Nhân rộng mô hình sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng

Các mô hình nuôi phát huy được thế mạnh của huyện, tập trung vào ba vùng nuôi lớn, đó là: Vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh (STC) với diện tích hơn 2.000ha, năng suất tôm nuôi thâm canh bình quân đạt 6,8 tấn/ha; nuôi tôm STC năng suất từ 40 – 50 tấn/ha. Vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến với diện tích 18.500ha, năng suất tôm nuôi trung bình hơn 500kg/ha. Vùng nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm, tập trung ở các xã: Đông Thới, Đông Hưng, Trần Thới, Tân Hưng và thị trấn Cái Nước, với tổng diện tích hơn 2.900ha. Vùng lúa tôm kết hợp ở các xã: Phú Hưng và Thạnh Phú, diện tích 500ha. Ngoài ra, huyện Cái Nước còn duy trì mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng với diện tích hơn 167ha; nuôi tôm – cua xen canh với diện tích hơn 21.000ha; mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt ven theo tuyến Quốc lộ 1A với diện tích hơn 60ha, đã được công nhận nhãn hiệu tập thể bồn bồn Cái Nước – Cà Mau vào năm 2017…

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới.

Ngoài mô hình nuôi tôm thâm canh và STC, những mô hình sản xuất nêu trên hầu hết đều đã qua kiểm nghiệm từ thực tiễn, vốn đầu tư thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân nhưng cho hiệu quả kinh tế khá cao và bền vững.

Để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, quan điểm chỉ đạo của huyện Cái Nước là tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nhân rộng mô hình, nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến sản xuất bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc duy trì phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất hiện có, năm 2018, huyện Cái Nước sẽ tập trung đầu tư phát triển mạnh các đối tượng nuôi chủ lực của huyện là tôm, cua, sò huyết. Trong đó chú trọng các mô hình đã được thử nghiệm thành công: Nuôi tôm thẻ chân chắng STC, diện tích 27ha, khuyến khích những hộ có đủ điều kiện thực hiện; cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước, diện tích 160ha; nuôi tôm sú 2 giai đoạn bằng cách vèo tôm sú giống trên ao lót bạt (hiện tại huyện đang đầu tư cho mỗi xã một điểm trình diễn, bước đầu phát huy hiệu quả); lúa – tôm và tôm – cua – sò huyết kết hợp.

Để thực hiện đạt kết quả mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối với với các xã, thị trấn, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật theo nhu cầu và điều kiện của từng địa phương, trong đó chú trọng tổ chức các cuộc hội thảo và lớp học tại hiện trường theo kiểu cầm tay chỉ việc, để nhân dân có thể ứng dụng được ngay sau khi tập huấn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã thị trấn củng cố, xây dựng các tổ chức sản xuất, nhằm tạo sự gắn kết hỗ trợ nhau trong quản lý và sản xuất của nhân dân.

Trong điều kiện đất sản xuất ngày càng thu hẹp, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, môi trường bị ô nhiễm, gây bất lợi trong sản xuất; muốn nâng cao năng suất, sản lượng, cải thiện đời sống nhân dân không có cách nào khác hơn là đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật với nhân rộng mô hình. Xem đây là hướng đi chủ đạo trong chỉ đạo phát triển sản xuất của huyện Cái Nước năm 2018 và những năm tiếp theo, Bí thư Huyện ủy Cái Nước – Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *