Nhà “sáng chế” nông dân Bài 3: “Nhà khoa học của nhà nông”

Máy sục khí oxy đa năng do anh Khén cải tiến đang bán rất chạy, bởi những tiện ích trong nuôi tôm công nghiệp.

Nghèo khó sinh… sáng chế

Trò chuyện với chúng tôi là một người đàn ông nước da ngăm đen rắn rỏi, cách nói chuyện dứt khoát nhưng mộc mạc, chân thành. Anh Văn Khén có đến 14 anh chị em. Gia đình nghèo khó, không có điều kiện cho anh học nhiều, Văn Khén ngày ngày theo cha làm thợ sửa máy nổ, phụ giúp lặt vặt, ai ngờ sau này lại lập nghiệp từ chính cái nghề… cha truyền này.

Cơ duyên đến với sáng chế và trở thành “Nhà khoa học của nhà nông” là một chặng đường dài và đầy gian nan, thử thách. Anh kể cho chúng tôi nghe về sáng chế đầu tiên của mình là chiếc máy ép bạc gỗ siêu tốc: Khoảng năm 2011, khi tiệm sửa máy ế ẩm, anh quyết định bỏ nghề thuê vuông nuôi tôm, nhưng đời sống rất chật vật. Một hôm xem tivi thấy đưa phóng sự về ông Đặng Ô Rê sáng chế cầu kéo xuồng ghe qua đập, trong đầu anh lóe sáng suy nghĩ rằng mình có nghề sửa máy sao không thử sáng chế. Anh bàn với vợ mở lại cửa tiệm tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), rồi mày mò ngày đêm, gom hết vốn liếng, cho ra đời máy ép bạc gỗ siêu tốc.

Anh nhớ lại ngày đầu tham gia dự thi, đi từ Năm Căn ra Cà Mau như “cơm bữa” để sửa câu chữ và cách trình bày giải pháp… nhưng mãi vẫn không xong, bởi cách viết như cách nói chuyện của anh. Anh bộc bạch: “Làm thì được hết mà đụng tới chữ nghĩa, văn chương là tôi chào thua. Lúc đó, tôi thuyết phục Ban Giám khảo đi đến tận nơi xem tôi thực hành sẽ rõ hơn. Chắc thấy tôi tội nghiệp hay sao mà họ đồng ý đi”. Không phụ tin tưởng của mọi người, sáng chế này đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật tỉnh năm 2012 – 2013, giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật toàn quốc.

Cơ sở cơ khí Văn Khén luôn cho ra đời những sản phẩm độc, lạ, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.

Sáng chế của anh được thuyết phục bởi sự hữu ích và gần gũi với người dân vùng sông nước. Nhiều năm làm nghề sửa máy, anh thấy các loại máy nổ sử dụng vài tháng thì bị hỏng bạc gỗ. Việc đóng bạc gỗ chỉ làm bằng tay, người thợ phải xẻ bạc gỗ từng cái một, sử dụng búa rất nặng để đóng, mất khoảng 40 – 60 phút mới xong. Tuy nhiên, việc đóng bạc gỗ bằng tay thường không đúng tâm, rất khó đóng vào vỏ láp. Chiếc máy ép bạc gỗ siêu tốc của anh Khén sáng chế không cần phải xẻ bạc gỗ vẫn có thể ép bạc gỗ trong láp đã bị hỏng ra bên ngoài một cách dễ dàng và ép được nhiều loại bạc gỗ khác nhau, đảm bảo chính xác và nhanh chóng, hoàn thành chỉ 10 phút.

Anh Khén cho biết, với chiếc máy này, thời điểm đó mỗi ngày anh thu nhập hơn 1 triệu đồng từ ép bạc gỗ. Anh đã bán được 4 máy cho những “đồng nghiệp” khắp nơi trong tỉnh, mỗi máy trị giá 50 triệu đồng và đều nhận được những phản hồi tích cực.

“Sáng chế riết thành ghiền…”

Vốn là người ham học hỏi, ưa tìm tòi sáng tạo, hàng ngày tiếp xúc với nhiều khách hàng nhà nông, những trăn trở trong lao động sản xuất của họ càng thôi thúc anh tư duy không ngừng. Không lâu sau, anh Khén tiếp tục trình làng máy xới đất vuông tôm và hút ốc đinh, được bà con nhiệt tình đón nhận. Lần này anh đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật tỉnh năm 2016 – 2017. Tuy nhiên, qua quá trình vận hành, anh Khén quan sát thấy nếu như người dân xới đất cải tạo tốt thì dần ốc đinh cũng không còn, nên anh đã cải tiến bỏ đi bộ phận hút ốc đinh, thay thế một số linh kiện, để chiếc máy xới được nhỏ gọn, sử dụng đơn giản hơn.

Lúc bấy giờ trên thị trường chưa có sản phẩm cùng loại. Người dân cải tạo đất vuông tôm chủ yếu bằng tay và máy sên, rất mất thời gian, chi phí lại cao, nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Chiếc máy xới đất của anh Khén ra đời đã đáp ứng mong mỏi của người dân, bởi ít tốn chi phí khi vận hành, không gây ảnh hưởng đến môi trường và các hộ lân cận. Anh Khén chia sẻ: “Đất đai nuôi trồng thủy sản ngày càng bạc màu, khô cằn và ít dưỡng chất. Người dân cải tạo đất chủ yếu chỉ sên bùn dưới đáy kênh, còn phần đất trên trảng vuông tôm thì không hề đụng tới, phần này rất màu mỡ, là nơi con tôm tìm kiếm thức ăn và phát triển, chính vì thế, việc cải tạo đất bằng máy xới là rất cần thiết”.

Anh Khén vận hành thử nghiệm máy xới siêu gọn. Anh tiết lộ tới đây sẽ mang chiếc máy này tham gia dự thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật.

Chiếc máy không chỉ phục vụ bà con trong vùng. Anh Khén phấn khởi khoe vừa giao chiếc máy xới siêu gọn này đi Vũng Tàu với giá 300 triệu đồng. Anh đi đến tận nơi để hướng dẫn khách hàng cách vận hành máy. Hộ này trước đây nuôi tôm công nghiệp diện tích lớn, nay muốn cải tạo lại nuôi quảng canh, việc đưa chiếc máy vào xới đất rất tiện lợi và hiệu quả.

Thật khâm phục khả năng sáng chế và cải tiến không mệt mỏi của anh thợ “tay ngang” như Văn Khén. Ngoài các máy móc đã sáng chế, cải tiến chuyển giao hiệu quả cho bà con, anh Khén không ngừng nghiên cứu, chế tạo nhiều loại máy theo đặt hàng của nông dân, giúp họ giải tỏa trăn trở, khó khăn trong sản xuất. Điều đặc biệt là từ ý tưởng đến linh kiện và lắp ráp đều do anh Khén xây dựng và trực tiếp thực hiện.

Gần đây nhất, qua tâm tình của người bạn, nuôi tôm công nghiệp phải tốn nhiều chi phí mua máy sục khí oxy, vì trong 1 ao nuôi phải gắn từ 4 – 6 cái mới đủ oxy cho tôm phát triển, anh Khén tiếp tục cải tiến và đã thành công với máy sục khí oxy đa năng. Hiện 1 máy do anh cải tiến có thể phục vụ sục oxy cho 2 đầm nuôi và dự định nâng cấp lên 3 – 4 đầm. Anh Khén cho biết, từ khi sản phẩm này đưa ra thị trường, bà con ưa chuộng, đặt mua rất nhiều, bởi những tiện ích mà nó mang lại.

Chia tay anh, chúng tôi vẫn không thôi ấn tượng với những hàng bằng khen, giấy khen, chứng nhận… được treo ngay thẳng, đàng hoàng trong căn nhà. Anh nói, không phải cốt để khoe khoang mà mỗi khi mệt mỏi hay gặp khó khăn, nhìn lên đó cho anh thêm động lực vượt qua và tiếp tục sáng chế…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *