Nhiều rủi ro khi chở gas không đúng quy cách trên đường

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh khí đốt trên địa bàn tỉnh đều có thuê nhân viên vận chuyển gas, nhưng khi được hỏi về việc phòng, tránh cháy nổ, an toàn giao thông nếu chẳng may những bình gas rơi xuống đường, thì tất cả đều lảng tránh câu trả lời; chỉ một số ít cho biết thường “chỉ đạo” nhân viên dùng dây cột chặt bình gas, rồi mới cho di chuyển trên đường.

Điều đó cho thấy ý thức bảo vệ an toàn cho nhân viên và người tham gia giao thông trên đường phố của chủ các cơ sở kinh doanh là chưa cao.

Trên địa bàn TP. Cà Mau, không mấy xa lạ đối với mọi người là hình ảnh một người đàn ông điều khiển xe gắn máy, vắt vẻo “cõng” ở phía sau 4 – 5 bình gas, di chuyển trên đường phố. Nhất là vào giờ tan tầm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên đường rất đông. Những chiếc xe chở gas này giống như những “quả bom” di động khiến nhiều người lo sợ, phải chủ động nhường đường. Chị H., một người dân sinh sống tại Phường 8, cho biết: “Mỗi lần đi đưa rước con ở trường về, hoặc đi trên đường một mình mà thấy bóng dáng của những người vận chuyển gas là tôi chủ động “né” liền. Tôi rất sợ, nếu chẳng may đi gần, rồi va chạm với họ, thì hậu quả ra sao chưa ai biết được. Tốt nhất là nên tránh, sẽ an toàn hơn cho cá nhân mình và người thân”.

Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh xe gắn máy “cõng” phía sau nhiều bình gas được gắn vắt vẻo, sơ sài, rồi mặc nhiên di chuyển trên đường phố.

Vì gas là mặt hàng dễ cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng con người, nên theo chị H: “Cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp mạnh tay để xử lý việc vận chuyển gas thiếu an toàn. Việc vận chuyển cùng lúc nhiều bình gas trong giờ cao điểm là chưa ổn, nguy cơ cháy nổ, chết người là rất cao”.

Liên quan đến xử lý tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ tại Điều 32. Căn cứ theo Nghị định, cơ quan chức năng có thể phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi sắp xếp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển không đúng theo quy định; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi không duy trì đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy khi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong thời gian vận chuyển; phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với trường hợp vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

Theo phân tích của chuyên gia phòng cháy chữa cháy, khi vận chuyển bình gas bằng xe máy, nếu chẳng may rơi xuống đường sẽ làm bình gas tăng áp suất, vỏ thép ma sát lớn phát sinh lửa và gây cháy nổ. Hơn nữa, trong trường hợp bị rơi xuống đường, van áp suất bình gas bị gãy, khí gas lọt ra gặp hệ thống đánh lửa của xe máy gần đó sẽ gây cháy, phát nổ. Chính vì vậy, đối với việc vận chuyển gas đã có quy định rất chặt chẽ. Đó là, khi vận chuyển bằng ô tô, phải xếp đứng bình, có các vỏ nhựa ngăn cách giữa các bình để chống va đập; có các thông tin cảnh báo, biển cấm lửa trên thành xe và đặc biệt có đầy đủ phương tiện chữa cháy theo quy định từng loại hình khí hóa lỏng. Điều quan trọng nữa, chiếc xe đó phải được cấp phép chở gas theo luật định và lái xe phải được tập huấn về phòng cháy chữa cháy, sử dụng phương tiện chữa cháy thành thạo.

Theo quy định về vận chuyển khí đốt là gas, mỗi phương tiện vận chuyển là xe gắn máy, mỗi lượt chỉ được chở tối đa một bình có dung tích 50 lít. Xe gắn máy vận chuyển bình gas phải có giá đỡ chắc chắn, bình phải luôn ở vị trí thẳng đứng, van hướng lên trên. Tuy nhiên, trên thực tế, gas thường được chở bằng xe gắn máy và đặt bình nằm ngang. Không những thế, nhiều người còn chở 2 – 3 bình cùng lúc trên xe mà không có thiết bị bảo đảm an toàn khi vận chuyển. Đáng nói, khi được hỏi về quy định trong vận chuyển gas, đa phần nhân viên cho biết không quan tâm tới các quy định trên. Trong trường hợp nhiều người gọi, nếu tiện đường, nhân viên bán hàng có thể chở vài bình gas cùng một lúc.

Vẫn biết các cửa hàng kinh doanh gas thường sử dụng phương tiện xe máy để chuyên chở gas, do đây là phương tiện thông dụng và thuận lợi, giảm được chi phí vận chuyển; tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời đảm bảo an toàn cho những người vận chuyển gas và những người xung quanh, thiết nghĩ, các cửa hàng, đại lý bán gas cần thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo phòng chống cháy nổ trong khi vận chuyển bình gas bằng xe máy. Thêm vào đó là công tác kiểm tra, xử lý cũng cần được quan tâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *