Nhiều nỗi lo về giá cát

Giá cát tăng, kéo theo các vật liệu như gạch, xi-măng… bán rất chậm.

Từ trước đến nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, việc sử dụng cát để xây dựng công trình chủ yếu là cát tự nhiên, được khai thác từ các mỏ cát sông. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác cát sông không theo quy hoạch được phê duyệt và giấy phép khai thác, nên đã gây hậu quả nghiêm trọng ở một số địa phương.

“Sốt” thị trường cát

Ông Phạm Văn Khanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Cà Mau, cho biết nguồn cát tự nhiên ở nước ta ngày càng khan hiếm do việc bồi lắng, tái tạo các mỏ cát ngày càng hạn chế do việc đầu tư các công trình thủy điện ở thượng nguồn. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguồn cát khan hiếm, đẩy giá cát lên cao. Hiện nay, giá cát trên thị trường Cà Mau tăng gấp 3 lần so với thời điểm tháng 3/2017. “Thêm nữa là những DN khai thác cát lậu, bị Nhà nước cấm nên không đủ cung cho thị trường, từ đó các đại lý bán cát như là các DN bán cát, đá, VLXD sẽ lợi dụng vấn đề này đẩy giá lên rất cao”, ông Khanh cho biết thêm.

Thị trường cát biến động cũng đồng nghĩa với các cơ sở VLXD buôn bán chậm. Theo ông Nguyễn Quang Trinh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng – Thương mại dịch vụ Kim Anh (Phường 5), thời điểm tết giá cát vẫn ổn định, nguồn cung còn dồi dào, cát vàng tại bãi có giá 100 ngàn đồng/m³., cát san lấp thì 90 ngàn đồng/m³. Từ khoảng đầu tháng 4 là tình hình có biến động, hiện cát vàng có giá 350 ngàn đồng/m³., cát san lấp thì nằm tầm khoảng 280 ngàn đồng/m³..

Từ biến động giá cát, các dự án LIA thi công chậm tiến độ. Ảnh hưởng đến các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu chưa đầy đủ, TP. Cà Mau có khoảng 125 cơ sở kinh doanh VLXD. Những ngày qua, tình cảnh ra vào không có người mua ở các cơ sở này là chuyện bình thường. Giá nhân công gánh cát vì vậy cũng đội lên 100 ngàn đồng/người/m3.

Đã 62 tuổi, đi làm dành dụm được một khoản tiền, đầu năm 2017 bà Đàm Nguyệt Nga (Phường 5) xây dựng nhà kiên cố (diện tích 425m².), sau 4 tháng thì gặp tình trạng cát lên giá; do có dự trữ cát san lấp, trong thời gian này bà Nga sử dụng tạm, cầm chừng đợi giá cát bình ổn. Bà Nga cho biết: “Nhiều lúc DN không có cát, phải đợi 5 – 6 ngày, lấy cát từ các cơ sở nhỏ lẻ, mỗi khối cát tốn thêm 100 ngàn đồng tiền vận chuyển. Nếu tình trạng này kéo dài thì không biết làm sao”.

Ảnh hưởng các công trình

Nhiều nhà thầu nghĩ đến chuyện dùng đá bụi để thay thế cát vàng, nhưng thực chất đá bụi dùng để san lấp mặt bằng có giá 250 ngàn đồng/m3, nếu thay thế thì khai thác quá mức, dẫn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. Ông Quách Phước Tín, chủ DN Phước Tín (Phường 7), lý giải: Nguồn cung cấp vật liệu bụi đá (còn gọi là mi bụi) từ các mỏ khai thác đá tại Kiên Giang và An Giang, đây là phế phẩm trong quá trình sản xuất các loại đá khác nên số lượng không nhiều, khó vận chuyển, do đó giá thành cao hơn cát đen san lấp rất nhiều. Như vậy, việc sử dụng vật liệu này thay thế là không mấy khả thi.

Còn các xà lan của các DN kinh doanh VLXD, khi đi lấy cát ở các tỉnh xa như: Vĩnh Long, Đồng Tháp… phải nằm neo từ 20 – 30 ngày mới có cát, do không đủ nguồn cát, vì vậy mà tiến độ xây dựng công trình phải chậm lại. Nhiều khách hàng thì liên tục phàn nàn với DN khi giá cát thay đổi liên tục. Anh Tô Nhật Khánh, nhân viên bán hàng của DN Khánh Tiên (phường Tân Thành), nói: “Cơ sở tôi lấy cát từ các xà lan, cát đã khan hiếm rồi, một số xà lan lại còn pha trộn cát với thành phần khác, qua nhiều khâu trung gian nên cát không còn chất lượng nữa. Giá cát tăng kéo theo những vật liệu khác, như: Gạch, đá, xi-măng… không có “đầu ra”. Mong muốn giá ổn định lại để dễ buôn bán hơn”.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Cà Mau có 18 dự án LIA, nhiều nhà thầu có văn bản kiến nghị ngừng thi công, xin điều chỉnh giá hợp đồng; một số gói thầu đến thời điểm mở thầu nhưng không có nhà thầu tham dự do giá cát tăng cao (nhất là các gói thầu san lấp mặt bằng, xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp sử dụng khối cát lớn). Theo ông Phan Văn Biên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố, các DN đang hạn chế việc xây dựng. Hiện tại vẫn chưa có chủ trương nào về việc điều chỉnh giá cát. Theo những nhà cung cấp, giá cát sẽ tiếp tục tăng lên vì việc vận chuyển cát đang bị siết chặt.

“Vấn đề nữa là khi san lấp mà không giải phóng mặt bằng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các công trình, nhất là những công trình lớn. Nhưng giá cát tăng cao, các công trình chỉ biết cầm cự. Và khi Nhà nước kiểm soát chặt việc khai thác cát, không cấp phép cho những dự án mới thì tương lai nào cho các nhà thầu?…”, ông Biên nhận định.

Để tháo gỡ khó khăn do việc khan hiếm nguồn cát và giá cát tăng cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các biện pháp ổn định giá cả thị trường; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh giải pháp thiết kế công trình theo hướng hạn chế sử dụng cát làm VLXD thay thế cát xây dựng; các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý hợp đồng, khối lượng, chất lượng… Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng, tránh tình trạng lợi dụng việc giá cát tăng để kéo dài tiến độ thi công làm tăng chi phí xây dựng và giảm hiệu quả các công trình.

Trước tình hình giá cát tăng, ngày 19/4/2017 Sở Xây dựng ban hành Công văn số 937/SXD-KT gửi UBND các huyện, TP. Cà Mau, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh chủ động tăng cường trong việc theo dõi, xác định khối lượng thực tế thi công, quản lý chi phí VLXD công trình phù hợp với pháp luật và diễn biến trên thị trường. Đồng thời, khuyến cáo chủ đầu tư và nhà thầu thi công rà soát và điều chỉnh tiến độ giữa các phần việc trong gói thầu dự án, tránh tác động của giá cát xây dựng và cừ tràm đến tổng mức đầu tư của dự án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *