Nhân rộng hình thức thi tuyển để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong số 14 cơ quan Trung ương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, có 12 cơ quan đã tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên, cấp phòng 10 ứng viên).

Có 17/22 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở 33 ứng viên, cấp phòng 335 ứng viên).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ – ông Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc đổi mới trong tuyển chọn cán bộ qua thi tuyển là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, từ đó nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, qua gần 3 năm thực hiện Đề án, những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài, làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn một số hạn chế như: Việc chuẩn bị và chỉ đạo về nội dung thi tuyển chưa đầy đủ và có những điểm chưa cụ thể, rõ ràng; chưa kết hợp chặt chẽ việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị; việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý chưa thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia…

Thảo luận tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất kiến nghị những vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục thực hiện Đề án đạt kết quả tốt hơn.

Qua đó, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các Bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, triển khai Đề án là một phương thức tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo chứ không có nghĩa là làm thay trách nhiệm của các tổ chức Đảng về công tác cán bộ. Do vậy, quá trình triển khai cần đảm bảo khách quan, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Các địa phương cần rà soát kỹ các chức danh dự kiến thi tuyển, xây dựng tiêu chuẩn điều kiện đối với từng chức danh cụ thể để chủ động triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *