Nhiều địa phương tất bật trồng màu đón tết

Hộ ông Lộc có diện tích trồng cải củ lớn nhất của xã Trí Phải (huyện Thới Bình), nhưng nguồn hàng của ông không bao giờ bị dội chợ do ông biết cách chia mùa vụ để trồng.

Tới thời điểm này, nhiều hộ trồng màu trên địa bàn tỉnh khá bận rộn với việc xuống giống để cung ứng lượng lớn hoa màu cho thị trường tiêu thụ nhân dịp Tết Nguyên đán 2019. Các loại màu có thời gian sinh trưởng dài ngày: Khổ qua, hành lá, dưa hấu, cà chua… bà con ưu tiên xuống giống từ hơn nửa tháng trước.

Là hộ có thâm niên trồng màu trên 10 năm, ông Nguyễn Văn Lộc (Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) cho biết: “Thời tiết năm nay không mấy thuận lợi cho vụ mùa phục vụ tết. Do mưa kéo dài, dễ gây ngập úng, còn nắng kéo dài ảnh hưởng đến phát triển của cây. Mặt khác, đây còn là điều kiện cho nhiều sâu bệnh trên hoa màu tấn công”.

Tỉnh Cà Mau hiện có nhiều địa điểm trồng hoa màu với số lượng lớn: Huyện Trần Văn Thời; xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau); xã Khánh Hòa (huyện U Minh) và xã Trí Phải, Tân Phú (huyện Thới Bình)…

Trí Phải có diện tích trồng màu trên 50ha, với trên 100 hộ tham gia. Tập trung nhiều nhất ở Ấp 1 và Ấp 5. Để tránh tình trạng được mùa mất giá, các hộ trồng màu của Ấp 5 thành lập tổ hợp tác trồng màu với 33 tổ viên. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm với nhau, các thành viên trong tổ còn “phân chia” giống cây để trồng, tránh tình trạng mặt hàng thì quá nhiều, mặt hàng thì thiếu. Chính vì nắm được cung cầu nên nhiều năm trở lại đây, người dân trồng màu của xã Trí Phải ít gặp trường hợp “được mùa mất giá”.

Trong những năm gần đây, bà con biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, trồng được nhiều đợt hoa màu trái vụ. Như hộ ông Lộc, biết “phát minh” hệ thống tưới tiêu phục vụ cho sản xuất, nên với ông, việc trồng hoa màu trái vụ là chuyện rất bình thường. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ thì tổ hợp tác của ông sẽ triển khai trồng để có sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Hiện ông còn hơn 500m2 đất trồng cải củ, khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch. Giá hiện nay 5 ngàn đồng/kg. Ông Lộc cho biết: “Xong vụ cải củ này tôi tiếp tục xuống giống đợt 2, sẽ thu hoạch ngay tết”. Ngoài ra, ông Lộc còn trồng thêm khổ qua để cung ứng cho thị trường tết, vì theo kinh nghiệm của ông, năm nào khổ qua cũng bán rất được giá. Có năm hút hàng, khổ qua đội giá lên 25 – 30 ngàn đồng/kg, nên phần lớn diện tích đất của ông Lộc vụ này trồng chủ yếu là khổ qua.

Nhiều hộ chọn lựa trồng để qua tết mới thu hoạch. Vì như thế tránh được tình trạng thương lái ép giá khi nguồn hàng quá nhiều.

Thời tiết diễn biến khó lường, sâu bệnh dễ tấn công trên ruộng rẫy của người dân. Để hỗ trợ người dân trong khâu chăm sóc hoa màu, chị Vương Thị Kim Ngân, cán bộ sản xuất cơ sở của xã, cho biết: “Trong các lớp tập huấn, thực hành hiện trường, khuyến cáo bà con hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Tại một số hộ vẫn còn sử dụng nhưng có cam kết thời gian cách ly”.

Theo ngành chức năng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi trồng trọt được xác định là cần phải thực hiện đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất, chọn giống phù hợp, đa dạng hóa các đối tượng cây trồng, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, từ khâu cải tạo đất, chăm sóc, quản lý, phòng trừ các đối tượng dịch hại như chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… Thuốc bảo vệ thực vật cần được xem là biện pháp cuối cùng khi đã áp dụng tất cả các biện pháp khác mà sâu bệnh vẫn phát triển gây hại. Giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng theo hướng tìm rau màu sạch để sử dụng, nên việc hạn chế sử dụng thuốc trong trồng trọt là việc làm rất cần thiết, vừa cung ứng cho thị trường lượng sản phẩm sạch, vừa đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Kiều Khuyên, Phó Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khuyến cáo: “Bà con nên thường xuyên thăm rẫy rau màu để phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đồng thời, bà con cần lưu ý trong việc bón phân, cần phải cân đối, không nên bón nhiều phân đạm để tránh sâu bệnh. Đặc biệt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo tuân thủ thời gian cách ly đã in trên bao bì sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Qua đó, giúp bà con có một vụ mùa cuối năm thành công”.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trung tuần tháng 12, toàn tỉnh xuống giống được 180ha, lũy kế 9.010ha (đạt 113,39% so với cùng kỳ). Trong đó: Cải các loại 104ha, lũy kế 4.802ha; dưa, bầu bí 22ha, lũy kế 2.163ha; rau khác 54ha, lũy kế 2.045ha. Diện tích này còn tăng cao vào những tháng giáp tết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *