Nhà “sáng chế” nông dân Bài cuối: Góp phần đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Ứng dụng hiệu quả các sáng chế, giải pháp kỹ thuật, góp phần mang đến những mùa vụ bội thu cho nông dân.

“Tinh thần mới” trên những vùng quê

Điểm chung đáng trân trọng của những “nhà sáng chế” nông dân này đều khởi nguồn từ những trăn trở, phải làm sao để cho cuộc sống người nông dân đỡ cơ cực hơn, hiệu quả canh tác phải cao hơn. Cũng chính cuộc sống quanh năm gắn với vùng đồng quê nên những sáng tạo của họ rất gần gũi và đáp ứng được sự mong chờ của bà con nông dân.

Lợi ích mà những sáng chế của những “kỹ sư chân đất” này mang lại đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp ở Cà Mau, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp như hiện nay. Không chỉ say mê sáng tạo, cải tiến máy móc, họ còn được biết đến là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia các phong trào, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Cùng với những tìm tòi, cải tiến hữu ích, nhiều nông dân còn mạnh dạn thực hiện mô hình mới, hiệu quả, cho ra đời những giải pháp kỹ thuật, làm cơ sở nhân rộng trong nông dân: Nuôi tôm tích trong lồng nhựa, nuôi cua biển thương phẩm 3 giai đoạn, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn có lọc tôm còi… góp phần làm phong phú thêm hình thức và đối tượng nuôi mới, thêm cơ hội làm giàu cho nhà nông.

Giữa vùng nông thôn, người dân quen với canh tác ruộng đồng, vuông tôm, nay lại xuất hiện xưởng máy, cơ sở sản xuất kinh doanh do chính nông dân làm chủ và nhiều mô hình mới, hiệu quả được tạo nên từ ý chí dám nghĩ, dám làm của nông dân… đã mang đến làn gió hiện đại, văn minh trên những vùng quê. Bà con dần nhận ra rằng, có đổi mới, sáng tạo, mới thật sự mang đến no ấm lâu dài, bền vững cho gia đình mình và cho quê hương.

Nông dân Cà Mau ngày càng chọn lựa nhiều mô hình kinh tế hiện đại để thay thế dần các phương pháp canh tác truyền thống.

Đồng hành, thúc đẩy nông dân sáng tạo

Làm giỏi, nhưng nói – viết không được giỏi là điểm chung của những nhà sáng chế nông dân. Vì thế, Hội Nông dân, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện vật chất lẫn tinh thần để phát huy khả năng sáng tạo, tiên phong của nông dân. Anh Phan Tấn Phong chia sẻ: “Lúc mới tập tành sáng chế, Hội Nông dân xã hỗ trợ 20 triệu đồng để tôi mua vật liệu, linh kiện. Còn chị Lý Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thì hướng dẫn tôi làm hồ sơ dự thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh. Năm 2017 sáng chế máy xắt chuối, rau đa năng của tôi đoạt giải Nhì, làm nền tảng phát triển như hôm nay”.

Anh Văn Khén bộc bạch: “Mỗi lần tôi nghĩ ra ý tưởng hay chế ra loại máy móc nào, các cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện và địa phương đều đến chia vui, đốc thúc tôi thi thố. Anh em còn hỗ trợ tôi cách viết, trình bày giải pháp để sáng chế của tôi đạt kết quả như mong muốn”. 

Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức xét duyệt, tuyển chọn các đề tài, dự án khoa học, công nghệ, ưu tiên các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển sản xuất kinh doanh; đặc biệt là các đề tài, dự án mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nông dân và có khả năng nhân rộng. Từ đó nhiều hội viên, nông dân có những sáng chế, giải pháp kỹ thuật được công nhận và áp dụng rộng rãi, góp phần hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả, chất lượng, giá trị sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh.

Hội Nông dân tỉnh triển khai chương trình phối hợp hoạt động với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất cho hội viên, nông dân. Xây dựng “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, tổ chức cuộc thi “Nhà nông đua tài”, cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, phối hợp thực hiện chương trình “Nông dân hiểu biết”; xây dựng 900 mô hình chuyển giao ứng dụng giống cây, con mới, sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, nuôi trồng theo quy trình VietGAP; tổ chức cho nông dân tham quan học tập, mở hội nghị, hội thảo đầu bờ nhân rộng mô hình có hiệu quả tại địa phương. Hướng dẫn nông dân tìm hiểu các tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất trên mạng Internet; định hướng nông dân phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc thù, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh.

Ông Võ Thanh Trà, Tổng Thư ký – Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Khoa học – Kỹ thuật tỉnh, cho biết: “Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của các giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật tỉnh là phải có tính mới, sáng tạo và đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật tham gia dự thi của các sở, ngành, các địa phương, nhiều nông dân “trơn” đã tự mày mò chế tạo ra máy móc để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt có tính năng ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Sắp tới, Hội quan tâm hơn nữa việc ứng dụng các giải pháp đoạt giải, sao cho thiết thực hiệu quả; quảng bá rộng rãi để người có nhu cầu sử dụng dễ tiếp cận giải pháp; khảo sát đánh giá tình hình ứng dụng những giải pháp đã qua để có kế hoạch tác động tốt hơn”.  

Xin khép lại bài viết với sự khâm phục, trân trọng những nông dân cần cù, sáng tạo và niềm tin vào ngành chức năng trong việc bảo vệ sáng kiến, ứng dụng hiệu quả… để nông dân tự khẳng định là chủ thể trong đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *