Nhiều khó khăn cho nông dân!

Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Nguyễn Hồng Cẩm đã xuất bán 30 – 40 con heo thương phẩm, mức lỗ lên đến 60 – 70 triệu đồng.

Giá cả bấp bênh

Chỉ tay về đàn heo lớn nhỏ trên trăm con đang la hét inh ỏi, bà Nguyễn Hồng Cẩm (ấp Hàng Còng, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) thở dài: “Hồi đó, nuôi ít nhưng mỗi đợt xuất bán, còn có lãi tầm 10 – 20 triệu đồng. Nuôi tôm, thấy thời gian rảnh rỗi nhiều nên gia đình đã đầu tư nuôi heo quy mô lớn hơn với hy vọng lấy công làm lời, nào ngờ năm nay giá cả lại rớt thê thảm. Từ đầu năm đến nay, đã xuất bán 30-40 con, chịu lỗ lên đến 60 – 70 triệu đồng”.

Ông Bùi Tấn Hóa (ấp Tân Thành Mới, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) có hơn 10 năm theo nghề nuôi cá sấu. Trải qua 3 đợt nuôi: Đợt 1, ông nuôi khoảng 30 con, sau gần 2 năm nuôi xuất chuồng, trừ chi phí thì lấy được vốn xây dựng chuồng trại; đợt 2 nuôi 40 con, lãi trên 20 triệu đồng; đợt 3 nuôi 230 con, sau hao hụt chỉ còn 130 con lớn nhỏ, tiền con giống ban đầu là 110 triệu đồng, cộng tiền thức ăn mỗi năm 50 – 60 triệu đồng, kéo dài đã 3 năm nay nhưng không xuất bán được do giá quá thấp, chỉ 60 – 80 ngàn đồng/kg. Ánh mắt buồn rười rượi nhìn về đám cá sấu nằm xấp lớp trong chuồng, ông Hóa nói: “Với đà này, lỗ chắc trong tay bạc trăm triệu chứ không ít”.

Đã nhiều năm nay, chuyện giá cả nông sản bấp bênh là câu chuyện quá quen thuộc xảy ra với người nông dân. Đó là, sau một thời gian giá cá bổi nguyên liệu ở các vùng ngọt hóa như huyện Trần Văn Thời, U Minh tăng lên ở mức đảm bảo cho người nuôi có lãi và hy vọng vào sự ổn định bền lâu cùng với thương hiệu cá khô bổi, thì bất ngờ, từ những tháng cuối năm 2016 đến đầu năm nay, giá lại giảm mạnh khiến người nuôi tiếp tục sống trong cảnh thấp thỏm âu lo, phải chấp nhận bán lỗ. Đó là chuyện thời gian dài giá heo thương phẩm ổn định đảm bảo người nuôi có lãi, nhiều tổ chức cá nhân còn đã nghĩ ra giải pháp giúp hộ nghèo thoát nghèo bằng việc hỗ trợ con giống giúp bà con thực hiện mô hình nuôi heo thương phẩm, đến hộ có khả năng kinh tế thì đầu tư hàng trăm triệu đồng mở trang trại nuôi heo… thì đùng một cái, giá heo thương phẩm thấp kỷ lục, người nuôi heo lại khốn đốn, hộ nghèo càng thêm khó. Đến chuyện cá sấu rớt giá mạnh khiến hàng trăm hộ nuôi cá sấu trong tỉnh dở khóc dở cười. Vì vậy, nông dân đành chọn giải pháp “treo ao”, “treo chuồng” do hết vốn đầu tư.

Những người nông dân trồng hoa màu ở các vùng ngọt hóa vốn phải đổ mồ hôi ngày này qua tháng nọ, hễ năm nào thất mùa thì được giá và ngược lại. Ông Nguyễn Hồng Phúc (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Thời điểm này năm trước, thương lái đến tận nhà mua mướp với giá 6.000 – 7.000 đồng/kg, thì nay chỉ có 2.000 – 3.000 ngàn đồng/kg; các loại rau khác như: Bồ ngót, rau muống, mồng tơi, rau dền giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg… Thật không biết đến bao giờ nông dân mới được hưởng niềm vui trọn vẹn”.

“Đầu vào”, “đầu ra” đều bị “chém”

Người nông dân một nắng hai sương trên thửa ruộng, mảnh vuông nhưng nghịch lý là khó có thể làm giàu được. Có quá nhiều khâu trung gian, đồng nghĩa với “siêu lợi nhuận” cho doanh nghiệp, thương lái mà dân phải “cõng” trên lưng ở cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Bởi thực tế, sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong dân còn manh mún, nhỏ lẻ, họ tự bơi trong quá trình sản xuất, đây là cơ hội để các tiểu thương trung gian “hớt tay trên”, chia sẻ nhiều khi đến quá đáng lợi nhuận của nông dân.

Thực tế hiện nay, nông dân đều mua vật tư nông nghiệp, thủy sản “đầu vào” qua các khâu phân phối trung gian, bởi doanh nghiệp bán hàng thông qua các đại lý, đại lý lại phân ra nhiều cấp, thông thường từ đại lý cấp 1 đến đại lý cấp 4. Với hệ thống phân phối như trên, vật tư nông nghiệp, thủy sản được đội giá lên cao, hơn 30 – 40% so với giá của nhà sản xuất, trước khi tới tay nông dân. Dù có biết vậy nhưng nông dân vẫn phải chấp nhận mua, bởi không phải gia đình nào cũng có khả năng trả tiền mặt một lần, thay vào đó là mua “chịu”, đến kỳ thu hoạch cộng dồn trả một lượt; nhất là đối với hộ nuôi tôm công nghiệp tại các vùng mặn như: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… nếu nuôi thất bại thì coi như nợ nần chồng chất, nhiều hộ nợ đại lý lên đến hàng trăm triệu đồng. Điển hình như hộ anh Trần Văn Đến (ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi); sau khoảng 4 năm nuôi tôm công nghiệp, số tiền nợ ngân hàng và đại lý thức ăn lên đến gần 300 triệu đồng. Rất may, vụ nuôi đầu năm nay đạt hiệu quả, gia đình anh đã trả hết tất cả các khoản nợ. Anh Đến cho biết: “Đối với người nuôi tôm công nghiệp, việc chăm sóc cho con tôm phát triển khỏe là điều trên hết, vì nó quyết định sự thành công, thất bại của vụ nuôi. Chính vì thế, hễ con tôm có biểu hiện không bình thường là người nuôi như ngồi trên lửa. Lợi dụng điểm yếu này mà người bán thuốc, kháng sinh trị bệnh trên tôm có thể đẩy giá lên cao; có khi chai thuốc nhỏ xíu có giá đến 3 – 5 triệu đồng, nhưng nghĩ rằng có thể cứu vãn thay vì đánh đổi hàng trăm triệu đồng số tiền đã đầu tư, mà nông dân đành bấm bụng mua. Tuy nhiên, chất lượng thật của thuốc là điều chúng tôi lo lắng nhất, có lỡ thất bại thì người bán cho rằng do tôm bệnh nặng, cứu không được. Nông dân lại ngậm đắng ôm nợ”.

Trang trại chăn nuôi gà, vịt của anh Lâm Quốc Toản (xã Khánh Lâm, huyện U Minh) có số lượng con giống dao động trên 2.000 con, chi phí thức ăn mỗi ngày khoảng 5 triệu đồng. Anh Toản tính, qua tìm hiểu giá thức ăn từ nhà sản xuất, qua các đại lý từ cấp 1 đến cấp 4, thì hằng ngày anh mất trên 600 ngàn đồng cho các khâu trung gian, như vậy mỗi năm anh Toản thất thoát trên 200 triệu đồng cho khoản này. Anh Toản cho biết: “Hiện nay, điều kiện chăn nuôi gặp khó khăn, cùng với nhiều công ty thức ăn chào hàng giá cạnh tranh, nên mức chênh lệch qua các khâu trung gian có phần hạ xuống. Chứ trước đây, hằng ngày số tiền trả qua các khâu trung gian lên đến 30 triệu đồng/tháng (bình quân mỗi ngày mất 1 triệu đồng). Trong khi đó, sản phẩm nông dân làm ra thì bán với giá thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Đường nào nông dân và người tiêu dùng cũng bị “chém” và chịu thiệt thòi”.

Đến những cú lừa, “ăn cắp” ngoạn mục trong mua, bán

Đó chính là một bộ phận tiểu thương lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết và mất cảnh giác của người dân mà ra tay thực hiện những cú lừa, gian lận ngoạn mục trong quá trình trao đổi, mua bán, “ăn cắp” một cách trắng trợn công sức và mồ hôi của nông dân.

Nhớ lại đợt hạn hán khủng khiếp diễn ra những tháng đầu năm 2016, xã Khánh Lâm (huyện U Minh) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Chính vào thời điểm khó khăn nhất, tại Ấp 15 có đến 3 hộ dân bị thương lái lừa mua lúa chịu rồi bỏ trốn, số tiền lên đến 70 triệu đồng, đẩy nông dân vào cảnh nợ nần chồng chất, vốn nghèo khó lại càng khổ. Bà Lê Thị Khoe, một trong những hộ dân bị lừa gạt, chia sẻ: “Tôi và chồng từng là bộ đội, vì ảnh hưởng chiến tranh mà các con tôi bị nhiễm chất độc da cam. Cả đời chúng tôi làm ăn chân chính, dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng lao động sản xuất để vươn lên. Vụ lúa đợt ấy, gia đình tôi bán được trên 4 tấn, nếu trả tiền giống, phân bón cho đại lý thì lãi cũng chỉ vài triệu đồng. Ấy vậy mà bị bọn thương lái lừa đảo, gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ thì còn đó. Mong các ngành chức năng có biện pháp trừng trị thích đáng bọn xấu này”.

Tương tự, dù sự việc xảy ra cách đây khoảng một năm, nhưng nhắc đến là nhiều hộ dân tại ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân hết sức bức xúc vì hành vi “ăn cắp” trắng trợn của bọn thương lái thu mua tôm. Nạn nhân là gia đình ông Lê Văn Cảnh, sau nhiều năm nuôi tôm công nghiệp lãi thì ít, lỗ nhiều, giữa năm 2016 gia đình vui mừng vì đầm tôm thẻ công nghiệp hiệu quả, đạt 42 con/kg, ước năng suất đạt 3,5 tấn, nếu phỏng tính với giá 142 ngàn đồng/kg, trừ chi phí thì còn lãi trên 200 triệu đồng. Những ngày cuối chờ giá, chọn lái bán tôm, vợ chồng ông Cảnh vừa mừng vừa lo không đêm nào ngủ yên, thay nhau thức canh đầm tôm. Ngày thu hoạch, thương lái đề nghị mua mão 2 tấn 750 kg, với giá 142 ngàn đồng/kg, gia đình không đồng ý vì thực tế ước lượng tôm trong đầm nhiều hơn. Đến khi cân, kéo tôm xong, vợ chồng ông Cảnh “chết đứng” khi thương lái báo có 943kg. Người dân xung quanh không tin, nói gia đình ông Cảnh giấu vì thấy lượng tôm chuyển đi nườm nượp. Vợ chồng ông Cảnh bị cú lừa quá đau, nhưng không có bằng chứng kết tội bọn gian lận. Cả đêm, vợ chồng ông Cảnh không ngủ được và suy nghĩ con đường gian lận của bọn thương lái. Đúng ngày hôm sau, bọn thương lái này trở lại thu mua đầm tôm em gái của ông Cảnh (hộ bà Lê Thị Đẹp và ông Võ Văn Hùng) cũng với hình thức tương tự: Chúng đề nghị mua mão, không được đồng ý, chúng đưa lực lượng vào đầm tôm khá đông, gây xáo trộn hiện trường. Vợ chồng ông Cảnh bí mật theo dõi, thì đúng như suy nghĩ của ông, chúng cho tôm vào giỏ đệm, chuẩn bị sẵn dưới ao, lợi dụng sơ hở của chủ ao, chúng chuyển thẳng cho lực lượng vận chuyển tôm, không qua cân. Sợ việc bị phanh phui, công an vào cuộc, thương lái chấp nhận bồi thường đầm tôm cho ông Hùng tổng cộng 430 triệu đồng, tương đương 3,5 tấn…

Chuyện người nông dân bị thương lái ép giá, gian lận, lừa đảo trong mua bán không còn cũ. Thế nhưng, gần như các địa phương, cơ quan quản lý hay các hiệp hội đại diện chưa có giải pháp thiết thực để giám sát, bảo trợ cho những người nông dân non kém kiến thức trước những mánh lới của tiểu thương và doanh nghiệp “dày dạn” kinh nghiệm. Chỉ đến khi mọi việc đổ vỡ thì mới vào cuộc, tìm cách hỗ trợ mà cũng chỉ cốt là giải quyết tạm thời, nông dân lại tiếp tục rơi vào cảnh thua thiệt đủ đường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *