“Nhất” tình chị em quê tôi

Cứu chị em thoát khỏi “nợ nần”

Chị Thạch Thị Nương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Khánh Bình Đông, dẫn đường và cùng tôi về Ấp 8, nơi đầu tiên “khơi nguồn” phong trào hùn vàng, hùn tiền chuộc đất. Đến nay, phong trào ấy vẫn tiếp tục được lan truyền, nhân rộng trong toàn huyện. Trên đường quê xanh mát, nhiều ngôi nhà mới mọc lên san sát, để lại trong tôi niềm vui khi chứng kiến những đổi thay ở vùng quê nghèo… Chỉ những căn nhà còn mới của hội viên được xây gần đây từ nguồn vốn hùn tiền, hùn vàng tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ Ấp 8, chị Hương cho biết: “Chị em mỗi người mỗi cảnh, đôi khi vì bệnh tật, không việc làm, sản xuất không hiệu quả dẫn đến nghèo khó. Từ đó mà nhiều chị đã phải cầm cố đất, vay nợ ngân hàng…Nhờ các nguồn hùn vốn tiết kiệm đã “cứu” rất nhiều chị em ra khỏi vòng quay nợ nần, trước nguy cơ mất đất, mất nhà cửa, ruộng nương vì chủ nợ lấy đất trừ nợ hay ngân hàng phát mãi tài sản vì nợ quá hạn”.

Là người có công lớn vì đã suy nghĩ cách giúp chị em bằng “ý tưởng sáng tạo”: Đề xuất thực hiện mô hình “hùn tiền, hùn vàng”, giúp chị em chuộc đất đầu tiên tại Ấp 8, chị Diệu nhớ lại: Năm 2007, đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, khi ấy toàn ấp có 196 hộ, trong đó có 86 hộ hội viên nghèo, đa phần là dân tộc Khmer. Tôi đến từng nhà vận động tham gia Hội, các chị bảo: “Nợ nần chồng chất, tụi em đi làm tối ngày để lo trả nợ, tâm trí đâu mà vào hội với hè”. Rồi chứng kiến cảnh chị em phải thuê lại chính mảnh đất của mình đã cầm cố để trồng lúa; đến cuối vụ mùa, đong lúa đất (lúa chưa kịp phơi) trả cho chủ nợ, những năm thất mùa thì trắng tay, không còn lúa để ăn… Chị em khóc, tôi cũng khóc theo”.

Bà Trần Thị Đơn, một trong 12 phụ nữ của Tổ hùn vàng chuộc đất (Chi hội Phụ nữ Ấp 8), nhớ lại: “Thực sự chị em trong Hội đã cứu gia đình tôi ra khỏi cảnh nghèo khó, hơn 10 năm trước, cùng lúc chồng và mẹ chồng tôi bệnh kéo dài, lo tiền chữa trị riết rồi cạn kiệt, phải cố 2 lần 2ha đất để có tiền trả nợ và trị bệnh. Khi ấy các con còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học. Không đất canh tác, túng thiếu, nợ nần bủa vây, đến hồi tôi không biết đường xở… thì rất may, chị Diệu đã đến động viên, khuyên tôi tham gia hội và hứa sẽ tìm cách giúp. Thật vậy, nhờ vô Hội, với 2 lần tham gia Tổ hùn vàng chuộc đất, đợt 1 tôi chuộc được 0,5ha; đợt 2 chuộc thêm 1,5ha nữa. Từ đó, gia đình cố gắng làm ăn, vươn lên thoát nghèo, nay cuộc sống đã khá lên rất nhiều. Tôi chỉ có thể thốt lên: Nhất tình chị em quê tôi, không có nơi nào sánh bằng”.

Chị Nguyễn Thị Chi (bên phải), Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Ấp 9 (xã Khánh Bình Đông), trao 2 cây vàng 24K cho hội viên trong Tổ hùn vàng chuộc đất.

Với những quy định chặt chẽ đề ra từ ý tưởng của chị Diệu, trong khoảng 10 năm (2007 – 2017), Chi hội Phụ nữ Ấp 8 đã thành lập được 4 tổ hùn vàng chuộc đất, giúp 48 chị chuộc được trên 100 công đất đã cầm cố; 1 tổ hùn tiền trả nợ ngân hàng (12 chị, mỗi chị góp 1,2 triệu đồng), 6 tháng xoay vòng, như vậy mỗi lần gom được 120 triệu đồng, số tiền khá lớn giúp chị em trả được nợ ngân hàng; 1 tổ hùn vốn cất nhà (12 chị, mỗi chị góp 20 triệu đồng), cứ 6 tháng gom được 240 triệu đồng, thỏa thuận chị em nào “được tuổi” và đủ tài chính thì ưu tiên cất nhà trước, đến nay đã cất được 18 căn nhà cho hội viên.

Với công lao ấy, chị Diệu được Trung ương Hội, Hội LHPN tỉnh tặng 3 bằng khen, được chọn đi Hà Nội dự tuyên dương tấm gương điển hình tiên tiến; cùng 5 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Chị Diệu cho biết: “Được ghi nhận tôi vui và hãnh diện lắm, nhưng niềm vui lớn nhất vẫn là thấy chị em bớt khổ, nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc… Niềm vui càng nhân lên, khi các mô hình ấy được nhân rộng trong toàn huyện, giúp nhiều chị em hết nghèo”.

Ngôi nhà chung đầy ắp nghĩa tình

Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: 19 năm tham gia công tác Hội, những ngày đầu củng cố tổ, hội cơ sở thật tình không sao kể xiết những khó khăn, vất vả trong công tác vận động chị em tham gia. Những năm 2000, xuống cơ sở phải đi bằng xuồng, làm lúa chủ yếu bằng thủ công, nhưng đất nhiễm phèn, kém hiệu quả, đời sống chị em hết sức khó khăn… Để khuyến khích chị em cơ sở, chúng tôi cũng phải chịu khó “xắn quần” xuống ấp tham gia sinh hoạt chi hội cùng chị em. Nhiều lần đến nhà vận động chị em tham gia Hội, đôi khi nhận lại những lời nói phủ phàng: “Ở nhà ngủ cho sướng, rảnh đâu mà tham gia hội, hè”; hay “Cho mượn tiền mới vào Hội”; “Rảnh thì lo việc nhà đi, hơi đâu lo chuyện bao đồng”, vận động kế hoạch hóa gia đình thì bị chửi… Dù vậy, chúng tôi quyết tâm không bỏ cuộc. Khi ấy, Ban Thường vụ Hội họp và tìm giải pháp làm sao để hội thực sự là “mái nhà chung”, là chỗ dựa tin cậy cho chị em, có như thế chị em mới tình nguyện tham gia. Thông qua định hướng của cấp trên, học hỏi, chia sẻ các mô hình hay giữa các chi hội trong huyện và ngoài tỉnh, dần dần chúng tôi khuyến khích thành lập nhiều mô hình hùn vốn tiết kiệm, tín chấp ngân hàng chính sách, giới thiệu việc làm… giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo.

Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì trong huyện, cuối năm 2019, xã Khánh Bình Tây Bắc đứng trong top đầu của tỉnh về xóa nghèo trong hội viên phụ nữ, được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chọn làm mô hình điểm về công tác giảm nghèo để các địa phương cùng học tập. Năm 2018, 2019, bình quân mỗi năm Hội LHPN xã hỗ trợ, giúp đỡ trên 60 hộ hội viên thoát nghèo, tiêu biểu là các mô hình: “10 trong 1” (10 chị em khá hùn vốn giúp 1 hội viên nghèo); “Biến rác thải thành quỹ tiết kiệm” và tặng học bổng con em hội viên nghèo vượt khó, hiếu học; “Hũ gạo tình thương”…

Bà Nguyễn Thị Dân (Ấp 3, xã Khánh Bình Tây Bắc) bị suy nhược thần kinh, chồng mất, con trai bệnh tâm thần. Gia đình có 1,4ha đất, vì chạy tiền trị bệnh bà bán và cố hết. Chi hội Phụ nữ ấp bàn cách giúp bà Dân, bằng nguồn vốn “10 trong 1” được 35 triệu đồng và “Tổ nhân ái” 50 triệu đồng, giúp bà Dân chuộc 0,3ha đất và cất nhà mới 70 triệu đồng. Bà Dân, cho biết: “Cất nhà, chuộc đất, những việc tôi tưởng chừng chỉ có trong giấc mơ. Nhờ chị em giúp đỡ, bảo bọc, chia sẻ, tôi mới có cơ hội chuộc lại đất, sống trong ngôi nhà lành lặn khi mùa mưa sắp đến, thật tình rất quý, rất mừng. Chuộc được đất, cất nhà mới, tôi tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo, chị Chủ tịch Hội LHPN xã (chị Nguyệt) còn vận động mạnh thường quân tặng cho tôi thêm bồn nước 1.000 lít, động viên tinh thần cho hộ thoát nghèo mới. Chị em ở đây sống rất có tình, có nghĩa, sẵn sàng chia ngọt xẻ bùi cùng chị em nghèo khó đến cùng… Tôi sẽ cố gắng làm ăn, vươn lên để tiếp tục chuộc về phần đất còn lại”.

Chị Nguyễn Hồng Diệu (trái), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 8, người có công lớn với các ý tường xây dựng mô hình hùn vàng chuộc đất, trả nợ ngân hàng, cất nhà… Cũng nhờ đó, rất nhiều chị em trong xã, huyện chuộc được đất, cất nhà mới.

Chị Huỳnh Hồng Thắm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ban đầu, dù hết sức khó khăn trong công tác xây dựng, củng cố tổ, hội cấp cơ sở; nhưng với sự quyết tâm của Ban Thường vụ Hội LHPN huyện, sự đồng lòng của lãnh đạo Hội các cấp, đã tạo được “ngôi nhà chung” lành mạnh, trong đó có cả sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau như chị em trong một gia đình. Để rồi, chị em thật sự an tâm, tin tưởng và thay đổi nhận thức: Chỉ có tham gia Hội là con đường nhanh nhất giúp chị em thoát nghèo, rồi tình nguyện xin tham gia Hội. Điều đó giúp huyện Trần Văn Thời dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác xóa trắng hội viên vào năm 2013; cũng như công tác giảm nghèo trong hội viên. Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã giúp thoát nghèo được 415 hộ, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra”.

Chiều về, cái nắng oi bức có vẻ dịu hơn, chia tay chị em sau một ngày đi cơ sở thật mệt, xong đổi lại niềm vui khi chứng kiến cuộc sống của chị em ở một vùng quê anh hùng trước đây còn nghèo khó, nhưng nay đã thay đổi hẳn. Ở nơi đó, nhất là vùng nông thôn, từng có rất nhiều người trong tuổi lao động đã bỏ đồng ruộng quê hương lên các trung tâm kinh tế lớn lao động, trong số đó có rất nhiều phụ nữ. Các mẹ, các chị mỗi người rời quê mang theo một số phận, nhưng tựu trung ra đi là vì miếng cơm, manh áo… Nay nhờ các phong trào mang tên “phụ nữ” đã giữ chân các chị đúng lúc và trao cho các chị cơ hội làm chủ mảnh vườn, thửa ruộng, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương!.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *