Nhanh chóng khởi động lại kinh tế, kết hợp phòng chống dịch hiệu quả

Nỗ lực trong cái khó

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu KT-XH quan trọng giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ. Thiên tai, hạn hán gay gắt tiếp tục gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân: Hạn hán đã làm thiệt hại 20.495ha lúa, 22ha rau màu, 2.161ha nuôi trồng thủy sản; gây sụt lún, sạt lở 1.163 vị trí với tổng chiều dài 25.248m (trong đó có nhiều vị trí trên đê biển Tây với chiều dài 1.910m), rò rỉ 18 cống tuyến Tắc Thủ – Sông Đốc và vỡ 2 đập ngăn mặn trên địa bàn huyện U Minh; hơn 20 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt; toàn bộ diện tích rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo (43.583,7ha) đang khô hạn với mức cảnh báo nguy cơ cháy cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm.

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Lê Phong cho biết: Toàn huyện có 201 tuyến và 989 vị trí với 24km bị sụt lún, thiệt hại hơn 19 tỷ đồng; trong khi đó qua khảo sát, kinh phí khắc phục lên đến 53 tỷ đồng. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cà Mau, ông Hồ Hoàn Tất đề nghị huyện Trần Văn Thời cần chủ động hơn, tăng cường công tác kiểm tra, cảnh báo an toàn giao thông những tuyến có hiện tượng sụt lún.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực KT-XH của tỉnh trong 4 tháng đầu năm đạt được những kết quả khả quan so với cùng kỳ: Thu ngân sách tăng 21,5%; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến và thâm canh tăng nhẹ sau thời gian dài ổn định (diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng 71ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng 30ha); tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng 2,1%.

“Hoan nghênh ngành Thuế, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng thương mại, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Điện lực đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Đã gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với 403 doanh nghiệp và 1 hộ gia đình, với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 1.631 khách hàng (bao gồm cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp…) với tổng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ hơn 524 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải gửi lời động viên.

Cà Mau sẽ tái khởi động phát triển kinh tế với nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Vẫn còn nhiều thách thức

Để hoàn thành Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm, nỗ lực cao nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nội dung: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời khởi động lại và đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội. Giao UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chặt các đối tượng đến và về địa phương để theo dõi, cách ly y tế theo quy định, đặc biệt là người nước ngoài, người trở về từ nước ngoài; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý những trường hợp vi phạm.

Giao Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ về y tế đối với các bệnh viện, cơ sở y tế và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp vận tải hành khách, cơ sở kinh doanh dịch vụ… Đẩy mạnh thực hiện chương trình hướng dẫn cộng đồng chủ động điều chỉnh lối sống và sinh hoạt phù hợp trong bối cảnh còn rủi ro dịch bệnh (hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người, thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang). Đồng thời chủ động giám sát các loại bệnh dịch, đặc biệt chú ý các bệnh dịch vào mùa hè và các loại bệnh thường xảy ra vào giai đoạn giao mùa; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời triển khai thực hiện việc tinh giản nội dung dạy học phù hợp với kế hoạch thời gian năm học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các văn bản của Trung ương và của tỉnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại, nhất là việc vệ sinh, phun xịt, tiêu độc, khử trùng trường, lớp học; triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế tại địa phương và theo quy định hiện hành. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện các kịch bản phát triển do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hạn hán, đề xuất các giải pháp khôi phục và đẩy mạnh phát triển KT-XH sau dịch COVID-19. 

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường giải quyết, xử lý kịp thời, nhanh chóng những phản ánh, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm duy trì, đẩy mạnh khôi phục sản xuất – kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức lại, đôn đốc việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác và phát triển thị trường nội địa nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Theo dõi sát nhu cầu của thị trường quốc tế để tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu do đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các sở: Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, TP. Cà Mau; Cục Thuế tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Cà Mau; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cà Mau và các đơn vị có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm đầu mối, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, đồng thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các chính sách hỗ trợ theo quy định; lưu ý phải rà soát kỹ từng đối tượng, tránh trùng lắp, bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa ký tạm ứng 127 tỷ đồng để chi trả cho các đối tượng đã “rõ” (phải chi hỗ trợ ngay); còn những đối tượng khác phải tiến hành rà soát lại thật chính xác, đảm bảo công khai minh bạch…

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Trần Văn Thời, U Minh và các địa phương trong tỉnh chỉ đạo Phòng Kinh tế – Hạ tầng phối hợp với UBND cấp xã khẩn trương khảo sát thực tế, xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, qua đó khẩn trương cắm biển cảnh báo nguy hiểm ngay những chỗ có nguy cơ sạt lở và tuyệt đối không để người dân khai thác đất dưới lòng sông, bờ sông, bờ kênh (có biển cấm); đồng thời, triển khai ngay các biện pháp gia cố bằng vật liệu của địa phương, nhằm hạn chế sạt lở, sụt lún đất… chuẩn bị sẵn sàng các phương án khắc phục để triển khai thực hiện ngay khi mùa mưa đến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *