Nhiều hạn chế cần chấn chỉnh trong xử phạt vi phạm hành chính

Sai sót trong số hồ sơ xử phạt

Tại UBND xã Đất Mũi, sau khi nghe qua báo cáo của địa phương, ông Trần Hoàng Lộc cho rằng sẽ không nhận định được gì từ báo cáo này, vì quá chung chung, không theo đề cương của đoàn kiểm tra, thiếu số liệu…

Qua kiểm tra thực tế một số hồ sơ xử phạt VPHC phát sinh từ ngày 1/1/2018 – 31/3/2019, cho thấy nhiều sai sót. Cụ thể: Không xác định được khung xử phạt VPHC, ghi thiếu thông tin, không biên bản VPHC, sắp xếp không đúng hệ thống quy định của ngành (công an), không biên bản giao quyết định xử phạt VPHC, không niêm yết quyết định xử phạt VPHC tại nơi cư trú (trường hợp người vi phạm rời khỏi địa phương). Xử phạt đối với hành vi đá gà, đánh bài… là trường hợp bắt người có hành vi vi phạm quả tang, tuy nhiên trong quá trình xử lý chuyển từ hình sự sang xử phạt VPHC thì quy trình chuyển đổi lại không phù hợp. Bắt người có lệnh bắt nhưng khi thả người thì không có văn bản nào thể hiện…

Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cũng nhìn nhận: Đã qua, năng lực, nhận thức của cán bộ, công chức đối với lĩnh vực này còn hạn chế nên xảy ra nhiều sai sót.

Từ thực tế kiểm tra, ông Lộc đề nghị UBND xã cần xây dựng lại báo cáo hoàn chỉnh, nếu có kiến nghị phải đề cập rõ ràng. Cần cập nhật, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để áp dụng chính xác; trước tiên cán bộ, công chức phải nắm vững quy định, sau đó mới tuyên truyền trong dân…

Tại UBND huyện Ngọc Hiển, qua kiểm tra thực tế từ các hồ sơ lưu trữ cho thấy cũng mắc phải nhiều sai sót tương tự. Việc lưu trữ thiếu nhiều thành phần hồ sơ, trong xử lý VPHC nhiều lĩnh vực thiếu chặt chẽ; lập biên bản, ban hành quyết định thiếu nhiều thông tin quan trọng: Ngày, tháng, định giá tài sản tịch thu. Nhiều hồ sơ không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, nếu có thì áp dụng không “trúng”. Việc giám sát kết quả thi hành quyết định xử phạt hành chính chưa được thể hiện trên thực tế, không có dấu hiệu nhận biết hồ sơ được thi hành…

Kiểm tra thực tế tại UBND xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), ông Trần Hoàng Lộc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng năng lực, nhận thức của cán bộ, công chức làm công tác liên quan đến xử lý vi phạm hành chính còn nhiều hạn chế.

Khó khăn từ thực tiễn

Từ năm 2018 đến ngày 31/3/2019, qua rà soát trên địa bàn huyện, đã xảy ra 650 vụ VPHC liên quan đến 659 đối tượng, trong đó có 2 tổ chức, tập trung vào các lỗi vi phạm: Đánh bạc, khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép, vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, đất đai… Theo đó, các cấp trên địa bàn đã ban hành 715 quyết định xử phạt VPHC trên nhiều lĩnh vực, với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Theo UBND huyện Ngọc Hiển, thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt VPHC thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân xuất phát từ các quy định hiện hành. Cụ thể, việc quy định của Luật Xử lý VPHC chưa phù hợp với thực tiễn: Về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC bị giới hạn với thẩm quyền phạt tiền của các ngành, các cấp; việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới quyết định xử phạt, thủ tục thẩm định giá trị tang vật, xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ… quy định chưa rõ ràng.

Tại khoản 3, Điều 18 Luật Xử lý VPHC quy định: “… Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý VPHC có trách nhiệm phát hiện quyết định xử lý VPHC do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền”. Trường hợp người vi phạm đã chấp hành xong quyết định về xử lý VPHC do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót thì xử lý như thế nào, chưa được luật quy định.

Đối với Nghị định số 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 1/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC trong phần biểu mẫu quy định khi cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt VPHC mà có phần khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền phải ban hành hai quyết định để thực hiện. Một là quyết định thực hiện việc phạt hành chính là thu tiền, hai là quyết định áp dụng khắc phục hậu quả. Đây là vấn đề khiến các cơ quan thực thi pháp luật gặp khó khăn cho quá trình áp dụng thực hiện.

Đối với Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, tại khoản 3 Điều 5 thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế… Điều này gây khó khăn trong quá trình thực hiện cưỡng chế. Quy định như vậy là hết 15 ngày mới cưỡng chế hay là trong thời gian 15 ngày người có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

Đại diện UBND huyện trình bày báo cáo với đoàn kiểm tra, bà Phan Thị Thu, Phó phòng Tư pháp: “Huyện có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất và kinh phí tuyên truyền có hạn; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, bà con chỉ tập trung vào việc mưu sinh, ít quan tâm đến việc tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong xử lý VPHC đôi lúc còn hạn chế, đặc biệt là công tác phối hợp với các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC trong việc cung cấp thông tin, báo cáo chưa kịp thời, chưa rõ ràng nên việc cập nhật, tập hợp số liệu thống kê, báo cáo về trên còn gặp nhiều khó khăn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *