Nhà “sáng chế” nông dân Bài 2: Người làm nên “thương hiệu” tôm Sông Đầm

Máy chà bông do anh Sang sáng chế đang được điều chỉnh, nâng cấp để mỗi lần xay được nhiều hơn, đảm bảo số lượng cung cấp cho khách hàng.

Sáng chế máy chà bông và tôm chà bông

Như nhiều nông dân khác ở Đầm Dơi, nhà anh Lê Minh Sang cũng làm vuông. Năm nọ, trúng mùa tôm đất, vợ chồng anh làm ít tôm khô biếu bạn bè ở TP.Cà Mau ăn tết. Ai nấy tấm tắc khen ngon, nói sao anh không thử làm bán, tôm khô ngon vậy trên thị trường giá tầm hơn 1 triệu đồng/kg. Gợi ý ấy chợt lóe sáng trong đầu người nông dân ham… làm giàu này. Anh bắt đầu hành trình học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở làm tôm khô lâu năm ở huyện Ngọc Hiển và các tỉnh ngoài.

Anh Sang bộc bạch: “Học hỏi những cái tinh túy nhất, nhưng khi bắt tay vào làm thì không dễ dàng chút nào. Nhiều lần thất bại và hao tiền tốn của, gia đình khuyên bỏ cuộc nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho đến khi thành công”. Kiên trì ấy đã mang đến “quả ngọt”, khi nhiều lần (năm 2014, năm 2017) tôm khô của anh Lê Minh Sang được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2018, tiếp tục là sản phẩm tôm khô chà bông được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Nói về sản phẩm tôm khô chà bông, anh Sang chia sẻ, những lần đi gặp khách hàng, anh thấy bày bán các mặt hàng chà bông, anh thắc mắc tại sao thịt heo, thịt gà, cá lóc… có thể làm chà bông mà tôm lại không? Thế là anh tiếp tục cho ra đời mặt hàng mới. Từ tôm khô thành phẩm, anh làm thử một ít tôm chà bông, mang đi chào hàng. Chất lượng thì ngon nhưng sợi còn to, người già, trẻ em chưa ăn được. Từ đó anh mày mò, chế ra chiếc máy làm chà bông tôm từ chiếc máy xay thịt.

Anh Sang cho biết các sản phẩm của mình có giá bán cao hơn so với thị trường, bởi được làm hoàn toàn bằng tôm đất tươi sống.

Theo anh Sang, chiếc máy này được thiết kế khá đơn giản, gồm một thùng dạng tròn chất liệu inox, dưới đáy thùng gắn một lưỡi dao dùng để xay tôm khô. Chiếc thùng này được thiết kế gắn với một mô tơ điện, khi bật điện thì máy hoạt động và tôm khô bên trong được xay ra.

Anh Sang phấn khởi vì một công ty ở TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị đặt sản phẩm tôm chà bông khoảng 400kg hàng tháng. Vì thế, anh Sang đang điều chỉnh, nâng cấp máy để mỗi lần xay được 1kg, mới đảm bảo số lượng lớn cung cấp cho khách hàng. Hiện thùng chứa sản phẩm nhỏ, mỗi lượt chỉ xay được 300g tôm.

Do được làm bằng tôm đất tươi sống tự nhiên, đặc biệt không dùng chất bảo quản hay phẩm màu nên sản phẩm tôm khô và tôm chà bông của cơ sở anh Sang giữ được vị ngọt, thơm và an toàn cho sức khỏe. Không chỉ cung cấp cho các đầu mối, sản phẩm tôm khô chà bông của anh còn cung cấp cho chuỗi cửa hàng nông sản thực phẩm sạch và các điểm bán sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL ở Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… 

Cứ vào mỗi con nước (ngày 14 đến 20, ngày 29 đến mùng 5), cơ sở sản xuất của anh Sang lại nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm; ai nấy tất bật từ khâu nhập tôm nguyên liệu vào đến khâu luộc, phơi sấy, đập tôm, làm sạch, đóng gói. Cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động, nhất là phụ nữ, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định tại quê nhà.

Anh Sang trao đổi với cán bộ Sở Công thương về cách vận hành nhà sấy ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời.

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất

Hôm chúng tôi đến cũng ngay lúc cán bộ của Sở Công thương chuẩn bị các điều kiện để tiến hành nghiệm thu nhà sấy ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời. Kinh phí lắp đặt nhà sấy 300 triệu đồng, trong đó Sở Công thương hỗ trợ 150 triệu đồng, phần còn lại gia đình anh Sang đối ứng. Đây là nhà sấy thứ 3 tại Cà Mau, cùng với nhà sấy khô cá bổi ở huyện Trần Văn Thời và bánh phồng tôm ở huyện Ngọc Hiển.

Chỉ tay vào những trụ xi – măng làm giàn phơi tôm trước nhà, anh Sang cho biết trước đây tôm được phơi nắng ngoài sân, tuy đơn giản, ít tốn kém nhưng bị động, phụ thuộc vào thời tiết, thời gian phơi kéo dài nếu trời mưa hoặc ít nắng. Vì vậy, tôm thường bị biến màu, giảm mùi hương tự nhiên, giảm hàm lượng chất dinh dưỡng. Mùa mưa, anh Sang sử dụng lò sấy bằng than đá, tuy nhiên chi phí khá cao. Giọng chân chất, anh Sang phấn khởi: “Giờ có nhà sấy, mưa bão gì cũng không sợ chậm hàng hay hàng kém chất lượng, lại đỡ tốn công và chi phí rất nhiều. Giờ không còn phải chầu chực xoay trở hay những lúc trời chuyển mưa. Nôn nao quá, mới hôm qua tôi cho vài chục ký tôm vào sấy thử, tôm khô đều, đẹp như ý luôn”.

Khâu phơi sấy là giai đoạn quan trọng quyết định chất lượng tôm khô. Với nhà sấy ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời, mỗi lần sấy từ 700kg – 1 tấn tôm, thời gian 10 – 12 tiếng. Anh Sang cho biết, chỉ có việc xếp tôm lên vỉ, đưa vào nhà sấy, không cần xoay trở, tôm vẫn khô đều. Nhà sấy có thiết bị báo hẹn giờ tiện lợi, rút ngắn thời gian sấy và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điểm quan trọng trong thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời là nhà sấy có thiết bị hỗ trợ nhiệt khi trời không có nắng, hoặc ban đêm, tức là khi nhiệt độ trong buồng sấy không đủ thì thiết bị hỗ trợ nhiệt tự động bật lên cung cấp nhiệt cho quá trình sấy.

Trước sự ưa chuộng của người tiêu dùng và nhu cầu đặt hàng ngày càng nhiều, “ông chủ” Lê Minh Sang dự định mở rộng cơ sở, xây dựng phòng đóng gói, nâng cấp máy móc… Đặc biệt, với sáng chế máy chà bông, anh Sang tiết lộ, năm tới sẽ làm hồ sơ tham gia dự thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật để nhiều người biết đến máy, có thể áp dụng rộng rãi. Có nhà sấy, anh Sang “tham vọng” sẽ nghiên cứu thêm nhiều mặt hàng sấy khô mới từ sản vật của quê hương, ngoài đáp ứng nhu cầu thị trường, còn góp phần quảng bá đặc sản Cà Mau đến các vùng miền.

Cùng với tôm khô Rạch Gốc, các sản phẩm từ nguồn tôm đất tươi sống mang tên “Sông Đầm” của cơ sở anh Lê Minh Sang cũng đang vươn xa, với quyết tâm xây dựng uy tín và thương hiệu từ chất lượng sản phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *