Nhiều hạn chế trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Qua kiểm tra, nhiều địa phương, đơn vị của TP. Cà Mau còn mắc phải nhiều hạn chế, đặc biệt là việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đơn cử như tại phường Tân Xuyên. Kết quả kiểm tra cho thấy đơn vị có ban hành Quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ;), phân công công chức trực tại bộ phận này, đồng thời cũng đã phê duyệt danh mục cắt giảm giải quyết TTHC. Tuy nhiên, việc ban hành quy chế trước thời điểm Quyết định số 60 của UBND tỉnh (quy định hoạt động tại bộ phận TN&TKQ;) có hiệu lực thi hành, do đó một số nội dung chưa được tuân thủ theo đúng Quyết định số 60, dẫn đến quá trình triển khai thực hiện còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể như: Việc niêm yết trên bảng chưa thật sự bảo đảm, chưa tách riêng bảng niêm yết phí, lệ phí công khai riêng biệt; việc niêm yết theo Bộ TTHC (không phải theo bảng rút gọn Quyết định 60) nên khá dài, khó tra cứu; việc công khai dữ liệu trên cổng dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm (chỉ niêm yết 7/146 TTHC).

Thực hiện quy trình giải quyết TTHC chưa thật sự bảo đảm, cụ thể là: Chưa mở sổ theo dõi đầy đủ 100% TTHC theo quy định; một số lĩnh vực không có phiếu hẹn TN&TKQ; dẫn đến một số hồ sơ liên thông trễ hạn nhưng không được thống kê; việc tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận TN&TKQ; chưa đúng quy định như: Chưa xuất phiếu hướng dẫn hồ sơ, phiếu thông báo hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết… Bên cạnh đó, mặc dù đơn vị có bố trí cán bộ, công chức trực tại bộ phận này theo quy định, trang thiết bị làm việc được trang bị khá tốt, hạ tầng mạng cơ bản bảo đảm yêu cầu; tuy nhiên công chức lại chưa thông thạo quy trình giải quyết TTHC, các công đoạn, quy trình giải quyết TTHC còn theo lối truyền thống, chưa theo quy định, quy trình và các biểu mẫu quy định. Đơn vị chưa phát huy tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, chưa chủ động trong việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết TTHC.

Kiểm tra kết quả giải quyết TTHC cho thấy, việc giải quyết TTHC tại đơn vị với khối lượng khá nhiều, bước đầu có ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm một cửa điện tử) vào giải quyết TTHC. Tuy nhiên, lại chưa tuân thủ toàn bộ quy trình giải quyết TTHC theo Quyết định của UBND; việc ghi sổ theo dõi chưa bảo đảm đầy đủ hoặc chưa có sổ theo dõi; việc thống kê TTHC chưa tuân theo lĩnh vực TTHC thuộc quyết định của UBND thành phố nên rất khó kiểm tra, đánh giá chất lượng giải quyết hồ sơ. Việc theo dõi các hồ sơ giải quyết liên thông (thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, của tỉnh) chưa thực hiện chặt chẽ; còn nhiều hồ sơ trễ hạn chưa được kiểm soát để thực hiện xin lỗi theo quy định.

Thêm vào đó, địa phương này giải quyết TTHC phải thông qua các hội đồng, liên ngành còn thiếu tính linh hoạt (chờ nhiều hồ sơ mới thực hiện họp thông qua, thay vì có thể xin ý kiến bằng văn bản).

Từ ngày 1/1 – 15/5/2017, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH;) TP. Cà Mau tiếp nhận 1.054 hồ sơ thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy tất cả các hồ sơ thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội đều có thời gian giải quyết trễ hạn (ít nhất 2 tháng trở lên). Các khâu liên thông xác định trễ hạn, gồm: Xã, Phòng LĐ-TB&XH; và UBND thành phố khi ký quyết định. Đối với lĩnh vực LĐ-TB&XH;, UBND xã Lý Văn Lâm phát sinh 456 hồ sơ được thụ lý, giải quyết. Sau khi kiểm tra hồ sơ hưởng trợ cấp người khuyết tật, thời gian giải quyết trễ hạn trên tất cả quy trình phát sinh (xã, Phòng LĐ-B&XH; và Văn phòng UBND thành phố).

Theo đoàn kiểm tra, nguyên nhân trễ hạn tại cấp xã là do việc chậm trễ từ việc họp hội đồng xét duyệt hồ sơ không thường xuyên. UBND xã không có cơ chế phối hợp thực thi theo quy trình liên thông, phối hợp từ các bước như: Lập danh sách đối tượng thụ hưởng; hướng dẫn xây dựng hồ sơ cho đối tượng; xác định mức độ khuyết tật y tế, họp hội đồng xét duyệt hồ sơ rất chậm… từ đó làm cho quy trình thực thi không đảm bảo theo quy định, kéo dài thời gian.

Tại các buổi kiểm tra, sau khi báo cáo kết luận sơ bộ, đoàn đề nghị các đơn vị chỉ đạo theo hướng đa dạng hóa hình thức họp hội đồng để khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn. Bên cạnh đó, cũng cần thông báo cho công dân biết việc từ chối thực hiện, hay kết quả giải quyết TTHC khi hồ sơ không đạt. Đặc biệt, cần ban hành văn bản xin lỗi công dân theo quy định tại Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *