Nhiều chuyển biến cho ngành Nông nghiệp

Xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một phần quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế; từ đó, TP. Cà Mau đã chọn ra 3 ngành hàng chủ lực là con tôm, cây lúa – rau màu và cá chình, cá bống tượng. Theo ông Thái Văn Tính, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Cà Mau, sản lượng thủy sản đã tăng dần qua từng năm, tính đến cuối năm 2017, sản lượng đạt 20.184 tấn, tăng 4.649 tấn so với năm 2014 (khi chưa thực hiện đề án). Diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống giảm dần, chuyển đổi sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã sản xuất rau màu theo hướng VietGAP và đạt chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Riêng năm qua đã thực hiện thành công 21ha dưa hấu Lý Văn Lâm đạt chuẩn VietGAP.

Hiện nay, thành phố tập trung đầu tư sản xuất rau màu theo hướng VietGAP và đạt chuẩn VietGAP tại xã Lý Văn Lâm.

Nhờ vậy mà thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã đạt 44 triệu đồng/người/năm, tăng 3,3 triệu đồng so với năm 2014. Khi đề cập đến cây lúa, ông Tính thông tin: “Đã chuyển dần các giống lúa kém chất lượng sang các giống lúa chất lượng đạt 85%; nâng cao năng suất và giá trị gia tăng và tổ chức lại sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn”.Trong đó tập trung phát triển tại các xã: An Xuyên, Lý Văn Lâm, Tân Thành và phường Tân Thành. Đặc biệt, TP. Cà Mau đã quy hoạch lại 2 ô thủy lợi khép kín ở xã An Xuyên và xã Lý Văn Lâm; cơ cấu mùa vụ đối với những nơi có điều kiện: Lý Văn Lâm, An Xuyên, Tân Thành, phường Tân Thành và một phần của Phường 6, thực hiện 2 vụ/năm (hè thu và thu đông), với tổng diện tích là 2.600ha.

Mô hình Cánh đồng lớn lúa cao sản giờ đây vẫn được xem là chủ lực của xã An Xuyên vì những lợi ích mà mô hình này mang lại, nhiều giống lúa chất lượng cao đã được sử dụng: OM – 5451, OM – 6162, RVT… Gần đây còn có giống lúa Đài Thơm 8. Bà con ở hai ấp Tân Dân và Tân Thời đã thực hiện với diện tích 100ha, có 93 hộ tham gia, với mục tiêu tổ chức sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã An Xuyên, nhờ được đầu tư, hiện toàn xã đã có 2 ống bọng, 9 cống thủy lợi, 4 trạm bơm đảm bảo trong việc chống ngập úng, từ đó phục vụ rất tốt cho việc sản xuất.

TP. Cà Mau chọn 3 ngành hàng chủ lực, trong đó có cá bống tượng. Ảnh: CHÍ BẮC

Hơn 10 năm làm lúa theo phương thức truyền thống, ông Nguyễn Thanh Bình, ấp Tân Thời, xã An Xuyên luôn có suy nghĩ là làm cách nào để có thể tăng năng suất lúa, ổn định đầu ra, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Thời điểm trước đó, ông Bình và các hộ lân cận chỉ chọn những giống lúa truyền thống: OM – 576, OM – 6976… và cũng thực hiện không đồng loạt. Đến năm 2017, khi có chủ trương tham gia mô hình Cánh đồng lớn, được nhà nước hỗ trợ 30% lúa giống và được tập huấn về khoa học – kỹ thuật; sau 1 năm, ông Bình đã quyết tâm gắn bó với mô hình này.

Trước khi chưa thực hiện đề án tái cơ cấu, năm 2012, người dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận chỉ chiếm 50%, đến năm 2017 tăng lên 80%, kéo theo thu nhập bình quân tăng 2,5 triệu đồng/ha. Ông Hùng cho biết thêm: “Xác định ngành chủ lực của xã An Xuyên là cây lúa, trước mắt là củng cố, nâng cao hiệu quả hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp: Nạo vét kênh thủy lợi, kiểm tra thường xuyên, duy tu, sửa chữa cống và phát huy hiệu quả của các trạm bơm. Từ đó sẽ đưa năng suất, hiệu quả của cây lúa lên; thành lập một số THT và HTX sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng đến THT sản xuất lúa giống để phục vụ tại chỗ cho bà con”.

Cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giúp nâng cao chất lượng và sản lượng trong ngành Nông nghiệp.

Chỉ bước đầu thực hiện đề án nên khả năng tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất của người dân còn hạn chế, đặc biệt là về vốn. Các sản phẩm chủ lực của TP. Cà Mau đầu ra còn bấp bênh, lên xuống thất thường, chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Đã có nhiều giải pháp như kêu gọi các doanh nghiệp, công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, trung tâm giống, doanh nghiệp thu mua, thực hiện chuỗi liên kết trên mặt hàng cây lúa tại xã An Xuyên và xã Lý Văn Lâm. Từ đó giúp bà con giảm được chi phí trong sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng trong sản xuất trên cùng một diện tích. “Từ đây đến năm 2020, TP. Cà Mau sẽ tiếp tục tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng; cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân…”, ông Tính cho biết.

Dự kiến đến năm 2020, sau khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nguồn vốn nhà nước sẽ phải đầu tư cho TP. Cà Mau khoảng 20 tỷ đồng. Vì vậy cần phải tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, của các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện đề án; đẩy mạnh phát triển đối tác công – tư và phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp phải trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *