa bàn xã. Mô hình này đã tạo động lực cho thanh niên địa phương trong việc tìm tòi, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Anh Đặng Văn Trạng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trần Thới, nhận xét: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hướng còn là người “thổi lửa” cho phong trào đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Trong các cuộc họp, gặp gỡ với thanh niên địa phương, Đoàn Thanh niên xã cũng hướng dẫn anh em đến tham quan học hỏi mô hình của anh Hướng, từ đó có hướng nhân rộng ra trên địa bàn. Từ mô hình này mà nhiều thanh niên trong xã có thêm niềm tin, động lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại quê nhà”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *