“Nhiếp ảnh – Điện ảnh là “con cưng” của Đảng, là “ruột rà” với nhân dân”

Dự lễ có các ông: Dương Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy; Thân Đức Hưởng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng Ban liên lạc Điện ảnh – Nhiếp ảnh TNB. Cùng dự có Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thu Đông, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh; cùng đông đảo các nhà quay phim, nhiếp ảnh khu vực TNB.

Nghi thức cắt băng khánh thành Bia Điện ảnh- Nhiếp ảnh Tây Nam Bộ.

Năm 1963, tại Năm Căn, Cà Mau có đôi, ba người là cán bộ truyên truyền, là thợ ảnh, là thợ cơ khí, được Khu ủy, Ban Tuyên huấn Khu TNB gom về giao cho nhiệm vụ là phải chụp nhiều hình về công cuộc kháng chiến chống Mỹ đang khơi dậy mạnh mẽ sau Đồng khởi 1960 và “phải làm những tấm hình “chết” cho nó động lên thành những bộ phim”. Dưới tán rừng đước mênh mông và cao vòi vọi tại kênh Xẻo Cùi thuộc xã Tam Giang, huyện Năm Căn và trong lòng dân sống trong những làng rừng kề cận, các chú, các anh ấy đã đặt những viên gạch đầu tiên làm nên một câu chuyện dài về Nhiếp ảnh – Điện ảnh TNB. Họ tin mình sẽ phải làm được, vì trong kháng Pháp trước đó hơn một thập kỷ, tiền bối của mình đã làm nên một “Điện ảnh bưng biền” độc đáo tại Đồng Tháp Mười, là tiền thân của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh vào ngày 15/3/1953.

Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long – Trưởng Ban liên lạc Điện ảnh – Nhiếp ảnh Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Quân phát biểu ôn lại truyền thống.

Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long – Trưởng Ban liên lạc Điện ảnh – Nhiếp ảnh TNB, ông Nguyễn Văn Quân rất xúc động khi ôn lại truyền thống.

Ông chia sẻ: “Nhiếp – Điện ảnh TNB ra đời trong lòng của Điện ảnh Nam Bộ mà Xưởng phim Giải Phóng là một trụ cột, vừa đào tạo 2 cán bộ điện ảnh đầu tiên cho miền TNB, vừa cử những nhà điện ảnh “gạo cội” như cố Đạo diễn Trần Nhu, cố Đạo diễn Vũ Sơn nhiều lượt xuống miền Tây giúp phát triển lực lượng. Và hôm nay, nhà Điện ảnh lão thành Hồ Văn Tây, người cuối cùng trong những bậc tiền bối của thời ấy, đã đến chung vui với chúng ta. Chính ông và vài đồng nghiệp đã xây dựng cụm tượng về một nền Điện ảnh có một không hai trên thế giới tại Mộc Hóa, Long An. Khu lưu niệm ấy là một trong những nguồn cảm hứng để anh em chúng tôi tiếp theo xây dựng bia lưu niệm này.

Gọi là “Điện ảnh” còn có nghĩa là phải có điện mới làm được. Thế nhưng, suốt 12 năm trong điều kiện không có điện, chúng tôi vẫn làm ra ảnh, ra phim dưới ánh đèn măng-xông, hay có khi chỉ là cây đèn dầu “con cóc”. Cái chòi lá trong rừng tràm mùa khô hạn hay ngôi nhà sàn nhỏ dưới tán đước xanh là những “Studio”, và căn hầm trú ẩn là phòng “Lab” để rửa phim và rọi ảnh dưới ánh đèn Pin chiến lợi phẩm của Mỹ.

Thế giới làm điện ảnh từ những đô thị lớn, từ những người giàu có. Còn chúng tôi làm phim ảnh trong rừng sâu và tất nhiên không có nhiều tiền. Chúng tôi làm được phim ảnh không chỉ nhờ vào tinh thần vượt khó, mà còn nhờ vào sự giúp đỡ của nhân dân. Vào mùa khô hạn và giữa bốn bề là nước mặn quanh năm, bà con đã nhín chút nước ngọt để chúng tôi pha hóa chất in tráng phim. Bà con đã qua mắt địch, len lỏi mua giúp chúng tôi nào là nào phim quay, giấy ảnh, máy ảnh, máy quay phim, máy chiếu bóng cồng kềnh khó bề cất dấu – những thứ mà đối phương xem là hàng quốc cấm. Dù là rừng đước hay rừng tràm U Minh, chúng tôi không nói nhưng bà con biết nơi ở của chúng tôi. Bà con biết và đối phương không biết nên chúng tôi vẫn an toàn và nguồn phim ảnh vẫn còn nguyên và sau này thành tài sản quốc gia.

Chúng tôi được làm ảnh, làm phim là nhờ Khu ủy TNB tin tưởng, nhờ Ban Tuyên huấn tạo tất cả điều kiện có được. Ngày ấy, Nhiếp ảnh – Điện ảnh là “con cưng” của Đảng, là “ruột rà” với nhân dân.

Như lịch sử thế giới, Nhiếp ảnh ra đời trước Điện ảnh và ở miền TNB, Nhiếp ảnh hình thành từ những bức ảnh chụp sự kiện Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời vào năm 1960. Và để chính thức trình làng, cố Nhiếp ảnh gia – Họa sĩ Trần Bình Khuol vào tháng 9/1963 đã chụp những bức ảnh bộ đội công đồn ở Chi khu Đầm Dơi, Cà Mau. Những tấm ảnh sinh động và chân thật đó được tuyển chọn in trong tập sách REQUIET (tạm dịch là “Hồi niệm”) của nhà Xuất bản Shueisha (Nhật Bản), tập hợp những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia ở cả hai phía đã ngã xuống nơi chiến trường. Tiếp theo Nhiếp ảnh gia Trần Bình Khuol, mà chúng tôi thường gọi là “bác Hai Nhiếp”, là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Võ An Khánh (Tám Khánh) được Thời báo “The NewYork Times” đăng trân trọng trên trang bìa bức ảnh “Trạm Quân y dã chiến” mà ông đã len lỏi trong rừng tràm U Minh Hạ, Cà Mau vào mùa nước nổi và trong chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” của quân đội Sài Gòn. Trần Bình Khuol và Võ An Khánh đã làm rạng danh Nhiếp – Điện ảnh TNB, làm hãnh diện Nhiếp ảnh Việt Nam với thế giới.

Ông Nguyễn Văn Quân tặng hoa cho các bậc tiền bối trong ngành Điện ảnh – Nhiếp ảnh Tây Nam Bộ.

Trong nhiều hoàn cảnh chiến tranh khác nhau, chúng tôi di dời nhiều nơi, nhưng rừng đước Cà Mau, Năm Căn vừa là nơi ra đời, vừa là địa bàn chúng tôi phát triển vững chắc nghiệp vụ và có những tác phẩm tốt. Năm 1965, chúng tôi, hay nói đúng hơn, một nữ quay phim của chúng tôi đã làm phim “Bệnh viện trong rừng đước”. Chị là Nguyễn Thúy Liễu, là nữ quay phim duy nhất của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Và bộ phim được Dân y TNB xem như “sách đầu giường” của ngành mình.   

Trên sông Tam Giang, Cái Lớn, nhà quay phim Trần Phong, một người con của Cà Mau đã bò toài trong bùn sình, giương máy quay giữa làn đạn của tàu chiến địch, dũng cảm bấm máy ghi hình tàu chiến Mỹ mịt mùng khói lửa vì trúng đạn phi lôi của bộ đội Đoàn 962 và đội du kích Kinh 17. Bộ phim “Một trận đánh tàu” được tập thể chúng tôi hoàn thành và kịp thời công chiếu rộng rãi khắp miền Tây, được bộ đội và nhân dân nhiệt liệt đón nhận. Bộ phim hân hạnh được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển năm 2015 của tỉnh Cà Mau.  

Ngoài “Bệnh viện trong rừng đước” và “Một trận đánh tàu” thì nơi đây, từ Năm Căn qua Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước, nhà quay phim hàng đầu của chúng tôi là Lê Châu đã ghi nhiều hình ảnh về đồng bào miền Tây thọ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi xây dựng Đền thờ Người ở nhiều nơi. Đây là những hình ảnh rất chân thật về tấm lòng của bà con nơi mảnh đất cuối cùng Tổ quốc, là Thới Bình, Cà Mau từng gởi tặng cho Cụ Hồ cây vú sữa miền Nam được cả nước biết đến.

Nếu kể tên phim thì chỉ là một phần thành quả của Nhiếp – Điện ảnh TNB, vì rất nhiều ảnh chụp và cảnh quay chưa kịp dựng thành phim, hay in thành ảnh. Tất cả giờ trở thành “quốc bảo” của ngành Truyền hình Việt Nam. Quốc bảo ấy gồm những hình ảnh thời chiến từ những trận đánh ngoài mặt trận cho tới cảnh đồng bào vót chông xây làng chiến đấu, xay lúa, giã gạo đóng đảm phụ nuôi quân và tiễn con em đi bộ đội. 

Thời bình, khán giả xem phim của chúng tôi trên truyền hình, còn thời chiến thì xem trên màn bạc. Đó là tấm vải trắng viền đen mỗi bề rộng chừng một tầm đất, mà mỗi khi chúng tôi căng ra là ở đó vui như một ngày hội. Ban đầu, tấm vải trắng huyền thoại ấy nhận rọi hình từ những tấm phim, gọi là “ảo đăng”. Rồi sau đó nó in hình động từ những thước phim mà bà con gọi là “hát bóng”. Trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, không nơi nào được “coi hát bóng” nhiều như ở miền TNB. Mỗi tỉnh đều có 1 – 3 đội chiếu phim, len lỏi khắp nơi từ vùng giải phóng đến vùng ven đô thị. “Rạp chiếu bóng” là mặt ruộng khô, là sân chùa, người xem ngồi trên gốc rạ, trên xuồng ba lá. Nhiều lúc bà con ở thành thị, nơi có những rạp hiện đại chiếu phim truyện giải trí, lại đi ngược về vùng giải phóng xem phim thời sự của cách mạng.

Nghệ thuật thứ Bảy này đã được vận dụng một cách sáng tạo và độc đáo. Xem được những mẫu phim thời sự, phóng sự dẫu được Xưởng phim Giải phóng miền TNB sản xuất tại chỗ, không có âm thanh mà chỉ có lời bình đọc rời kèm theo, hay những bộ phim tài liệu, phim truyện từ miền Đông gởi xuống hay miền Bắc chuyển vào, bộ đội, du kích và đồng bào không chỉ vui mà còn hăng hái tinh thần kháng chiến, tin tưởng ngày thắng lợi sau cùng.

Nhiều người thường nói “người chụp ảnh, quay phim nơi chiến trường nguy hiểm như người lính cầm súng”. Thật vậy, đã có 19 đồng nghiệp ngã xuống khắp TNB. Các chị là Ngô Kim Hương, một nữ dựng phim giỏi, thuộc thế hệ đầu của Nhiếp – Điện ảnh TNB; là Nguyễn Thị Bạch Yến đang tuổi yêu đời và yêu nghề mới vừa tập sự. Các anh là quay phim Trần Bạch Đằng, trúng đạn khi đang đuổi theo ghi hình những chiếc xe quân sự địch bốc khói tháo chạy trên Quốc lộ 4, giờ là Quốc lội 1. Các anh là Mai Thanh Liêm, Phạm Minh Tước, bị bom địch vùi trong đất nhưng trong người vẫn ôm chặt máy quay phim. Các anh là Nguyễn Khắc Tâm, Lê Thượng nằm lại trong rừng U Minh khi thực hiện nhiệm vụ như một người trinh sát dẫn đầu cho đồng nghiệp phía sau an toàn. Đau lòng hơn khi Nhiếp ảnh gia Trần Bình Khuôl và người con là Phóng viên ảnh Trần Oai Dũng cùng hy sinh.

Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình cùng các đại biểu thắp hương tưởng nhớ các nghệ sĩ, liệt sĩ ngành Điện ảnh – Nhiếp ảnh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Bia Điện ảnh – Nhiếp ảnh TNB do Điêu khắc gia Trần Thanh Phong, là con của Nhiếp ảnh gia Trần Bình Khuol, điêu khắc để lưu danh những đồng nghiệp của mình đã ngã xuống. Bia xây dựng hình tượng những người quay phim, chụp ảnh, chiếu phim hết sức khiêm tốn nên không phải để thành tượng đài ngoài trời mà thành tượng đài mãi mãi trong lòng những ai trân trọng nền Điện ảnh Cách mạng đã có những đóng góp xứng đáng cho lịch sử chiến tranh và gia đình của anh chị làm nhiếp ảnh, điện ảnh ngã xuống. Và bia lưu niệm đặt tại xã Hàm Rồng giàu truyền thống cách mạng, giàu những cánh rừng đước và những con sông nước mặn cuối trời Tổ quốc tràn đầy sinh lực này, sẽ là nguồn khích lệ bền vững cho tất cả chúng ta.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng (bìa trái) cùng đại diện Ban liên lạc Điện ảnh – Nhiếp ảnh Tây Nam Bộ trồng cây lưu niệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *