Những lưu ý khi sạ khô vụ hè thu

Nơi nào đã có mưa nhiều, đất quá ẩm ướt, không có điều kiện bơm rút; nơi dễ ngập cục bộ hay nơi nguồn nước kênh mương không thể tưới bổ sung, chống hạn tạm thời cho lúa, thì không nên sạ khô. Ảnh: LÊ TUẤN

Sạ khô có nhiều điều lợi. Trong khi chờ mưa ngập đồng hay chờ có lượng nước ngọt đủ lớn đẩy mặn cho kênh mương ngọt lại mới gieo sạ, thì sạ khô cho lúa lên xanh trước khi mặt ruộng ngập. Cách sạ này cũng sẽ tranh thủ được thời gian cho lúa sinh trưởng kịp thu hoạch vào đợt nắng cuối vụ trong tháng 8 – 9, để kịp sạ cấy lấp vụ 2. Khi sạ khô, lúa giống không cần ngâm ủ và sau khi sạ hạt giống rơi vào khe đất hoặc gặp mưa gió sẽ được vùi lấp xuống đất, hạn chế được chim chuột. Nhờ độ ẩm trong đất, hạt lúa nảy mầm lên cây trước khi ruộng ngập nước. Khi đó bộ rễ rất phát triển, nằm sâu trong đất, sẽ hút được nhiều nước và chất dinh dưỡng, có sức chống chịu tốt nắng hạn cục bộ, chuyện bón phân thúc trễ do thiếu nước đầu vụ cũng không ảnh hưởng nhiều…

Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết đầu vụ năm nay, nhiều nơi trong tỉnh cần đề phòng hai trường hợp cực đoan: Mưa chụp gây ngập đồng ngay từ những đám mưa đầu mùa, khiến lúa không kịp nảy mầm, hoặc mưa đều đầu vụ nhưng khi lúa lên xanh thì nắng hạn cục bộ gây thiếu nước, khiến không thể bón phân thúc hay chăm sóc tốt được; chuột, bọ và nhiều sâu bệnh khác sẽ tấn công.

Cày ải chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ảnh: VĂN ĐỜI

Để đảm bảo cho lúa sạ khô phát triển thuận lợi, bà con cần chọn giống có thời gian sinh trưởng phù hợp và thích nghi tốt với điều kiện từng chân ruộng; lưu ý chọn giống cho vùng nhiễm phèn hay bị xâm nhập mặn. Tranh thủ mùa khô làm tốt thủy nông nội đồng, củng cố vững chắc bờ vùng, bờ thửa, khơi thông đường nước; tuy nhiên cũng cần chọn sẵn những chỗ có thể phải đắp đập giữ nước và phải chuẩn bị máy bơm để phục vụ bơm tát chống ngập hoặc bơm bổ sung khi cần.

Nếu ruộng đã có cày ải thì rất tốt, cần tranh thủ những cơn mưa đầu để bừa hay cày trở, cho đất bể ra thành cục lớn hơn nắm tay. Không nên làm tơi mịn quá, mưa xuống dễ bị lèn đất, hạt lúa sẽ thiếu nước, thiếu oxy, sẽ khó nảy mầm và có nguy cơ bị “nín”. Còn không cày ải được thì phải cày giòn ngay sau 1 – 2 cơn mưa chuyển mùa đầu tiên, rồi tranh thủ bừa hay cày trở và gieo sạ giống ngay, để lúa kịp nảy mầm, lên mạ trước khi mưa ngập đồng.

Lưu ý phải chọn thời điểm gieo sạ lúa giống khi mặt đất ruộng còn khô ráo, để hạt lúa được vùi xuống đất và kịp hút ẩm, nảy mầm, mọc thành cây mạ trước khi nước ngập tràn đồng. Nơi nào đã có mưa nhiều, đất quá ẩm ướt, không có điều kiện bơm rút; nơi dễ ngập cục bộ hay nơi nguồn nước kênh mương không thể tưới bổ sung, chống hạn tạm thời cho lúa, thì không nên sạ khô.

Khi có đủ các điều kiện và đã chọn biện pháp sạ khô, thì trước khi lúa lên xanh đồng, bà con phải thăm đồng thường xuyên sau mỗi cơn mưa, nhất là khi có mưa lớn, để kịp thời chủ động khơi thoát hay bơm tát nước cứu hạt giống. Trong quá trình chăm sóc vụ lúa hè thu sạ khô năm nay, cần đặc biệt chú ý đề phòng ốc bươu vàng gây hại, nhất là ở những nơi trũng; hay bị dế, chuột, bọ phá hại khi ruộng bị khô hạn cục bộ. Sâu phao, sâu cuốn lá đầu vụ, rầy nâu và các loại bệnh trên thân lá khác sẽ dễ phát sinh, phát triển trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt độ cao không bình thường như đã qua và hiện nay.

Chú ý trong vụ hè thu dù sạ khô cũng nên áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến: Ba giảm ba tăng, hay một phải năm giảm, không dùng thuốc hóa học trước khi lúa đạt 40 ngày tuổi… Đặc biệt là cần phải chú ý áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) ngay từ khâu chọn giống lúa và từ khi làm đất, cho đến cả sau thu hoạch để duy trì môi trường canh tác an toàn cho những vụ sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *