Nguồn cổ vũ lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từ mùa hè năm 1953, được sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp ráo riết triển khai thực hiện kế hoạch Na-va ở Đông Dương với quy mô lớn nhất, cường độ cao nhất so với các kế hoạch chiến lược trước đó nhằm mưu đồ cứu vãn sự sa lầy nghiêm trọng, giành cho được thắng lợi quyết định về quân sự, đánh bại quân chủ lực Việt Minh, đi đến một giải pháp chính trị có lợi cho chúng.

Nhưng điều này không qua được tầm nhìn sáng suốt, nhạy bén của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân ta, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, đã đồng loạt tiến công địch trên nhiều hướng, nhất là ở chiến trường Tây Bắc, làm cho kế hoạch Na-va ngay từ đầu đã bị đảo lộn. Quân Pháp buộc phải biến Điện Biên Phủ trở thành tâm điểm của kế hoạch Na-va. Với sự tập trung ưu tiên cao độ của Pháp và cả can thiệp của Mỹ mà Điện Biên Phủ với 16.000 quân (chiếm 1/3 lực lượng cơ động của Pháp ở chiến trường Bắc Bộ), vũ khí, trang bị hiện đại, được bố trí ở 49 cứ điểm, thực sự trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng ở Đông Dương lúc bấy giờ. Theo đánh giá của Pháp, Mỹ thời bấy giờ thì Điện Biên Phủ là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, là “cái bẫy hiểm độc” thực  hiện tham vọng “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh.

Thế nhưng, sau nhiều tháng nỗ lực chuẩn bị và 55 ngày đêm công phá với tinh thần kiên cường, dũng cảm, sáng tạo vô song của quân và dân ta, ngày 7/5/1954, cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – nơi thực dân Pháp dựa vào như “con đê xung yếu” cuối cùng của chúng ở Đông Dương, đã bị sụp đổ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của thế lực thực dân hiếu chiến Pháp, tạo nên bước ngoặt căn bản của cuộc chiến tranh cả về quân sự và chính trị. Trên bàn đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, không có con đường nào khác hơn, chính phủ Pháp buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và rút toàn bộ quân khỏi Đông Dương.

Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đưa lại sự kết thúc hết sức vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, mở đường đi tới thắng lợi thần kỳ Đại thắng mùa xuân năm 1975 và những thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tại hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Giá trị lịch sử và hiện thực” do Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức mới đây, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh: Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”; là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do.

Đó là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; của liên minh đoàn kết chiến đấu thủy chung Việt Nam – Lào – Campuchia.

65 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *