Nhộn nhịp nghề may!

Chị Lê Ngọc Đèo, cảm thấy phấn khởi bởi sự thích thú học nghề của chị em.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, kết quả những lớp dạy nghề đã góp phần không nhỏ thay đổi bộ mặt nông thôn Cà Mau. Để triển khai hiệu quả các lớp học, trước khi tổ chức, ngành chức năng tiến hành các cuộc khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Theo đó, cùng với các lớp về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, trồng trọt… có tỷ lệ giải quyết việc làm cao thì nghề may có sức hút lớn đối với chị em nông thôn.

Nghề may đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo ở từng khâu.

Tham gia lớp may, người học chỉ cần ra công, còn lại các dụng cụ học nghề như: Máy may, vải, phấn vẽ, thước đo… đều được hỗ trợ. Đối với những đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách còn được hỗ trợ 15.000 đồng/người cho một ngày đi học. Tổng chi phí cho lớp học may này là 50 triệu đồng. Giáo viên xuống tận nơi để dạy, sau 3 tháng tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề cho học viên thi đạt. Chị Trần Huỳnh Chân (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) bộc bạch: “Trước đây tôi có biết may những mẫu đơn giản, sau khóa học may, tôi được nâng cao tay nghề, và có chứng chỉ để mở tiệm may tại nhà, kiếm thêm thu nhập”.

Niềm vui khi lần đầu tiên tự tay may áo tặng mẹ!

Mặc dù hiện nay thị trường may mặc tiện dụng với quần áo may sẵn, song ở vùng nông thôn, chị em vẫn mong muốn được học may để có thể chính tay may quần áo cho chồng, cho con lúc rảnh rỗi, chị em nào có điều kiện thì mở tiệm tại nhà, nhìn xa hơn là học được cái nghề để tìm việc làm ở các khu công nghiệp, kiếm thêm thu nhập. Chị Lê Ngọc Đèo, giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Cái Nước, chia sẻ: “Những lớp dạy may lúc nào cũng thu hút từ 30 – 40 học viên tham gia, nhìn các chị chịu khó và thích thú với nghề, tôi rất phấn khởi”.

Chị Nguyễn Thị Linh (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) có 2 con nhỏ, song vẫn tranh thủ thời gian tham gia lớp học, để có nghề “phòng thân”.

Giúp cho người lao động ở nông thôn được học nghề và cải thiện đời sống từ nghề được học, là mục tiêu tỉnh đang và sẽ hướng tới thực hiện, nhằm nâng cao mức sống người dân, nông thôn.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 38 ngàn người, vượt 9% kế hoạch; trong đó, đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 13.500 người, vượt 4% kế hoạch, dạy nghề dưới 3 tháng được 21.500 người. Theo đó đã có 37 ngàn lao động được giải quyết việc làm, trong đó lao động trong tỉnh 13 ngàn người, lao động ngoài tỉnh gần 24 ngàn người, vượt 3% kế hoạch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *