Nhân rộng việc dạy tiếng Khmer cho đồng bào dân tộc

Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh trao tiền hỗ trợ cho giáo viên dạy chữ Khmer trên địa bàn xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời.

Qua đợt kiểm tra dạy ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số hè năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Các địa phương đã mở 33 lớp dạy tiếng Khmer tại 21 điểm, dạy cho khoảng 700 học sinh. Ngoài dạy tại các điểm trường, phần lớn lớp học tiếng Khmer được mở tại các chùa; giáo viên là các vị sư, achar, người uy tín trong đồng bào dân tộc… thông thạo tiếng Khmer. UBND tỉnh đã cấp kinh phí dạy tiếng Khmer hè để hỗ trợ giáo viên và các điểm dạy trên 300 triệu đồng. Mỗi điểm dạy được hỗ trợ 1,5 triệu đồng và mỗi giáo viên được hỗ trợ trên 3,1 triệu đồng/2 tháng dạy.

Nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em, UBND xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời đã trao giấy khen cho những em có thành tích tốt trong học chữ Khmer hè năm nay.

Đối với lớp học tại chùa, giáo viên chính là các vị sư có nhiều năm tu học, kiến thức khá rộng. Dù lớp học chỉ diễn ra thời gian ngắn, nhưng chất lượng học tập luôn được nhà chùa chú trọng. Chương trình giảng dạy luôn được đổi mới, giáo viên còn lồng ghép nhiều hoạt động khác để tạo hứng thú, giúp các em tiếp thu và ghi nhớ tốt nhất. Theo ông Hà Văn Muôn, Trưởng ban Quản trị chùa Tam Hiệp (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), ngôn ngữ, chữ viết đối với mỗi dân tộc là rất thiêng liêng, vì thế, chúng tôi luôn vận động tín đồ, phật tử tạo điều kiện để con em mình đến học, để hiểu thêm nét văn hóa độc đáo của người Khmer.

Năm nay, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời mở được 6 lớp, có gần 100 em theo học. Điều này càng khẳng định tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc đang được thế hệ trẻ phát huy và giữ gìn. Em Từ Lưu Tố Tâm, học chữ Khmer tại điểm trường ấp Kinh Đứng B, cho biết: “Là người Khmer mà không biết chữ của dân tộc mình thì rất là xấu hổ, nên khi nghỉ hè em xin cha mẹ đi học. Em học được 2 năm nay, đã biết nhiều về chữ Khmer. Đến lớp học, em còn quen biết nhiều bạn bè, được chơi nhiều trò chơi nữa”.

Dạy tiếng Khmer cho con em đồng bào dân tộc trong dịp hè là một trong những chủ trương thiết thực và có ý nghĩa của tỉnh, thông qua lớp học, con em đồng bào dân tộc thiểu số vừa hiểu biết tiếng “mẹ đẻ” vừa được giáo dục đạo đức và lối sống. Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Việc dạy chữ Khmer đã được tỉnh triển khai từ nhiều năm nay, được thực hiện một cách đồng bộ tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống và luôn duy trì ổn định, đạt hiệu quả rất cao. Tuy nhiên việc dạy chữ Khmer còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, việc vận động con em theo học, nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục, duy trì các lớp dạy nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Khmer”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *