Người trồng chuối kêu cứu!

Có nhiều hộ đào ao nuôi cá rồi lấy chuối cho cá ăn.

Để chương trình mục tiêu sớm về đích, ngoài nỗ lực chỉ đạo sát sao của ngành chức năng, chính quyền địa phương thì sự chung sức, đồng lòng, đóng góp của người dân là yếu tố quyết định. Dân giàu thì nước mới mạnh, hiện nay, người dân đang gặp khó khăn vì vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” luôn đeo bám. Những hộ dân dưới tán rừng tràm, vừa mới vươn lên giờ phải “ngụp lặn” trong bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cà Mau là tỉnh có diện tích canh tác cây chuối lớn thứ 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với trên 5.500ha. Cây chuối được trồng nhiều ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời. Những năm gần đây, cây chuối là nguồn thu chính của người dân trên địa bàn tỉnh. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020: Phát triển ngành hàng keo lai; tái cơ cấu ngành hàng lúa chất lượng cao; tái cơ cấu ngành hàng chuối chất lượng cao; phát triển ngành hàng tôm sinh thái; tái cơ cấu ngành hàng cá bổi U Minh và tái cơ cấu ngành hàng cua biển.

Vì giá chuối quá rẻ, nhiều hộ “hy sinh” buồng chuối để lấy bắp to, tròn đem bán.

Từ khi có đề án tái cơ cấu, người dân vô cùng phấn khởi, nhất là những hộ dân sinh sống ở vùng ngọt hóa, vùng đất lâm phần. Bà con đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chuối, vì chuối cho năng suất cao. Đây được xem là một hình thức lấy ngắn nuôi dài hiệu quả, giúp cho người dân dưới tán rừng có cuộc sống ổn định.

Bà Hồ Thị Bồi ở Ấp 14, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), cho biết: “Gia đình tôi trước đây trồng lúa dưới tán rừng, nhưng do có đề án tái cơ cấu, giá chuối lại cao, tính ra 1kg chuối bằng 1kg lúa, trồng chuối nhẹ công chăm sóc hơn, nên gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng chuối, giờ chuối lại bị rớt giá, không biết phải làm sao”.

Hộ bà Bồi có tổng diện tích trên 7ha, bà dành 4ha trồng tràm, phần còn lại trồng lúa nhưng khi giá chuối lên cao, bà lên liếp hết diện tích đất để trồng chuối. Bà Bồi nhớ lại: “Khoảng năm 2015, giá chuối từ 5.000 – 5.200 đồng/kg. Bình quân nửa tháng tôi thu hoạch 1 lần, thu về trên 4 triệu đồng”.

Thế nhưng giá chuối lên xuống thường xuyên, từ cuối năm 2017 đến nay, giá chuối chỉ còn ở ngưỡng từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Bà con vẫn bóp bụng bán, nhưng thời điểm hiện tại, giá chuối chỉ còn 1.000 đồng/kg. Nếu giá chuối chỉ giữ ở mức này thì người dân không thể cầm cự được mà phải trồng giống cây khác.

Theo ông Hồng, diện tích chuối trên địa bàn Ấp 14, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), đang dần bị thu hẹp. Điển hình năm 2018 giảm 30ha so với năm 2017, do giá chuối ngày càng giảm, nông dân không còn trụ nổi.

Ông Trần Việt Hồng, Bí thư Chi bộ Ấp 14: “Nếu từ nay cho tới mưa xuống mà chuối không lên giá thì nhà tôi phá bỏ, trồng giống cây khác. Chứ giờ 1 tấn chuối chỉ có 1 triệu đồng thì người dân không thể sống được”.

Hộ ông Hồng chỉ trồng hơn 3ha chuối thường, còn hộ bà Bồi trồng chuối xiêm cấy mô cho trái chắc, tròn. Đây là mô hình thử nghiệm do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh hỗ trợ 1.500 gốc và 300kg phân trồng thử nghiệm. Đến nay, bà đã nhân rộng toàn diện tích đất. Bà Bồi trần tình: “Nếu trồng chuối cấy mô thì phải có giá từ 4.000 –  5.000 đồng/kg bà con mới có lời, vì không phải trồng xong để chuối tự lớn, mà phải bón phân, dọn ủ, chăm sóc thì chuối mới cho trái khỏe”.

Toàn Ấp 14 có trên 50ha trồng chuối, bình quân mỗi đợt người dân thu hoạch hơn 350kg/ha. Mỗi tháng thu hoạch 2 lần. Nhưng với giá chuối hiện tại, bà con không còn thiết tha thu hoạch. Có những hộ đã phá bỏ chuối và đang trồng tràm.

Ông Nguyễn Hồng Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích: “Mấy năm gần đây người dân dưới tán rừng phát triển là nhờ vào cây chuối, giờ chuối xuống giá, địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên, nhưng cũng chưa có hướng giải quyết”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *