Những “lỗ hổng” trong quản lý đất công

Vi phạm Luật Đất đai 2013

Khi các lâm ngư trường được chuyển đổi thành các công ty lâm nghiệp, sau đó hợp nhất các công ty lại để chuyển sang mô hình hoạt động công ty TNHH MTV vào năm 2010, đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển cho biết: Dù khi thực hiện đề án chuyển đổi, có xây dựng phần quy hoạch và sử dụng đất, nhưng qua xem xét tại thời điểm hiện nay, tất cả đều kế thừa các hồ sơ, tài liệu, số liệu và hiện trạng của các đơn vị có rừng cũ, mà chưa xác lập, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và chi tiết hằng năm để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Thực tế này đã vi phạm Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh và Thông tư 04/2005/TT-BTNMT ngày 18/7/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai khi sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, cũng như Công văn số 265/BNN-ĐMDN ngày 25/1/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do thực hiện quản lý, sử dụng đất đai theo đề án, phương án cũ… thế nên đến nay chưa xác lập thủ tục thuê đất, từ đó đơn vị này chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định.

UBND tỉnh đã có chỉ đạo đơn vị khắc phục những tồn tại trên, yêu cầu xác lập lại các điều kiện theo quy định để tỉnh phê duyệt. Việc làm này nhằm tạo cơ sở để tỉnh có chủ trương lập thủ tục cho thuê đất hoặc xin giao đất có thu tiền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành đối với diện tích đất quốc doanh, do Công ty quản lý và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật. “Phớt lờ” chỉ đạo này, năm 2016, đơn vị tiến hành thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển thành công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ 51% và hiện Công ty đang xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới từ công ty MTV thành TNHH hai thành viên trở lên. Hiện, đề án này chưa được tỉnh phê duyệt.

Theo Đề án, toàn Công ty có diện tích 20.317,70ha, trong đó diện tích giao về cho địa phương quản lý trên 18.543ha, quốc doanh trực tiếp quản lý trên 1.773ha. Hiện, Công ty đang quản lý diện tích đất 23.151ha, trong đó diện tích giao khoán trên 20.800ha theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ, về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh; Công ty trực tiếp quản lý hơn 2.350ha.

Như vậy, từ khi chuyển đổi hình thức hoạt động từ hợp nhất các công ty lâm nghiệp để hình thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển theo Quyết định 380/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh (tại thời điểm này, Công ty có diện tích 23.844,6ha), đến nay, Công ty vẫn chưa nộp tiền thuê đất theo quy định, là vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

Do thực hiện quản lý, sử dụng đất đai theo đề án, phương án cũ… nên đến nay chưa xác lập thủ tục thuê đất, từ đó Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định.

Tiếp tục đổi mới để… “né” nghĩa vụ tài chính

Những gì đang diễn ra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển cũng là thực trạng chung đang tồn tại ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Việc hợp nhất 5 công ty lâm nghiệp để thành lập công ty TNHH MTV ở U Minh Hạ sớm hơn, có từ năm 2008, theo Quyết định 1009/2008, có tổng diện tích quản lý tại thời điểm này trên 27.092ha. Theo con số mà chúng tôi có được, hiện Công ty đang còn quản lý 25.272,38ha, trong đó đất nông nghiệp trên 23.195ha, phi nông nghiệp trên 2.076ha.

Từ khi chuyển đổi thành công ty TNHH MTV đến nay, Công ty chưa xác lập được thủ tục thuê đất, do đó chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định về thuê đất, tiền sử dụng đất. Công ty đang lập đề án, sắp xếp và đổi mới đơn vị theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và Thông tư 02/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giao đất về cho địa phương quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội 22.195,43ha; quốc doanh trực tiếp quản lý 2.765,61ha. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực lâm nghiệp, đến nay có 7 tổ chức được tỉnh cho thuê đất lâm nghiệp với diện tích 3.262,6ha, thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh để trồng rừng nguyên liệu.

Hiện việc cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc, lập bản đồ địa chính cho hai công ty lâm nghiệp trên đã được thực hiện xong từ năm 2016, nhưng đến nay thiết kế kỹ thuật – dự toán công việc trên chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên chưa có cơ sở để lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho hai công ty lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngày 14/4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 2646 về việc thu tiền thuê đất đối với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn.

Việc trồng rừng nguyên liệu theo hình thức thâm canh đang phát huy hiệu quả tại vùng rừng U Minh Hạ. Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại việc giải quyết đầu ra cho gỗ rừng trồng, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống chưa đạt hiệu quả như chính sách đề ra.

Tranh chấp đất rừng

Trong diễn biến liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất rừng, năm 2012, UBND tỉnh ban hành 8 quyết định giao Công ty Cổ phần Khánh Linh thuê diện tích 836,32ha đất lâm nghiệp tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh) với mục đích thuê đất trồng rừng nguyên liệu. Ngay sau đó, ngày 12/3/2013, Công ty này ký Hợp đồng số 01 với ông Nguyễn Như Nhỏ để hợp tác trồng rừng nguyên liệu trên phần diện tích 163,71ha tại Ấp 19, xã Khánh Thuận. Vấn đề càng thêm phức tạp khi giữa Công ty với ông Nhỏ xảy ra tranh chấp hợp đồng, và sự vụ hiện đang được Chi cục Thi hành án Dân sự huyện U Minh thụ lý.

Tại vùng rừng ngập mặn, 99,11ha đất lâm nghiệp tại xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) được Ban Quản lý rừng phòng hộ Năm Căn giao khoán cho 29 hộ dân. Ông Lý Hoàng Thao, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau khẳng định, trên thực tế, khi thành lập Vườn, diện tích này nằm trong ranh giới của Vườn, được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Thư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, căn cứ theo điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 thì vẫn giữ diện tích 99,1ha trên là đất rừng đặc dụng, thuộc về sự quản lý của Vườn. Hiện, 29 hộ dân không đồng ý, không chấp nhận dời đi để trả lại diện tích trên, làm cho tình hình quản lý đất rừng của Vườn gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề quỹ đất công được giao cho các xã quản lý được chính quyền cơ sở cho mượn, bị lấn chiếm… sẽ được thông tin trong kỳ tiếp theo.

Về hai khu đất thuộc khu vực lâm phần Ban Quản lý rừng Sào Lưới (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân), do Ban Chỉ huy Quân sự huyện quản lý được chúng tôi đề cập trong số báo trước, theo thông tin có được, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm điểm nghiêm túc đối với lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cái Nước và Phú Tân, theo từng thời kỳ trong việc quản lý, sử dụng đất lỏng lẻo; tự phân chia, giao khoán, cho thuê, cho mượn và bàn giao đất cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng chưa được cấp thẩm quyền cho phép; để đất đai bị lấn chiếm và ban hành quyết định giao đất cho hộ gia đình, cá nhân không đúng thẩm quyền.

Theo đó, đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo 2 đơn vị trên khẩn trương tiến hành thanh lý đối với các hộ nhận giao khoán và thông báo cho các hộ vay thanh toán dứt điểm với ngân hàng; khẩn trương hoàn thành phương án xác định giá trị đầu tư còn lại trên đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt đối với khu đất Nông trường Nguyễn Việt Khái; hoàn trả cho các hộ dân số tiền tự thỏa thuận thu giá trị đầu tư còn lại trên đất…

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *