Nhiều hạn chế trong thực thi thủ tục hành chính

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh, trong thực thi thủ tục hành chính, nhiều địa phương còn thực hiện chưa nghiêm.

Từ đầu năm đến ngày 15/5/2017, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH;) TP. Cà Mau tiếp nhận 1.054 hồ sơ thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, tất cả các hồ sơ đều có thời gian giải quyết trễ hạn (ít nhất 2 tháng trở lên). Các khâu liên thông xác định trễ hạn, gồm: Xã, Phòng LĐ-TB&XH; và UBND thành phố khi ký quyết định. Đối với lĩnh vực LĐ-TB&XH;, UBND xã Lý Văn Lâm phát sinh 456 hồ sơ được thụ lý, giải quyết; sau khi kiểm tra hồ sơ hưởng trợ cấp người khuyết tật, thời gian giải quyết trễ hạn trên tất cả quy trình phát sinh (xã, Phòng LĐ-TB&XH; và Văn phòng UBND TP. Cà Mau).

Ở UBND xã Tân Hưng Tây (huyện Phú Tân), đoàn kiểm tra 27 hồ sơ bảo trợ xã hội thì phần lớn các hồ sơ đều thừa, thiếu các thành phần hồ sơ. Thời gian giải quyết kéo dài, trễ hạn, không bảo đảm. Toàn bộ hồ sơ tiếp nhận vào các ngày 12 – 17/10/2016, đến ngày 27/10/2016 mới họp Hội đồng xét duyệt và đến ngày 17/11/2016 Hội đồng xét duyệt ký kết luận và chuyển hồ sơ, thủ tục đến Phòng LĐ-TB&XH.; Ngày 6/1/2017, Phòng LĐ-TB&XH; trình UBND huyện; ngày 18/01/2017, UBND huyện ký các quyết định. Như vậy là trễ thời hạn giải quyết TTHC theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Tây, thời gian qua, địa phương cũng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc về các quy định, TTHC, kiểm soát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến thời hạn giải quyết và trả kết quả. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ tại bộ phận một cửa chưa đáp ứng nhu cầu, theo quyết định mới của Chính phủ; đồng thời đội ngũ cán bộ, công chức làm việc còn thiếu, trình độ kỹ năng chuyên môn chưa cao.

Ông Phạm Quốc Sử, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC – Sở Tư pháp, nhận định: Nguyên nhân trễ hạn tại cấp xã là do việc chậm trễ từ việc họp Hội đồng xét duyệt hồ sơ không thường xuyên. Thực tế, việc tổ chức họp Hội đồng phải chờ khi có nhiều hồ sơ phát sinh nên mới trễ hạn. UBND xã không có cơ chế phối hợp thực thi theo quy trình liên thông, phối hợp từ các bước như: Lập danh sách đối tượng thụ hưởng; hướng dẫn xây dựng hồ sơ cho đối tượng; xác định mức độ khuyết tật y tế, họp Hội đồng xét duyệt hồ sơ rất chậm… từ đó làm cho quy trình thực thi không đảm bảo theo quy định, kéo dài thời gian, đối tượng thụ hưởng chính sách không đảm bảo tính kịp thời. “Đề nghị các đơn vị chỉ đạo theo hướng đa dạng hóa hình thức họp Hội đồng để khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn. Bên cạnh đó, cần thông báo cho công dân biết việc từ chối thực hiện hay kết quả giải quyết TTHC khi hồ sơ không đạt. Đặc biệt, các địa phương cũng cần ban hành văn bản xin lỗi công dân theo quy định tại Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Sử đề nghị.

Việc đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị là một trong những thước đo quan trọng và là động lực để thực hiện thành công CCHC. Do đó, để thực hiện thành công Đề án CCHC, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bảo đảm cho công tác CCHC thật sự là một khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *