Nguồn vốn tín dụng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Đội ngũ giao dịch viên Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xuống địa bàn Phường 6 (TP. Cà Mau) tư vấn, giải ngân vốn.

Nguồn lực quan trọng

Mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 là 43 xã, phấn đấu đến năm 2020, có từ 50% trở lên số xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, điểm xuất phát của tỉnh khá thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí. Với cách làm năng động, sáng tạo, vận dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng; cộng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Cà Mau.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, đảm bảo 100% vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể chính trị – xã hội nhận ủy thác vốn từ các cấp. Đặc biệt, liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt Quyết định 33, Quyết định 67 cho vay xây dựng và sửa chữa nhà ở dành cho đối tượng hộ nghèo (gắn với tiêu chí 19 – nhà ở dân cư); cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh (tiêu chí 10, 11 về thu nhập và hộ nghèo); chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường… Nhìn chung, tất cả các chương trình đều phát huy tốt, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần chung tay cùng tỉnh xây dựng NTM”.

Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn, cũng như việc đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nói riêng, cũng như các hệ thống ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với một số tổ chức chính trị – xã hội khác: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Thanh niên… để đưa vốn đến người dân, giúp hàng ngàn hộ dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn các xã trong tỉnh nói chung, cũng như 43 xã NTM giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả đáng khích lệ. Tính đến ngày 31/5/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 5.274 lượt hộ vay, với tổng dư nợ 1.033 tỷ 280 triệu đồng. Với trợ lực từ các nguồn vốn vay, từng bước giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, góp sức cùng địa phương xây dựng NTM.

Đầu tư vốn thực hiện mô hình trồng hoa màu, giúp Bà Lưu Thị Đẹp (ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống người dân

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh không chỉ thực hiện tốt trọng trách Đảng, Chính phủ giao phó, cho vay đúng, cho vay đủ, mà còn sát cánh cùng các địa phương chủ động, kịp thời đưa nguồn vốn đến tay người dân, tạo sinh kế bền vững, giải bài toán thoát nghèo cho người dân.

Trong 5 năm (giai đoạn 2015 – 2020), tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.785 tỷ đồng, với hơn 151.515 lượt hộ được vay vốn. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được ưu tiên bố trí cho các địa bàn đang trong quá trình xây dựng NTM, góp phần đáng kể trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, với 41.927 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn, thu hút, tạo việc làm cho trên 10.923 lao động. Dư nợ bình quân/xã đạt 25,8 tỷ đồng, tăng 8,4 tỷ đồng so với năm 2015. Nhờ đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 7,96% năm 2016 xuống còn 2,52% năm 2019; đồng thời hộ mới thoát nghèo dần có cuộc sống ổn định, bền vững.

Bà Lưu Thị Đẹp, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, cố gắng tăng gia sản xuất, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, tôi được xét vay 20 triệu đồng dành cho đối tượng mới thoát nghèo, tôi đầu tư cải tạo, trồng hoa màu, cải tạo 0,4ha vuông tôm, cuộc sống dần ổn định, tôi có tiền sửa chữa nhà ở, đồng thời trả tiết kiệm hàng tháng trong vòng 5 năm. Số tiền ấy rất cần đối với chúng tôi, nhờ sử dụng vốn có hiệu quả đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, duy trì thoát nghèo bền vững”.

Ông Nguyễn Như Vàng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi: “Từ năm 2015 đến nay, cơ bản các tiêu chí của xã đều được duy trì, giữ vững, nâng chất theo chuẩn mới. Cùng với nguồn vốn ngân sách, hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đồng/người/năm (năm 2010 tiêu chí này chỉ đạt 13 triệu/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể, cuối năm 2019, Tân Dân còn 17 hộ, chiếm 1,1% số hộ nghèo của toàn xã (năm 2010 tiêu chí này ở mức 4,2%)”.

Bên cạnh đó, qua 15 năm thực hiện Chương trình tín dụng Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho trên 96.590 lượt hộ vay vốn với doanh số cho vay 897.567 triệu đồng, doanh số thu nợ 324.013 triệu đồng. Số công trình được xây dựng là 553.277 công trình. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tăng tỷ lệ hộ có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại nông thôn hàng năm tăng từ 3 – 5%. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%, trong đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng từ công trình cấp nước tập trung là 18%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước riêng lẻ hộ gia đình là 74%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là 61,2% và tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 68,50%.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết thêm: “Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; phối hợp với các ngành có liên quan, tích cực tham gia một số giải pháp trong nội dung xây dựng NTM, đặc biệt là nội dung “Giảm nghèo và an sinh xã hội”, nhằm tạo được cơ sở, bước đi vững chắc trong việc triển khai xây dựng NTM trong từng giai đoạn, phù hợp với từng địa phương trong tỉnh. Từ đó, giúp vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, buôn bán nhỏ; hỗ trợ việc làm, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM ở các địa phương trong tỉnh những năm tiếp theo”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *