Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và câu chuyện đưa Việt Nam tiến ra “biển lớn”

Thủ tướng Singapore Go Chok Tong và Tổng Bí thư Đỗ Mười duyệt đội danh dự Quân đội Singapore tại lễ đón, trong chuyến thăm chính thức Singapore, tháng 10/1993.

Những quyết định lịch sử

Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười – Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” của NXB Chính trị quốc gia – Sự thật (năm 2012) viết: “Cuối năm 1991, đầu năm 1992, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm các nước ASEAN, nhằm cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Trong lần đi thăm các nước ASEAN ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định chắc chắn: “Lúc này ta gia nhập ASEAN là chính đáng. Gia nhập ASEAN sẽ làm tăng thêm sức mạnh của ta, tăng thêm vị thế của ta”.

Và cũng trong cuốn sách trên, ông Nguyễn Mạnh Cầm đã ngợi ca tinh thần làm việc của Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng như khi làm Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm đến công tác ngoại giao, vì đây là một trong ba lĩnh vực đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Đồng chí rất chú ý những hội nghị quốc tế khi ta tham dự: Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị Phong trào không liên kết, các hội nghị ASEAN, nên mỗi lần tôi đi họp về, đồng chí thường chủ động yêu cầu tôi báo cáo diễn biến, kết quả hội nghị và trao đổi ý kiến với tôi về những vấn đề cần báo cáo Bộ Chính trị”.

Câu chuyện thứ hai được ông Nguyễn Mạnh Cầm kể lại trong sách là lần đi thăm Hàn Quốc.
Sau khi đón tiếp trọng thị theo nghi thức cao nhất của Hàn Quốc dành cho nguyên thủ quốc gia, Tổng Bí thư Đỗ Mười ngồi vào bàn hội đàm cùng các quan chức cấp cao Hàn Quốc. Trong suốt thời gian làm việc, ông không đề cập đến quá khứ chiến tranh Việt Nam có sự tham gia của quân đội Hàn Quốc, song điều đó lại làm cho Tổng thống Hàn Quốc khâm phục và bày tỏ sự hối hận. Sau hội đàm, trong một cuộc gặp riêng với Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng thống Hàn Quốc nói chân thành nêu: “Tôi rất cảm phục sự tế nhị của người Việt Nam. Có một việc do lịch sử để lại tuy trong hội đàm ngài Tổng Bí thư không đề cập đến vì tế nhị, nhưng chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng. Đó là việc quân đội Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam và đã gây nhiều thiệt hại cả về người và của cho nhân dân Việt Nam. Đó là món nợ mà chúng tôi phải trả. Tôi hứa với ngài Tổng Bí thư sẽ yêu cầu các Bộ, ngành, các tập đoàn và công ty Hàn Quốc hợp tác tốt với Việt Nam để trả món nợ này. Mong ngài Tổng Bí thư thông cảm”.

Ngay sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập đại diện các Bộ, ngành, tập đoàn, công ty của Hàn Quốc giao trách nhiệm, xúc tiến việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc chuyển lập trường từ “thù cũ”, sang “bạn mới”. Đó là ngày 22/12/1992, ngày hai dân tộc, hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện ấy đã được người dân Việt Nam đồng lòng ủng hộ, Bộ Chính trị Việt Nam khâm phục tài năng, thế giới kính nể Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Việt Nam – Hàn Quốc mở rộng tương lai

Sau 26 năm kể từ ngày Việt Nam – Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước, hai dân tộc ngày càng khăng khít và phát triển trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, vì lợi ích chung và riêng của hai nước.

Hiện tại, có khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc; ngược lại, khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sống tại Việt Nam. Đây chính là cầu nối đưa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc từ láng giềng trở thành quan hệ họ hàng, anh em gần gũi hơn bao giờ hết.

Ở lĩnh vực du lịch, năm 2017, Việt Nam là điểm du lịch nổi tiếng nhất với người Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi năm, Việt nam đón 2,4 triệu người Hàn Quốc đến tham quan và nghỉ dưỡng tại các vùng miền trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Trong tương lai, xu thế này sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ hơn nữa. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc trong những năm qua không ngừng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Những kết quả như vậy chỉ ra rằng Việt Nam – Hàn Quốc đến nay đã trở thành đối tác không thể thiếu của nhau.

Đỗ Mười trong lòng quốc tế

Ngay sau khi biết tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần do tuổi cao, bệnh nặng, nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi điện chia buồn với Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Đại sứ quán Mỹ – ông Daniel Kritenbrink nhấn mạnh trong thông cáo: “Trong nhiệm kỳ của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, Việt Nam và Mỹ đã có thể cởi mở đề cập đến lịch sử chung, thúc đẩy tiến trình hòa giải và thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Đỗ Mười đã lãnh đạo Đảng trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế và quá trình này đã góp phần tạo nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định và đổi mới, từ đó đưa Việt Nam và người dân thoát khỏi đói nghèo và mang lại những cơ hội kinh tế mà ngày nay họ tiếp tục thụ hưởng. Trong nhiệm kỳ của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ song phương chính thức vào năm 1995. Từ di sản này, Chính phủ và nhân dân hai nước đã phát triển mối quan hệ đối tác và hữu nghị sâu sắc mà hai quốc gia đang có. Chúng tôi xin gửi sự cảm thông tới gia đình và người thân của ông Đỗ Mười, cũng như tới nhân dân Việt Nam”.

Trong khi đó, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 2/10 gửi Điện chia buồn. Trong thư, ông Tập Cận Bình thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc bày tỏ: “Đồng chí Đỗ Mười là bậc tiền bối lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là một người đồng chí và người bạn thân thiết của Đảng và nhân dân Trung Quốc, đã cống hiến sức lực cả đời cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đã góp phần quan trọng cho phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc – Việt Nam. Trung quốc bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Đỗ Mười, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình đồng chí Đỗ Mười”.

Là nước láng giềng bầu bạn “địa danh liền dải đất, biên giới giáp biên giới”, “chia lửa” trong chiến tranh, sẻ bùi trong hòa bình. Nhận được tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia đã gửi điện tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia buồn. Bức điện viết: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia xin gửi tới Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam anh em và gia quyến Ngài Đỗ Mười lời chia buồn sâu sắc nhất và xin cầu nguyện cho vong linh của Ngài Đỗ Mười được yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng”….

Tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào lòng đất mẹ, triệu triệu người dân Việt Nam rơi nước mắt. Sự ra đi của ông là quy luật “sinh tử” của đời người, song hơn 90 triệu người dân Việt Nam vẫn thấy thương đau. Thế hệ tiền bối người Việt mãi biết ơn ông; lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam học tập tài trí của ông trong con đường ngoại giao; bầu bạn thế giới ngưỡng mộ ông về tinh thần quốc tế cao cả, sáng trong, giàu lòng nhân loại. Ông sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *