Nhiều bến xe không đạt yêu cầu

Việc kiểm tra tập trung vào hai nội dung chính là tiêu chuẩn về kỹ thuật và công tác quản lý, điều hành. Trong 5 bến xe được kiểm tra đợt này có 2 bến xe công lập, được đầu tư xây dựng từ ngân sách của địa phương (Bến xe khách Cà Mau, Bến xe Cà Mau – Kiên Giang); 3 bến xe tư nhân được đầu tư với hình thức xã hội hóa (bến xe Đá Bạc, Năm Căn, Sông Đốc). Theo đánh giá của đoàn, hai bến xe công lập, về cơ bản đảm bảo các tiêu chí theo quy định và duy trì được các tiêu chí này cùng với thời gian ra quyết định công bố đưa vào khai thác.

Diện tích phòng chờ và quầy bán vé là một trong những tiêu chí kỹ thuật quan trọng tại các bến xe cố định. Tiêu chí này rất hiếm được thực hiện tại các bến trên địa bàn tỉnh. Duy chỉ có Bến xe khách Cà Mau được duy trì và nâng cấp kể từ lúc được công bố đưa vào khai thác đối với tiêu chí này.

Bến xe khách Cà Mau (Phường 6, TP. Cà Mau) là bến xe chủ lực của tỉnh, lưu lượng xe và hành khách khá đông, hoạt động liên tỉnh đã được đầu tư nâng cấp đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân. Vì đóng vai trò là bến xe chủ lực của tỉnh nên công tác quản lý điều hành nơi đây được thực hiện tốt, nền nếp.

Riêng bến xe Cà Mau – Kiên Giang (Phường 9, TP. Cà Mau) do đặc thù phương tiện ít, phục vụ chủ yếu một tuyến cố định là Cà Mau – Kiên Giang, nên thời gian qua việc quan tâm đầu tư còn rất hạn chế. Mặt sân vẫn là đá cấp phối, trong khi quy định hiện hành thì tiêu chuẩn của một bến xe cố định, mặt sân phải được xây dựng bằng bê-tông cốt thép hoặc là bê-tông nhựa. Nhà chờ vẫn chưa đảm bảo được diện tích. Một số hạng mục phụ khác hầu như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Đối với 3 bến xe còn lại (Đá Bạc, Năm Căn, Sông Đốc) được đầu tư theo hình thức xã hội hóa; theo đánh giá của đoàn, các yếu tố về kỹ thuật và công tác quản lý điều hành không đạt yêu cầu. Do đặc thù của địa phương, việc bố trí chỗ cho xe ô tô khách hoạt động để phục vụ đi lại của hành khách trên địa bàn nội tỉnh hết sức khó khăn. Nếu như chưa đi vào công bố khai thác thì nó vẫn là bến tạm. Theo quy định hiện hành, tuyến xe khách cố định không được hình thành ở những bến tạm mà phải được hình thành ở hai đầu bến được công bố đưa vào khai thác, gọi là bến cố định. Về tiêu chuẩn và hình thức, hoạt động của các bến cố định là như nhau, không phân biệt là bến tư nhân hay công lập. Mặc dù ngay khi được công bố đưa vào khai thác, chủ bến đã có cam kết sẽ đầu tư dần để đảm bảo đúng quy định hiện hành. Nhưng trong suốt quá trình hoạt động, việc đầu tư và duy trì các tiêu chí về kỹ thuật là chưa tốt. Một số nơi thiếu sự quan tâm nên đã và đang xuống cấp trầm trọng. Một số vi phạm thường gặp: Mặt bến đa phần là đá cấp phối, không có phòng bán vé, không nhà chờ, không cổng rào, phân khu chức năng… Tổ chức quản lý điều hành vẫn còn rất hạn chế, yếu kém: Nhân sự điều hành chưa đảm bảo; trong quá trình tổ chức điều hành chưa mở sổ theo dõi các nội dung theo yêu cầu khi xe xuất bến và nhập bến: Biển số xe, xuất bến hay nhập bến, số lượng hành khách trên xe, thời gian có phù hợp hay không, tài xế lái xe có đủ bằng cấp chuyên môn cho phép hay không…

Một trong những sai phạm không thể chấp nhận được là trong ba bến xe tư nhân được kiểm tra đợt này, ngoại trừ bến xe Năm Căn thì hai bến xe còn lại chủ bến thu phí xe xuất bến, nhập bến nhưng không có biên lai chứng từ nào xác nhận. Ngoài ra vẫn còn một số sai phạm khác không đáng có: Bố trí cán bộ điều hành không hợp lý, không công bố chữ ký của các cán bộ này tại hai đầu bến.

Ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải – Sở Giao thông vận tải: “Đối với những sai phạm mà đoàn phát hiện, Sở Giao thông vận tải tùy vào mức độ sẽ có những biện pháp xử lý theo đúng quy định. Trước mắt sẽ có hai hình thức xử lý: Thanh tra giao thông sẽ thay mặt Sở Giao thông vận tải xử lý vi phạm hành chính; Giám đốc Sở sẽ xử lý vi phạm về mặt quản lý nhà nước, đối với hình thức xử lý này, mức độ nặng nhất có thể là rút giấy phép hoạt động của bến xe”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *