Nhà “sáng chế” nông dân

Bài 1: Máy xắt chuối, rau đa năng

Ít ai ngờ rằng ở con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp dẫn đến con kênh cùng Xóm Lẫm (ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) lại có một “xưởng” cơ khí của người nông dân mê sáng chế như anh Phan Tấn Phong. Anh Phong được nhiều người biết đến khi tự mình chế tạo thành công chiếc máy xắt chuối, rau đa năng. Chiếc máy đã giúp việc chăn nuôi của gia đình anh và bà con khắp nơi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Với máy xắt chuối, rau đa năng, bà con đưa trực tiếp cây chuối vào máy, mỗi giờ xắt được từ 1,2 – 1,3 tấn chuối cây, máy sẽ tự băm nhuyễn.

Mất ăn mất ngủ vì mê… máy

Thời điểm năm 2014, anh Phong được tập huấn kỹ thuật nuôi gà theo công nghệ sinh học. Anh đầu tư chuồng trại nuôi 500 con gà. Do nuôi số lượng lớn đòi hỏi phải có nguồn thức ăn dồi dào nên gia đình anh đã tận dụng rau tạp và chuối cây trong vườn cho gà ăn để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc xắt bằng tay chỉ đáp ứng cho khoảng 100 con gà ăn trong ngày, lại mất nhiều thời gian.

Trong những buổi trà dư tửu hậu, anh em trong xóm bàn tán với nhau, phải chi có cái máy xắt được rau, chuối cho heo, cho gà ăn thì hay quá, vừa có thể mở rộng chăn nuôi, vừa có nhiều thời gian coi sóc vuông tôm. Mong muốn ấy khiến anh nông dân 38 tuổi này trăn trở ngày đêm, thôi thúc anh tìm tòi, nghiên cứu và bắt tay sáng chế. Anh Phong bộc bạch: “Tôi muốn thử sức mình đến đâu, nếu thành công thì giúp ích cho nông dân, còn thất bại cũng chẳng sao, coi như lần trải nghiệm”.

Bắt tay vào việc như đứa trẻ mới tập đi. Anh Phong nhiều đêm mất ngủ, nằm suy nghĩ về máy, hễ lóe lên ý tưởng nào phù hợp anh liền bật dậy vẽ lại, có khi thức làm ngay trong đêm. Nhiều tháng mày mò lắp vào tháo ra, anh cũng hoàn thành, tuy nhiên máy xắt chậm, xắt nhưng chưa băm được, chưa điều chỉnh được độ mỏng, dày, to, nhỏ hay rau bị dập nát… Anh Phong tiếp tục cải tiến, chỉnh sửa, cho ra đời chiếc máy xắt rau, chuối có thể điều chỉnh lát dày, mỏng, phôi thức ăn to, mịn… tùy theo nhu cầu thức ăn cho vật nuôi là bò, dê, heo, cá hay gà, vịt…

Anh từng học qua cơ khí chưa? Anh Phong cười trừ: “Nhà tôi hơn chục anh chị em, cuộc sống vất vả lắm, tôi chỉ học tới lớp 6. Có điều tôi mê máy móc, lúc nhỏ thường theo cha, chú xem sửa máy cày, máy nổ và thầm ước có nghề như thế”.

Do “tay ngang” và ý định làm máy phục vụ nông dân nên các chi tiết về máy của anh cũng đơn giản, dễ vận hành, với một mô-tơ đấu nối với trục xoay và lưỡi dao dùng để cắt nguyên liệu, có chế độ tự điều chỉnh để lưỡi dao có thể cắt nguyên liệu theo kích thước lớn, nhỏ.

Anh Phong đang ấp ủ sáng chế nhiều loại máy theo nhu cầu thị trường, góp phần giảm công sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Làm lợi cho nông nghiệp

Qua từng năm, máy không ngừng được anh Phong chỉnh sửa, cải tiến, nay đã thực sự hoàn hảo, với kích thước nhỏ gọn, cách điện an toàn và tiết kiệm điện năng. Tiếng lành đồn xa, đến nay, gia đình anh Phong đã bán trên 300 cái máy, giá từ 6 – 7 triệu đồng/máy. Anh còn xuất bán máy qua châu Phi, Campuchia… Theo anh Phong, trước đây để nuôi một con heo, trung bình mỗi ngày người nuôi phải mất hơn 2 giờ để xắt, bằm chuối cây cho ăn. Nhưng với chiếc máy của anh, mỗi giờ có thể xắt được từ 1,2 – 1,3 tấn chuối cây mà không cần thêm công đoạn băm nhuyễn, qua đó giúp ích rất nhiều cho người chăn nuôi với số lượng lớn. Không những thế, máy còn xắt được lục bình, lỏi quầy chuối, vỏ chuối… để làm phân hữu cơ.

Chị Dư Bích Liễu, vợ anh Phong chia sẻ: “Nhiều chị gọi điện thoại đến cám ơn tíu tít, họ nói nhờ có máy xắt rau, chuối mà họ đỡ cực, quan trọng hơn nữa là ao cá, đàn heo có thêm nguồn thức ăn độn trong những ngày cầm chừng đợi giá, tiết kiệm được chi phí thức ăn”.

Nay, nhắc đến anh Phan Tấn Phong là mọi người nghĩ ngay đến những sáng chế máy móc có tính ứng dụng thực tế cao, dễ sử dụng và mang lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp. Anh Phong tâm sự, máy móc làm ra để phục vụ và thay thế sức lao động con người. Anh chế tạo máy không phải vì giải thưởng mà muốn giảm bớt sự vất vả cho nông dân. Anh Phong không chỉ thành công với máy xắt chuối, rau đa năng, mà anh còn đang thực hiện làm máy xới và chở đất tiện lợi, theo yêu cầu của khách. Mới đây, anh chế tạo máy ép chuối khô cho nông dân Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời). Trò chuyện qua điện thoại, bà con hết lời khen, mùa tết này sẽ đặt thêm máy ép, để đảm bảo tăng số lượng chuối khô bán ra thị trường.

Máy xới và chở đất tiện lợi, anh Phong đang chế tạo theo yêu cầu của khách.

Có được kết quả như vậy, anh Phong không quên sự quan tâm, tin tưởng của Hội Nông dân xã, huyện, tạo điều kiện để anh phát huy sở trường. Anh Phong kể: “Lúc mới tập tành sáng chế, Hội Nông dân xã cho mượn 20 triệu đồng để tôi mua vật liệu. Còn chị Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện thì hướng dẫn tôi làm hồ sơ dự thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, năm 2017 sáng chế máy xắt chuối, rau đa năng của tôi đoạt giải Nhì, làm nền tảng phát triển như hôm nay”.

Không chỉ say mê, sáng tạo trong chế tạo, cải tiến máy móc, anh Phong còn được biết đến là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Hiện nay, gia đình anh có 2ha vuông, chăn nuôi heo, gà, chuẩn bị xây nhà nuôi yến, riêng xưởng máy tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2 lao động. Bên cạnh đó, anh Phong còn tích cực tham gia ủng hộ, giúp đỡ vốn cho các hộ khó khăn trong xã, tham gia đóng góp vào các phong trào của địa phương.

Dẫn chúng tôi tham quan xưởng máy mini của mình, anh Phong cho biết hướng sắp tới sẽ liên kết mở đại lý phân phối máy ở một số tỉnh, tiếp tục sáng chế nhiều loại máy theo nhu cầu thị trường, góp phần giảm công sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *